Tạp chí Sông Hương -
Món nợ văn chương và những kỷ niệm
14:47 | 13/02/2020

“Nhắc đến Phan Quang, chúng ta vẫn hình dung ông là nhà báo lớn, nhà hoạt động xã hội xuất sắc, quên mất Phan Quang còn là nhà văn...".

Món nợ văn chương và những kỷ niệm
Nhà báo lão thành Phan Quang.

Đầu Xuân Canh Tý – nhà báo Phan Quang  tặng tôi một tập bản thảo mỏng với tên sách (tạm đặt): “Tím ngát tuổi hai mươi - Tuyển truyện ngắn”. Sau “Lời thưa” của tác giả, là “Mấy lời mở sách” của nhà văn Trần Đăng Khoa: “Kể cũng thú vị thật!”. Ấy là theo Khoa, bấy lâu nay, khi nhắc đến Phan Quang, chúng ta vẫn hình dung ông là nhà báo lớn, nhà hoạt động xã hội xuất sắc, quên mất Phan Quang còn là một nhà văn. Ông viết văn còn sớm hơn cả viết báo và dịch sách.

Với Trần Đăng Khoa là vậy. Còn với tôi, kẻ hậu sinh cũng sinh năm Thìn như ông, nhưng kém tới hai con giáp, thì đọc bản thảo tuyển tập truyện ngắn của ông, toàn là những tác phẩm được viết trong 9 năm chống Pháp và sau tháng 10/1954 vài năm, thấy gặp nhiều kỷ niệm quá.

Đầu tiên phải kể đến truyện ngắn “Chiếc khăn tang” ông viết ở Thừa Thiên năm 1950 và in lần đầu trên tạp chí “Thép mới” của văn nghệ liên khu IV. Tả cảnh đôi trai gái “phải lòng nhau” – anh Cơ và cô Hường, gặp nhau bên dòng  sông  đào nhỏ, có một loài hoa ít được người Bắc và người Nam biết đến: hoa giêng giếng. Ông viết: “Bên bờ sông, hoa giêng giếng nở những cụm vàng, mùi hương của hoa toả mùi hơi hăng hắc, các cánh hoa vươn dài từ các ngọn cây chúi xuống như muốn với tới sát mặt sông…”

Ngày ấy, 5/4/2008, sau tiết Thanh minh, tôi có dịp về Xuân Bồ (Lệ Thuỷ - Quảng Bình) được một người bạn dẫn lang thang qua các triền sông Nhật Lê- Kiến Giang, chỉ vào những chùm hoa nhỏ làm thành những dải lụa vàng ven sông, bảo rằng: thật may cho ông, năm nay hoa giêng giếng nở muộn. Thường thì “ra giêng giêng giếng nở vàng”. Theo bạn tôi thì đây cũng là một món thực phẩm cho dân nghèo những năm giặc tạm chiếm, mà nhà thơ  Lê Đình Ty đã tả thật sinh động trong bàì thơ “Hoa giêng giếng" của mình. Và hoa giêng giếng trở thành "kỷ niệm tháng giêng” cho những người trai từ biệt người yêu lên đường ra trận:

…Giêng giếng ai đặt tên?

Thời gian chưa kịp lớn

Chiến tranh lửa đạn tràn lan

Chúng tôi thành người lính

Ra đi gìn giữ xóm làng

Tiễn đưa

         Giêng giếng

                  bạn vàng

                           trao tay…”

Trong truyện ngắn “Chiếc khăn tang”, làng quê của anh bộ đội Cơ và người vợ Hường có thời gian bị giặc Pháp tạm chiếm, “lập tề”. Để chống lại các thủ đoạn khủng bố của địch, gia đình nhà chồng phao tin anh Cơ chết ở đâu không biết và chị vợ đeo khăn tang. Bằng lối kể chuyện có trước có sau cho phù hợp với trình độ người đọc lúc ấy, nhà văn trẻ Phan Quang đã mô tả rất sinh động cuộc sống của người dân vùng mới lập tề và vui nhất là cảnh bộ đội về làng sau khi nhổ xong đồn bốt giặc. Chị Hường vứt bỏ chiếc khăn trắng, với niềm hạnh phúc vỡ oà khi đón chồng trở về…

Tôi có cái may là trong khoảng thời gian hơn 10 năm miền Bắc sống trong hòa  bình, được đọc khá nhiều tác phẩm thơ văn  viết về cuộc kháng chiến chống Pháp, từ “Những kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội” đến hai tuyển tập Văn 1945-1960, hai tuyển tập thơ 1945-1956 và 1945-1960…Ấn tượng còn mãi đến hôm nay vì những tác phẩm đó đã “ tái hiện cuộc sống như nó vốn có”… Đọc tuyển tập truyện ngắn của Phan Quang, lại có được cái cảm giác như cùng tác giả đang sống trong những ngày kháng chiến, cùng hành quân đêm với bộ đội, khi “màn đêm xuống không trăng sao” hay gục đầu trên súng mũ đón bình minh lên nơi trảng cát… Truyện ngắn “Lửa hồng” kể lại câu chuyện một anh bộ đội vừa hoàn thành nhiệm vụ báo tin cho dân “ngày mai giặc càn”, ghé vào gian chòi của một gia đình, ngồi sưởi bên bếp lửa hồng rồi lại lên đường về đơn vị. Một đoạn đối thoại ngắn “cái bếp nhà mình lửa ấm quá bác nhỉ. Ừ, sống ở rừng chỉ còn biết nhờ vào hơi ấm của lửa thôi. Trong nhà có được bếp lửa thì đói cũng đỡ, rét cũng đỡ”.

“Xa xa một tiếng hoẵng kêu gọn lỏn, khô khan”. “Trời vẫn đang mưa và hình như còn nặng hạt hơn hồi nửa đêm. Sau một thoáng chần chừ người chiến sĩ cố mạnh dạn đặt hai bàn chân trần khô ráo lên con đường mòn sũng nước, miệng khe khẽ hát bài hát thân quen “Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi…”. Truyện ngắn “Lửa hồng” vào tay một nhà biên kịch tài giỏi, một đạo diễn giầu vốn sống, sẽ là một phim về tình quân dân rất hay.

Lại nhớ sau khi điện ảnh Việt Nam làm bộ phim truyện đầu tiên “Chung một dòng sông”, đã làm tiếp một vài phim, tiếc rằng bạn trẻ ngày nay chưa có dịp xem . Trong đó có phim “Vật kỷ niệm của người đã khuất” với cảnh mở đầu là một anh bộ đội áo bốn túi, mũ kê-pi có đính quân hiệu, trở về thăm một xóm  nhỏ thời kháng chiến đơn vị đã đóng quân. Trên cánh đồng tấp nập người đang cắt lúa… Cảnh rất thật vì hoà bình mới lập lại chưa lâu trên miền Bắc, người chưa thay đổi, vật chưa thay đổi. Nhìn là nhận ra ngay quang cảnh đồng ruộng nông thôn miền Bắc lúc đó.  Đọc những truyện ngắn của Phan Quang trong tập bản thảo “Tím ngát tuổi hai mươi” tôi lại được sống trong khung cảnh những năm chống Pháp mà tuổi thơ tôi không trải qua, thêm hiểu thế nào là “chiến tranh nhân dân”, hiểu được vì sao Nguyễn Đình Thi viết “nước Việt Nam từ máu lửa ,rũ bùn đứng dậy sáng loà”.

Một “đoàn hợp công xóm Lùng” ở rẫy Bến Than, những anh Lễ, cô Thơm, cô Thảo, anh Lành năng động trong việc gánh vác công việc  phá hoang làm rẫy, tham gia bộ đội, du kích…nỗi trăn trở của ông Cựu “vô” hay “không vô” đoàn hợp công (truyện vừa “Đất rừng”)…và tất cả xôn xao khi bộ đội về làng, nghe tin “chiến thắng Việt Bắc” mà tự hỏi nhau “Việt Bắc là nơi nào” (Phan Quang thuật lại năm 1949) để sau này Tố Hữu mới có câu thơ “Trông lên Việt Bắc mà nuôi chí bền”.

Theo sự lớn mạnh của kháng chiến mà người và cảnh vật cũng thay đổi. Nếu trong truyện “Lửa hồng” anh chiến sĩ còn phải đi chân đất, thì trong những truyện ngắn sau, người chiến sĩ đã có đôi dép cao su, làm từ lốp ô tô chiếm được của giặc. Có lẽ khi viết truyện “Anh bạn thợ dép của tôi” (Nghệ An 1950), Phan Quang cũng không thể ngờ rằng “ đôi dép Bình Trị Thiên” ấy mấy chục năm sau đã theo bộ đội ta vượt Trường Sơn váo tới Dinh Độc Lập (Sài Gòn) và cuối những năm 1990 vẫn còn một ông giám đốc sở Xây dựng một tỉnh miền Nam Trung bộ, đi đôi dép này vào hội trường Thống Nhất dự một Hội nghị toàn quốc, mà tôi có dịp tiếp chuyện. Truyện “Anh bạn thợ dép của tôi” giúp cho bạn trẻ ngày nay hiểu vì sao đôi dép cao su làm từ lốp ô tô, lại mang cái tên “dép Bình Trị Thiên” . Tôi dám chắc là những người lớn lên ở miền Bắc, cho đến năm 1975, không ai là không biết. Cho nên truyện ngắn này có sức hấp dẫn.  Nhân vật “anh bạn thợ dép” là anh bộ đội bị thương ở tay, trở nên gần gũi và dễ thưong hơn.

Trong tập truyện này, nhà văn Phan Quang có hai truyện viết về cải cách ruộng đất ở mìền Bắc. Truyện “Ông  lão làm vườn trong nhà chung” và truyện ngắn “Đêm”. Rất tiếc là truyện vừa “Trăng ơi sao nỡ vội che” của ông, cũng về cải cách ruộng đất (trong đó miêu tả tình yêu của một đôi nam nữ) mà tôi được đọc bản thảo, ông không đưa vào tập bản thảo này. Trần Đăng Khoa nhận xét “truyện của Phan Quang hầu như không có chuyện. Chuyện “Bên phá Tam Giang” hay chuyện "Vô du kích” (có trong bản thảo) tóm tắt lại có vẻ nhạt vì chẳng có gì để nói, thế mà Phan Quang vẫn dựng thành được một cái truyện xinh xẻo, ấm áp”. Quả thật như vậy!

Đọc các truyện của Phan Quang viết về cải cách ruộng đất, thấy ông không kể chuyện đấu tố, không thấy viết về những chuyện đau lòng mà ngày nay khi nhắc về cải cách ruộng đất, nhiều người đã thuật lại. Dĩ nhiên,  trong truyện nói về những nỗi cơ cực mà ông lão làm vườn, anh Cao, chị Lấm (truyện ngắn “Đêm”) . Tác giả cũng nêu rõ, những thủ đoạn bóc lột vừa tinh vi vừa trắng trợn đối với nông dân của tầng lớp địa chủ. Nhưng chủ đạo vẫn là việc cải cách ruộng đất đã mang lại cho những người dân nghèo cuộc đời mới. Đến lượt họ, khi được chia “quả thực” đã có những chuyện nhường nhịn, san sẻ cho nhau.  Và giọng văn của Phan Quang như thanh thoát hơn khi kể về những niềm vui này.

Trần Đăng Khoa đã rất đúng khi viết rằng: cái làm nên sức sống trong các trang văn của Phan Quang là “cái tình rất chân thật”. Cái mà cụ Nguyễn Du gọi là “chữ Tâm”. Và ‘cái Tài”nữa chứ!

Trong một lần tâm sự, Phan Quang nói “tôi đã để nghề báo ngập lụt đời tôi”. Ông cũng kể khi ông còn đang phân vân giữa “văn’ và “báo” thì chính Bác Hồ đã hướng ông vào nghề báo. Và ông đã thực hiện lời Bác Hồ dạy, trở thành một nhà báo.

Trong cuốn hồi ký mới xuất bản cuối năm 2019, đã kể chuyện Pha-đê-ep, nhà văn Liên Xô nổi tiếng, sau một thời gian dài làm công tác quản lý và viết báo, khi quay trở lại viết văn rất khó nhọc. Cho nên dù đã có nhiều tác phẩm văn xuôi chững chạc, nhưng Phan Quang đã gần như dừng hẳn việc sáng tác văn xuôi. Và từ đó hình thành một phong cách báo chí Phan Quang “trong báo có Văn”. Và để đến mùa Xuân Canh Tý này, khi đã ngoài 90, ông đã tuyển chọn 8 truyện ngắn và truyện vừa, cùng 2 truyện ngắn dịch của nước ngoài, in thành tuyển tập có cái tên rất lãng mạn “Tím ngát tuổi hai mươi” như một món nợ văn chương phải trả.

Nhưng tôi tin rằng đây chưa phải là lúc nhà báo-nhà văn Phan Quang “rửa tay gác kiếm”. Bởi vì cuối  tuyển truyện ngắn này, ông đưa thêm hai bài viết  “Bên cầu ngói Thanh Toàn” nhân kỷ niệm ngày sinh lần thứ 100 cố nhà văn Bùi Hiển (1019-2019) và “Hai chuyến đi, dấu ấn để đời- chiến trường Bình Trị Thiên trong cuộc đời và sự nghiệp nhà thơ Chế Lan Viên” nhân kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh cố nhà thơ Chế Lan Viên (1020-2020).

Chúng ta cùng chờ xem…

Nguồn: Nhà báo Trương Cộng Hoà - VOV.VN

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng