Tạp chí Sông Hương -
Trong miền xanh thẳm của Kim Hòa
15:02 | 17/02/2020

Nguyễn Thị Kim Hòa (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) không còn là cái tên xa lạ trong làng văn chương nước nhà. Bởi những năm gần đây, Hòa liên tục gây ấn tượng bằng những tác phẩm đậm chất sáng tạo, và là chủ nhân của nhiều giải thưởng văn chương uy tín. Và khi nhắc đến văn chương của Nguyễn Thị Kim Hòa, phải đề cập ngay đến thể loại văn học thiếu nhi.

Trong miền xanh thẳm của Kim Hòa
Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa

1. Năm 2011, Nguyễn Thị Kim Hòa trình làng tác phẩm đầu tay, cũng chính là tác phẩm dành cho thiếu nhi. Đó là truyện dài Tay chị tay em (NXB Kim Đồng), một tác phẩm nhỏ nhắn, xinh xắn nhưng chứa đựng trong đó cả một tấm lòng nhân ái. Nhân vật trong tác phẩm là một cô bé có đôi tay không giống nhau; trong khi bàn tay trái mập mạp, “những ngón tay tròn tròn, lủn xủn xấu ơi là xấu” thì bàn tay phải lại rất đẹp, “bé xíu mềm mại, mấy ngón tay thuôn thuôn xinh xẻo như mấy cái bút mực”. Nhân vật cô bé gọi bàn tay phải là “bàn tay em”, còn bàn tay trái là “bàn tay chị”. Tay chị hàng ngày làm đủ mọi việc: viết bài, thay quần áo, quét nhà cho mẹ, chải tóc cho búp bê. Còn tay em thì chẳng làm gì, bởi vì đó là bàn tay bị bệnh, “không xài được”.
 

Sau 10 năm chạm ngõ văn chương, Nguyễn Thị Kim Hòa đã để lại ấn tượng cho độc giả cũng như giới chuyên môn qua nhiều tác phẩm như Nho đắng, Cơn lũ vẫn chưa qua, Đỉnh khói, Con chim phụng cuối cùng, Cửa sổ phía Đông...Trong 10 năm đó, Hòa cũng vinh dự nhận được nhiều giải thưởng cao như giải thưởng dành cho tác giả trẻ của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2012; giải nhất cuộc thi Truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2013-2014; giải tư Văn học tuổi 20 lần 6.

Đi qua những ngày ấu thơ nơi vùng quê nắng gió, như rất nhiều đứa trẻ khác, cô bé cũng đi học, lang thang với những trò chơi bắt dế, cầu “ma lon”… Đôi lúc, vì “bàn tay em” yếu ớt đã khiến việc học hay những trò chơi có phần khó khăn nhưng cô bé vẫn luôn lạc quan, rằng: “Khi bạn có một bàn tay cái - gì - cũng - làm - được thì chả nên buồn vì một bàn tay cái - gì - cũng - không - làm - được”. Sự lạc quan mà cô bé có được còn đến từ những người xung quanh, trong đó có người ông của cô. Như một ông tiên đôn hậu, trước những phút buồn lòng của cô bé, ông lại dành những lời thủ thỉ từ trái tim: “Con hãy kể cho bạn ấy nghe về đôi bàn tay con và những việc con muốn làm bằng bàn tay bị bệnh mà không làm được. Và con hãy nói với bạn ấy rằng mọi bàn tay trên đời này đều rất đáng yêu. Có bàn tay viết chữ đẹp, lại có bàn tay bắn bi giỏi, có bàn tay giỏi giơ lên phát biểu, cũng có bàn tay giỏi đưa em. Chẳng nên ghét bàn tay vì nó làm không được một điều trong số đó, mà phải yêu nó, phải an ủi nó để nó cố gắng hơn”. 

Ngoài đời, Kim Hòa cũng có một “bàn tay em” như vậy. Đó là hậu quả của cơn sốt năm 2 tuổi khiến tay phải của Hòa bị liệt, không thể cầm nắm hay làm việc nặng. Nhưng giống như cô bé trong tác phẩm Tay chị tay em, Hòa vẫn luôn lạc quan và nỗ lực không ngừng. Mới hay, khiếm khuyết đôi khi không phải là một bất hạnh, điều quan trọng là ta ứng xử với nó như thế nào; khi đó, số phận cũng lay chuyển theo hướng mà ta nhìn về khiếm khuyết đó. Như Hòa, từ khiếm khuyết của bản thân, đã biến nó thành chất liệu cho tác phẩm, mà còn là tác phẩm hay, rất khó để một người bình thường có thể sáng tác được.

2. Nói gì thì nói, Tay chị tay em vẫn là cuốn sách báo hiệu cho một tài năng của văn học thiếu nhi. Và điều đó đã được chứng thực sau gần 10 năm cuốn sách ra đời. Sau tác phẩm đầu tay, bên cạnh những tác phẩm dành cho người lớn được giới chuyên môn đánh giá cao, Nguyễn Thị Kim Hòa tiếp tục bền bỉ theo đuổi công việc sáng tác cho thiếu nhi. Nhiều tác phẩm nối tiếp nhau ra đời, được độc giả nhỏ tuổi yêu mến như: Leng keng Noel, Công chúa nhỏ chăn cừu, Cút cà cút kít, Chiếc áo của Gián Đất; mới đây là Chuyện kể ở lớp học Cây Me. 

Đọc những tác phẩm viết cho thiếu nhi của Nguyễn Thị Kim Hòa, người đọc dường như đang lạc vào miền xanh thẳm, vô cùng trong sáng và luôn ấm áp tình người. “Mọi khiếm khuyết trên đời này đều được chữa lành bằng một trái tim”. Nguyễn Thị Kim Hòa đã viết vậy ở tác phẩm đầu tiên của mình. Và tinh thần này cũng được Hòa tiếp tục ở những tác phẩm sau như truyện ngắn Hoàng tử rơm, đoạt giải nhất cuộc vận động sáng tác Văn học thiếu nhi do NXB Kim Đồng phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Thụy Điển tổ chức năm 2012. Hay như trong truyện dài Chuyện kể ở lớp Cây Me mới đây cũng vậy.

Tác phẩm dựng lên một lớp học vui nhộn và sinh động, ở đó, những nhân vật như Vẹt Cận, Thỏ Trắng, Chuột Nhí, Sóc Quậy… đầy lí lắc, hồn nhiên mang dáng dấp của những đứa trẻ. Hòa mang đến những bài học nho nhỏ, nhẹ nhàng, được đan cài một cách khéo léo mà tin rằng bất cứ đứa trẻ nào cũng thích thú, cũng ồ à khi khép sách lại. Đặc biệt, trong tác phẩm này, Kim Hòa cũng viết về nhân vật Hổ Bông, mà vì khiếm khuyết của bản thân khiến cậu luôn “khó chịu và cô độc”. Nhưng ở lớp học Cây Me, đằng sau những cô bé cậu bé ham chơi, có lúc ngổ nghịch lại là những trái tim ấm áp, đã gắn kết mọi người lại với nhau. 

Hơn chục tác phẩm đã ra mắt, nhưng xuất phát ban đầu của Nguyễn Thị Kim Hòa lại không phải dân văn. Năm 2005, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại TPHCM, vì lý do sức khỏe nên một năm sau đó, Hòa về quê mở lớp dạy thêm Anh văn tại nhà. Học sinh chủ yếu là các em cấp 1 và cấp 2. Và có lẽ, bên cạnh thiên tư của người sáng tác cho thiếu nhi, thì chính lớp học tại nhà cũng là yếu tố giúp những tác phẩm của Kim Hòa đầy lay động đến như vậy. Bởi lẽ, gắn bó với các em, nên khi bắt đầu viết Hòa đưa luôn sự hồn nhiên của học trò mình vào trang viết, viết bằng những gì gần gũi, thân thương nhất với mình. “Lớp học luôn là nguồn cảm hứng dồi dào cho những sáng tác của tôi. Được ở một ngày với một đứa trẻ, bạn sẽ thấy có cả chục câu chuyện từ các em. Tôi may mắn hơn, tôi ở bên quá trời trẻ nhỏ, suốt 12 năm nay”, Nguyễn Thị Kim Hòa chia sẻ về con đường đến với văn học thiếu nhi của mình.

Nhìn lại chặng đường mà mình đã qua, Nguyễn Thị Kim Hòa trải lòng: “Tôi tin vào số phận. Đôi khi có những ngã rẽ ta buộc phải chấp nhận hoặc làm ta bất ngờ. Cứ mạnh dạn tiến tới. Biết đâu sẽ tìm thấy hành trình thú vị nhất cuộc đời mình, như tôi, là công việc dạy học và viết văn. Viết cho thiếu nhi luôn là điều tuyệt vời nhất với tôi. Mỗi lần bắt đầu một câu chuyện cho các em, tôi đều dễ chịu, cảm giác như người thợ làm đồ chơi đang ngắm những con búp bê xinh xẻo dần hình thành từ tay mình. Một năm không có câu chuyện nào cho các em, chắc tôi không chịu nổi!”.

Theo Hồ Sơn - SGGP

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng