Tạp chí Sông Hương -
Tạm biệt một tấm lòng với văn chương
10:08 | 10/02/2020

Hay tin nhà văn, nhà báo Trần Thanh Phương vừa trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM), rất nhiều văn nghệ sĩ đã bày tỏ sự thương tiếc. Bởi một lẽ, hiếm hoi có một người cần mẫn với chữ nghĩa, với văn chương như ông.

Tạm biệt một tấm lòng với văn chương
Nhà văn, nhà báo Trần Thanh Phương (ngồi) với một số văn nghệ sĩ TPHCM. Ảnh: Bích Ngân

Nhà văn, nhà báo Trần Thanh Phương sinh ngày 23-9-1940 tại Cà Mau, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết, hội viên Hội Nhà văn TPHCM. Ngoài sử dụng tên thật, ông còn các bút danh khác như: Trần Thanh, Minh Hải. Không chỉ hoạt động sôi nổi trên lĩnh vực báo chí, ông còn tham gia sáng tác.

Những năm tháng cuối đời, ông dành phần lớn thời gian cho công việc sưu tầm tư liệu báo chí. Ông để lại cho đời nhiều tác phẩm và công trình nghiên cứu, sưu tầm có ý nghĩa với nhiều thể loại và đề tài khác nhau như: San hô đỏ (1975); Trong rừng dẻ hương; Xứ sở phù sa; Xa xa mũi đất Cà Mau (1987); Về nhà mình xa quá, má ơi! (2006); Tuyển tập ngắn (1975); Những người còn sống mãi (1980); Trịnh Công Sơn, người hát rong qua các thời kỳ (2001); Nghệ sĩ Bạch Tuyết - cải lương Chi Bảo (2004); Chân dung bằng chữ (2011); Lời cuối với nhà văn đã đi xa (2016); Rượu với văn chương (2017)...
 

Đặc biệt, ông còn được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) công nhận 3 kỷ lục: Người có bộ sưu tập bài báo nhiều nhất Việt Nam; Người có quyển sách sưu tập các bài báo có kích thước lớn nhất Việt Nam và Người có bộ sưu tập chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam nhiều nhất Việt Nam.

Đầu năm 2017, ông đã trao tặng Thư viện KHTH TPHCM toàn bộ các tư liệu của ông, trong đó đáng chú ý là các bộ sưu tập: Các bài báo viết về lịch sử oai hùng của dân tộc, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, những tấm gương sáng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vẻ đẹp đất nước, ngành nghề truyền thống, những sự kiện nổi bật, thiên tai…

Làm việc với nhà văn Trần Thanh Phương từ năm 2008, lúc đó bà Nguyễn Ánh Tuyết, Phó Giám đốc NXB Văn hóa - Văn nghệ, vẫn đang là biên tập viên. Ấn tượng đầu tiên của bà về ông Phương là một người đậm chất Nam bộ, chân chất, tốt bụng.

“Ngay từ đầu, chú Phương đã tạo ấn tượng hiền lành, gần gũi như cha, như chú mình nên làm việc rất thoải mái, dễ chịu. Tôi đến nhà chú nhiều lần, lần nào cũng được chú và cô Thu Hương (vợ nhà văn Trần Thanh Phương) tiếp đón ân cần, như con cháu trong nhà”, bà Ánh Tuyết nhớ lại.

Rất nhiều cuốn sách của nhà văn, nhà báo Trần Thanh Phương từng được ra đời tại NXB Văn hóa - Văn nghệ như: Về nhà mình xa quá, má ơi!; Chân dung bằng chữ; Ngòi bút và cây kéo; Còn là tinh anh. Vào năm 2017, ông đã in cuốn sách cuối cùng ở đây là Hổ phụ sinh hổ tử.

Theo bà Nguyễn Ánh Tuyết, với những cuốn sách dạng biên khảo, nhà văn Trần Thanh Phương đã sưu tập rất nhiều tư liệu mà có thể bây giờ đã xuất hiện nhiều trên mạng nhưng hồi trước rất quý giá.

“Chú Phương dành thời gian thu thập, sau đó dùng tư duy của nhà báo để tổng hợp, xâu chuỗi thông tin, rồi dùng tâm hồn của một nhà văn để viết”, bà Ánh Tuyết tâm sự.

Khi nhắc về nhà văn, nhà báo Trần Thanh Phương, không ít người còn nghĩ ngay đến một nhà sưu tầm. Theo nhà văn Bích Ngân, những tư liệu mà nhà văn, nhà báo Trần Thanh Phương đã cất công sưu tầm, tập hợp thành sách có ý nghĩa lớn lao đối với nền văn học Việt Nam.

Nhà văn Bích Ngân chia sẻ: “Đó là những tư liệu quý giá, mà mới nhìn thì thấy bình thường, nghĩ rằng không có gì ghê gớm. Nhưng để có được những quyển sách như Chân dung bằng chữ, anh Phương đã phải rất gian nan.

Từ những cuốn sách báo sưu tầm, anh lọ mọ đi thuê người đánh máy lại, biên tập, cặm cụi viết. Có nhiều cuốn anh biên soạn và viết lại, cực khổ lắm! Nếu anh Phương không làm, tôi nghĩ chắc cũng không ai làm. Công việc vô cùng gian nan mà không có tấm lòng thì không ai làm được như vậy”.

Cũng theo nhà văn Bích Ngân, nhà văn, nhà báo Trần Thanh Phương đặc biệt yêu quý những người sáng tạo văn chương. Thời đó chưa có Internet, thông tin chưa phổ biến như bây giờ nên những người làm báo thường tới nhà ông nhờ tìm kiếm tư liệu, nhất là những tư liệu về văn chương Việt Nam, về các thế hệ nhà văn.

“Anh Phương thực ra không phải là một người dư dả về tiền bạc. Bình thường anh rất tằn tiện, cần kiệm; nhưng tiền bạc có bao nhiêu anh đều dành cho việc in sách. Người khác in sách sẽ nhận tiền nhuận bút hay có cách nào đó để bán sách, thu hồi vốn; còn anh Phương thì rất thật thà, anh bỏ tiền ra in sách, đến chừng tôi cùng một số người nữa là những nhân vật có trong sách bỏ tiền ra mua thì anh cũng ngượng nghịu khi nhận tiền”, nhà văn Bích Ngân nhớ lại.

Theo Hồ Sơn - SGGP

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng