Tạp chí Sông Hương -
Trọn vẹn một niềm tin
15:17 | 17/01/2020

Trưng bày “Thắp lửa niềm tin” đang diễn ra tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội, nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Những hiện vật vô giá, những nhân chứng lịch sử đem đến nhiều câu chuyện xúc động về ý chí kiên trung, bất khuất của những người con yêu nước, dù bị giam nơi hầm tối vẫn trọn vẹn niềm tin hướng về Đảng.

Trọn vẹn một niềm tin
Các chiến sĩ bị địch bắt tù đày gặp nhau trong triển lãm tại Nhà tù Hỏa Lò - Ảnh: Hương Sen

Vẽ cờ Đảng trong chốn lao tù

Cựu tù Phú Quốc Nguyễn Thế Nghĩa sinh ra tại làng Đình Bảng, Bắc Ninh. Năm 22 tuổi, ông đã dùng máu của mình viết đơn xung phong đi bộ đội. Năm 1969, đơn vị đặc công CK25, trung đoàn 320, trực thuộc Bộ tư lệnh miền Nam của ông trong lần thực hiện lệnh ám sát lãnh đạo chính quyền Sài Gòn bất thành đã bị biệt kích địch chặn đường. Ông bị bắt và kết án tử hình rồi đày ra Trại tạm giam tù binh Phú Quốc.

Ở trong tù, ông Nghĩa được giao nhiệm vụ dẫn dắt đồng đội đấu tranh chính trị. Cuối năm 1970, ông được thông báo phải chuẩn bị lễ kết nạp Đảng cho đồng chí Lê Đức Thiện, quê ở Hà Nam. “Nghi thức kết nạp cần lá cờ đỏ búa liềm, mà trong chốn lao tù làm sao có? Còn ba ngày nữa là đến lễ kết nạp, tôi rất lo lắng, có hôm thức trắng đêm để nghĩ cách”, ông Nghĩa nhớ lại. Rồi trong một lần, có đồng đội nói với ông: “Anh Nghĩa ơi lấy máu làm cờ được không?”. “Mừng quá, tôi đã quẹt tay vào tấm tôn cánh cửa, sau đó xin băng gạc của giám thị quấn vào. Khi tháo băng gạc ra thì chỗ đậm, chỗ nhạt, nên đồng đội trong tù đề nghị: Cho chúng em góp với, rồi cắn tay chảy máu để nhỏ vào, tạo thành lá cờ đỏ. Chúng tôi tán viên thuốc chống phù nề của tù binh màu vàng rắc lên vẽ hình búa liềm”.

Sau khi hoàn thành lá cờ Đảng, ông Nghĩa cắn dập đầu que tăm chấm vào máu để vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên một mảnh giấy nhỏ. Để buổi lễ diễn ra trang nghiêm, ông Nghĩa mượn chiếc áo lành lặn nhất của bạn tù quê ở Hà Tĩnh, gắn hình Bác Hồ và lá cờ Đảng bên ngực trái. Buổi lễ kết nạp đảng viên mới của Đảng bộ Trại tạm giam tù binh Phú Quốc diễn ra thành công. Sau lễ kết nạp, chiến sĩ ở Trại tạm giam tù binh Phú Quốc cất giữ lá cờ, hình Bác như một báu vật và mang ra trong mỗi dịp sinh hoạt văn hóa, lễ kết nạp đảng viên mới... “Lá cờ và hình Bác vẽ bằng máu như là niềm tin của tôi về Đảng, các cuộc đấu tranh phải có Đảng, kể cả trong chốn lao tù khắc nghiệt nhất”, ông Nghĩa nói.

Không để phí hoài tuổi xuân

Cũng là cựu binh Trại tạm giam tù binh Phú Quốc, ông Nguyễn Tài Triệu bùi ngùi nhớ lại cuộc chiến đấu đầy cam go với địch, phải trải qua mấy nhà tù, cùng đồng đội đồng cam cộng khổ, sẵn sàng hy sinh bảo vệ Tổ quốc. Năm 1965, khi mới 16 tuổi, ông đã phải khai tăng đến 2 tuổi để được tham gia chiến đấu vì lý tưởng mình theo đuổi. Có mặt tại chiến khu mặt trận Phú Yên và trở thành tay súng bộ binh của Trung đoàn 95, Sư đoàn 5, ông đã trải qua những trận đánh ác liệt nhất, bị rocket găm vào người và bị bắt làm tù binh khi vừa tròn 18 tuổi.

Những ngày tháng khốc liệt trong Nhà tù Hố Nai, Biên Hòa, ông Triệu đã phải trải qua 3 lần cưa chân vì bị hoại tử, rồi bị kẻ địch liên tiếp tra tấn dã man. “Cũng từ nhà tù này, tôi được tổ chức Đảng chú ý bồi dưỡng kết nạp, trở thành hạt nhân trong đấu tranh thường trực mỗi khi có sự biến”, ông Triệu kể.

Trong cuộc chiến cam go với kẻ thù, ông Triệu từng được làm lễ truy điệu sống cùng với những người bị vào trại biệt giam và bị chuyển ra đảo Phú Quốc... Ký ức  những ngày tháng tại đây khiến ông Triệu không thể nào quên trong suốt cuộc đời. Mặc cho đòn tra tấn dã man của kẻ thù, tinh thần chiến đấu của tù binh trên đảo Phú Quốc rất quyết liệt. Đầu năm 1973, anh em trong trại giam hay tin có lệnh trao trả tù binh giữa hai bên. Ông Nguyễn Tài Triệu cho biết: “Tôi cùng mọi người khi đó được sống trong niềm vui vô bờ bến, bởi chỉ mới hôm qua thôi, nhiều chiến sĩ đã một đi không trở lại... Có lẽ do tôi luôn giữ vững niềm tin về ngày đoàn tụ, luôn đấu tranh giữ vững khí tiết, bảo vệ đồng đội. Niềm tin vào sự lãnh đạo tài tình của Đảng để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cũng giúp chúng tôi toàn thắng trở về. Đó là giá trị rất lớn”.

“Hãy sống với niềm tin vào lý tưởng của Đảng. Hãy sống và cống hiến sức mình để không phí hoài tuổi thanh xuân”. Đó là niềm tin, cũng là lời nhắn gửi thế hệ trẻ của lão thành cách mạng, cựu tù Hỏa Lò Tạ Quốc Bảo. Tham gia cách mạng khi mới 13 tuổi, ông trở thành liên lạc viên trẻ tuổi của khu xứ ủy Bắc Kỳ phía Bắc Hà Nội tại vùng Vân Nội, Đông Anh. Trong một lần treo cờ, rải truyền đơn tại chợ Cổ Loa, ông bị mật thám theo dõi và bắt sau đó. Chúng đưa ông về Sở Mật thám, tra tấn ngày đêm, dùng điện chích vào hai tai, vào mũi… mục đích để ông khai báo cơ sở hoạt động của ta. Do nhất định không khai, ông Bảo bị đưa ra Tòa án Pháp và xử giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò. “Thời điểm bị bắt, tôi vừa bước sang tuổi 16, trở thành người tù trẻ nhất tại Hỏa Lò lúc đó”, ông Bảo nhớ lại.

Ngay sau đó, ông Tạ Quốc Bảo trở thành nhân chứng cuộc “đại vượt ngục” ở Hỏa Lò tháng 3.1945. “Ngày 11.3.1945, lợi dụng quân Nhật mở cửa cho tù nhân ra ăn cơm, trong lúc tình hình lộn xộn, một số đồng chí của ta là Trần Đăng Ninh, Lê Trọng Nghĩa, Lê Tất Đắc… trốn khỏi xà lim rồi tìm cách sang được trại tù thường phạm. Tại đây, họ xé chăn, nối lại thành những chiếc dây dài, dùng làm thang rồi lần lượt trèo lên mái nhà, leo lên tường, rồi nhảy xuống phố. Không phải tất cả anh em đều trốn được, nhưng chúng tôi bảo nhau, sắp khởi nghĩa rồi, sớm muộn cũng được ra tù. Tôi luôn tin, dù mình ở nhà tù này bao lâu đi chăng nữa, thì cũng sẽ có ngày cách mạng thành công và chúng tôi sẽ được tự do”...

Theo Hương Sen - ĐBND
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng