Tạp chí Sông Hương -
Những mùa xuân có Đảng qua tranh của các danh họa nhiều thế hệ
10:18 | 04/02/2020

Ngay trước thềm kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 – 3-2-2020), một triển lãm với nhiều tác phẩm của các danh họa Việt Nam qua nhiều thế hệ ca ngợi Đảng, ca ngợi mùa xuân, ca ngợi đất nước đã được mở cửa. Lần đầu tiên, người xem được thưởng thức các bức họa của những tác giả lừng danh như Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Nùng, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Kao Thương, Nguyễn Nghĩa Duyện, Ngô Tôn Đệ… tại cùng một triển lãm.

Những mùa xuân có Đảng qua tranh của các danh họa nhiều thế hệ
Thăm Văn Miếu. Tranh Tô Ngọc Vân, năm 1948.

Đúng như tên gọi của triển lãm “Mùa xuân vĩnh viễn”, bao trùm lên các tác phẩm là những âm hưởng sáng tươi của cuộc sống mới, của mùa xuân rạng rỡ, của niềm vui, niềm hạnh phúc, nhưng cũng không quên những phút giây gian khó, kiên trung, những khoảnh khắc hướng tới Đảng mà bước tới. 59 tác phẩm của 54 tác giả thuộc nhiều thế hệ từ Mỹ thuật Đông Dương, Mỹ thuật kháng chiến cho đến nay với nhiều chất liệu phong phú như sơn mài, sơn dầu, lụa, màu nước, bột màu, khắc gỗ, tượng đồng được trưng bày là cơ hội hiếm hoi cho những ai yêu mến nghệ thuật trong thời kỳ kháng chiến.

Cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn. Tác giả Trần Bình Lộc, năm 1934.

 

Tác phẩm lâu đời nhất được giới thiệu tại triển lãm là “Cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn”, tranh sơn dầu của tác giả Trần Bình Lộc vẽ năm 1934. Phong cảnh Hà Nội bình yên, tươi đẹp cũng là đề tài của nhiều tác phẩm khác trong triển lãm, như “Hồ Hoàn Kiếm” của tác giả Phạm Viết Song vẽ năm 1972, “Thăm Văn Miếu” của tác giả Bùi Xuân Phái vẽ năm 1949, “Mừng miền nam giải phóng” của tác giả Phạm Việt Hải vẽ năm 1976, “Gò Đống Đa” của tác giả Trần Nguyên Đán năm 1976, “Phong cảnh Ngọc Hà” năm 1984…

Buổi sáng ở một buôn Tây Nguyên. Tranh Trần Văn Cẩn, năm 1982.

Phong cảnh miền núi, Tây Nguyên cũng được các tác giả đề cập đến trong nhiều tác phẩm. Có thể kể đến “Buổi sáng ở một buôn Tây Nguyên” của tác giả Trần Văn Cẩn năm 1982, “Việc thường ngày ở bản” của tác giả Nguyễn Lương Tiểu Bạch năm 1995, “Mỏ thiếc Cao Bằng” của tác giả Nguyễn Kao Thương năm 1957, “Đồng bào Tây Nguyên mừng Đại hội Đảng lần thứ IV” của tác giả Xu Man năm 1976, “Núi Các Mác” của tác giả Trần Đình Thọ năm 1976, “Màu chàm thêm sắc quất” của tác giả Trần Văn Cẩn năm 1964…

Kết nạp Đảng trong tù. Tranh Nguyễn Đức Nùng, năm 1968.

Đặc biệt, tình cảm đối với lý tưởng cao đẹp, với niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng được thể hiện qua nhiều tác phẩm như “Kết nạp Đảng trong tù” của tác giả Nguyễn Đức Nùng” năm 1968, áp-phích “Chung một ngọn cờ” của tác giả Huỳnh Phương Đông năm 1976, “Mùa xuân vĩnh viễn” của tác giả Lê Đức Lai năm 1976, “Luận cương đến với Bác Hồ” của tác giả Nguyễn Minh Thông năm 1979, “Cuộc đời có Đảng” của tác giả Lê Sơn Hải năm 1980, tác phẩm điêu khắc “Đảng là mẹ hiền” của tác giả Diệp Minh Châu, tác phẩm điêu khắc “Cộng sản trong bụng tôi” của Hồ Uông năm 1984. Đặc biệt “Mùa xuân vĩnh viên”, bức tranh được lấy làm tên cho cả triển lãm, do tác giả Lê Đức Lai sáng tác sau ngày thống nhất đất nước với hình ảnh hai cô gái tượng trưng cho hai miền nam bắc ngồi bên cành đào và cành mai với sắc màu rạng rỡ, tươi tắn như niềm tin và tâm trạng của người dân khi non sông đã liền một dải.

Mùa xuân vĩnh viễn. Tranh Lê Đức Lai, năm 1976.

Không chỉ ca ngợi đất nước, mùa xuân, ca ngợi Đảng, nhiều tác phẩm trong triển lãm còn hướng tới vị Cha già dân tộc như “Ơn Đảng ơn Bác người Mèo có chữ” (Quách Hùng), “Luận cương đến với Bác Hồ” (Nguyễn Minh Thông), “Việt Nam – Hồ Chí Minh” (Nguyễn Nùng)… Mùa xuân của những năm tháng có Đảng còn được thể hiện ở các tác phẩm nói về công cuộc xây dựng đất nước như “Xóm làng bình yên” của tác giả Nguyễn Văn Bình, “Bình yên” của tác giả Phạm Viết Hồng Lam, “Chợ hoa Hải Phòng” của tác giả Vũ Văn Thu, “Anh hùng Lê Văn Đức và tổ sửa chữa dầu máy” của tác giả Nguyễn Văn Thiên, “Hà Nội đón xuân” của tác giả Nguyễn Ngọc Tuân…

Điều đặc biệt ở triển lãm là người xem có thể thưởng thức đồng thời những tác phẩm của nhiều danh họa thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương, Mỹ thuật kháng chiến như danh họa Trần Văn Cẩn với hai tác phẩm “Buổi sáng ở một buôn Tây Nguyên”, “Màu chàm thêm sắc quất”, danh họa Bùi Xuân Phái với “Thăm Văn Miếu”, cây đại thụ của làng tranh sơn mài Việt Nam Nguyễn Đức Nùng với bức “Kết nạp Đảng trong tù”, họa sĩ của núi rừng Xu Man vói “Đồng bào Tây Nguyên mừng Đại hội Đảng lần thứ IV”, họa sĩ Trần Bình Lộc với “Cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn”. Đó là những tác phẩm mang dấu ấn của tác giả hoặc ghi lại những khoảnh khắc lịch sử của đất nước.

Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Đây là nỗ lực của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhằm tôn vinh sáng tạo của các thế hệ họa sĩ, nghệ sĩ điêu khắc, giúp người xem cảm nhận được việc phát huy giá trị truyền thống cách mạng, kháng chiến của Đảng ta dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự tham gia hết sức to lớn và hiệu quả của quân và các tầng lớp nhân dân ở mọi miền Tổ quốc. Những người thực hiện Triển lãm cũng mong muốn rằng đây là dịp giúp các thế hệ sau này ôn lại truyền thống những truyền thống quý báu của Đảng và nhân dân ta”.


Theo Tuyết Loan - NDĐT

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng