Tạp chí Sông Hương -
Bệ đỡ của những cây bút trẻ
15:05 | 17/02/2020

Khi dòng sách tản văn, tùy bút, tiểu thuyết ngôn tình thiên về yếu tố thị trường đang có xu hướng chững lại thì thời gian gần đây, một số đơn vị xuất bản trong nước đã bắt đầu mở rộng cửa cho những tác giả trẻ đi theo lối viết chính thống, có nhiều thể nghiệm sáng tạo.

Bệ đỡ của những cây bút trẻ
Cuộc thi Văn học tuổi 20 là bệ đỡ để nhiều tác giả trẻ thành danh

Cơ hội đưa tác phẩm đến với độc giả

Vốn được xem là địa chỉ uy tín của nhiều độc giả yêu thích văn học, nhất là văn học nước ngoài, nhiều năm qua, Nhã Nam vẫn giới thiệu tác phẩm của các tác giả trong nước, nhưng đa phần là những tác giả đã thành danh. Thỉnh thoảng, mới có một số tác phẩm của những tác giả trẻ có sự tìm tòi như Đinh Phương, Huỳnh Trọng Khang, Phan Cuồng, Nguyễn Hải Nhật Huy, Nguyễn Thị Kim Hòa, Vũ Lập Nhật, Hoàng Nhật… Chỉ đến gần đây, đơn vị này mới thành lập tủ sách Nhã Nam Xanh, chuyên xuất bản tác phẩm của các tác giả trẻ. Sau thời gian ra mắt không lâu, tủ sách đã giới thiệu đến độc giả trong nước nhiều gương mặt mới thông qua những tác phẩm đa màu sắc và giọng điệu. Có thể kể đến Em chỉ nói những điều họ muốn (Miao), Người đưa thư tình (Nguyễn Hoàng Vũ), Ký túc xá phòng 307 (Zihua Nguyễn), Muốn làm nữ hoàng, đừng yêu như hầu gái (Blog của May)… 

Ngoài tác phẩm văn học kinh điển, trước đây Đinh Tị chủ yếu khai thác các tác phẩm lãng mạn Trung Quốc hay của tác giả trẻ trong nước với tản văn, tiểu thuyết “đánh trúng” thị hiếu của độc giả trẻ. Tuy nhiên, gần đây đơn vị này đã có sự chuyển hướng rõ khi xuất bản nhiều tác phẩm đề cao sự sáng tạo từ những tác giả mới toanh. Chẳng hạn như Tháng năm sen nở (Cổ Nguyệt Quang), Thiên hạ là nàng (Nhuận Y) hay mới đây là Săn mộ (Hoàng Yến). Những tác phẩm này đa phần đều khai thác yếu tố lịch sử, dã sử với trường liên tưởng phong phú và rộng mở. 

Đại diện của Đinh Tị cho biết: “Chúng tôi đánh giá chung rằng thị hiếu độc giả đã thay đổi, giờ đây các tác phẩm tản văn, tùy bút nếu như không thực sự nổi bật sẽ khó chiếm được cảm tình của bạn đọc và ảnh hưởng đến doanh thu chung của công ty. Vậy nên khi khai thác các tác phẩm mới lạ như Săn mộ, Đinh Tị có niềm tin rằng sẽ thay đổi được đánh giá chung của bạn đọc về mảng văn học Việt Nam hiện đại nói chung và tác phẩm do tác giả trẻ viết nói riêng”. 

Ngoài 2 đơn vị trên, gần đây Phanbook cũng là nơi đỡ đầu cho những tác giả trẻ như Thảo Nguyên (Lên đồi hái sim), Nguyễn Hải Việt (Nối đuôi nhau đến vô cùng)… Trước đó, Phương Nam cũng từng giới thiệu một số tác phẩm của những tác giả trẻ như Tru Sa, Trần Băng Khuê, Nguyễn Hoàng Mai, Hoàng Nhật, Diệu Ái, Nguyễn Duy Quyền, Thái Cường, Trúc Thiên…

Thực tế, các tác phẩm của họ chỉ được in với số lượng khoảng 1.000 - 2.000 bản và rất khó để có doanh thu “khủng” như dòng văn học thị trường. Tuy nhiên, việc các đơn vị bắt đầu mở rộng cửa, trở thành bệ đỡ cho những tác giả trẻ có sự sáng tạo, làm việc nghiêm túc là tín hiệu đáng mừng. Bởi lẽ, việc được hỗ trợ và khích lệ kịp thời sẽ là nguồn động viên quan trọng để tác giả trẻ có cơ hội đưa tác phẩm của mình đến với người đọc, đồng thời cũng là cách tiếp sức giúp họ tiếp tục với đam mê của mình. 

Mong chờ bước đột phá 

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, Biên tập viên - Phó phòng Tu thư của Nhã Nam, hiện nay dòng sách phi hư cấu đang phát triển, các bạn trẻ bây giờ tìm đến sách kỹ năng, self-help, các cuốn sách về lối sống, rồi sách du ký tự truyện người thật việc thật, sách biên khảo ở mức độ thường thức, và mảng văn học không còn ở vị trí độc tôn như nó đã từng. Chưa kể sự phát triển kinh khủng của mạng xã hội khiến nhiều người đọc trẻ bây giờ quen với việc đọc “văn status” - trực tiếp, ngắn gọn, nắm bắt được nhanh, khiến cho niềm hứng thú và sự tập trung đối với những tác phẩm văn chương dài, kể một câu chuyện hư cấu không thiết thực, bị giảm đi.

Dù vậy, bà Thủy vẫn lạc quan cho rằng người đọc chẳng đi đâu cả, họ vẫn ở đấy, vấn đề là có thể tạo ra được những sản phẩm vừa đáp ứng được tiêu chí văn chương, thẩm mỹ của Nhã Nam, vừa hợp với sự biến chuyển của người đọc trẻ hôm nay hay không. Và tủ sách Nhã Nam Xanh ra đời chính là trong nỗ lực đó. Cũng theo bà Diệu Thủy, giá trị cốt lõi của Nhã Nam vẫn là văn học đỉnh cao hoặc chí ít là hướng tới đỉnh cao, đó là lý do nhiều năm qua Nhã Nam in rất nhiều các cuốn sách nhận giải Nobel, Man Booker, Goncourt… và đa số đều bán số lượng khiêm tốn. 

Chính vì vậy, khi đề cập đến vấn đề sức bán từ tác phẩm mà tủ sách Nhã Nam Xanh đang hướng tới, bà Thủy cho biết, song song với dòng sách này, Nhã Nam cũng chú trọng đến dòng sách phi hư cấu hiện đang phát triển năng động ở trong nước, phản ánh nhu cầu đọc ngày càng đa dạng của độc giả, như sách bình luận xã hội, tâm lý, giáo dục, truyền cảm hứng, sách tranh cho người lớn, sách lối sống như chăm sóc sức khỏe, ăn mặc, làm đẹp… “Dòng sách này có thị trường tốt hơn, giúp nuôi dưỡng dòng sách cốt lõi. Đấy là cách dung hòa của Nhã Nam”. 

Còn đại diện của Đinh Tị thì cho rằng, việc trở thành “bà đỡ” cho các tác giả trẻ là quyết định thử thách mình, chấp nhận rủi ro vì mong muốn có bước đột phá trong mảng sách văn học. Không thể cứ mãi trong vòng an toàn xuất bản các tác phẩm kinh điển của thế giới, mà cần phải chuyển mình thay đổi để phù hợp hơn với thị trường bạn đọc Việt Nam.

“Có thể các tác phẩm này chưa thực sự quá xuất sắc, nhưng chúng tôi thấy được tâm huyết của các tác giả trẻ, sẵn sàng thử mình khai thác chủ đề dã sử Việt Nam, một đề tài tương đối nhạy cảm và khó tiếp cận độc giả. Đó là tiền đề để chúng tôi tiếp tục khai thác tiếp tục các bản thảo “dũng cảm” như vậy trong tương lai”, đại diện của Đinh Tị bày tỏ.

Theo Quỳnh Yên - SGGP

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng