Tạp chí Sông Hương -
Khi cải lương “bắt tay” xiếc
08:40 | 25/02/2020

Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát Cải lương Việt Nam đang kết hợp thực hiện dự án sân khấu “Huyền sử Việt”. Dự án được triển khai trong 4 năm (2020 - 2023) do 2 đạo diễn NSND Tống Toàn Thắng và NSND Triệu Trung Kiên thực hiện, kỳ vọng tạo ra sự mới mẻ, thu hút khán giả mọi lứa tuổi đến rạp hát.

Khi cải lương “bắt tay” xiếc
Cảnh trong “Ngàn năm mây trắng” - vở kịch hát đầu tiên kết hợp cải lương và nhiều loại hình âm nhạc - Nguồn: ITN

Cộng hưởng phục vụ khán giả

Từng có nhiều vở diễn kết hợp các loại hình sân khấu truyền thống, như cải lương, chèo, hát xẩm, hát văn Huế trong tác phẩm “Ngàn năm mây trắng” của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Nhà hát Cải lương Việt Nam và Nhà hát Chèo Việt Nam; hay vở cải lương “Nhật thực” kết hợp múa hình thể, kịch mặt nạ, hát bội do Nhà hát thể nghiệm Thế giới trẻ phối hợp với sân khấu Sen Việt thực hiện… Theo các nhà chuyên môn, nghệ thuật nói chung có tính chất mở và động, thay đổi theo thời đại. Đây hẳn là gợi ý để các đạo diễn bắt tay vào những dự án kết hợp nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức phong phú của nhiều bộ phận khán giả.

Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Tống Toàn Thắng cho biết, anh nảy ra ý tưởng dùng nghệ thuật cải lương cùng với xiếc để dàn dựng tác phẩm mới “Huyền sử Việt”, trong đó cải lương với những kỹ thuật có thể phiêu diễn được minh họa với xiếc - đang được sử dụng nhiều trong các hình thức nghệ thuật mang tính giải trí. Đây là cơ hội mà hai đơn vị, đặc biệt là hai đạo diễn, được thể hiện đam mê và sáng tạo.

Còn quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, NSND Triệu Trung Kiên mong muốn tạo ra khác biệt cho khán giả khi thưởng thức một vở diễn có hai loại hình nghệ thuật kết hợp. “Cái lợi là, diễn viên cải lương sẽ tiếp cận được những kỹ năng phụ trợ do xiếc giúp đỡ. Ngược lại, diễn viên xiếc có cơ hội tiếp cận diễn viên cải lương để nâng cao tính sân khấu, cách diễn xuất. Việc bổ trợ nhằm cộng sinh, cộng hưởng cho nhau, tạo ra những điều mà khán giả chưa được thấy, chưa được xem”.

“Huyền sử Việt” phản ánh những huyền thoại về tứ bất tử, bốn vị thánh trong đời sống tín ngưỡng Việt Nam, được xây dựng thành 4 kịch bản: “Chử Ðồng Tử, Tiên Dung”, “Tản Viên Sơn Thánh”, “Phù Ðổng Thiên Vương” và “Công chúa Liễu Hạnh”. Trong năm 2020, dự án tập trung thể hiện hình tượng Chử Ðồng Tử.

Nâng tầm nghệ thuật

Trước khi đưa ra ý tưởng dự án, NSND Tống Toàn Thắng và NSND Triệu Trung Kiên đã nghiên cứu rất nhiều về cả hai loại hình nghệ thuật. NSND Tống Toàn Thắng giải thích, sở dĩ anh lựa chọn cải lương vì đây là loại hình rất mở, giúp những người thực hiện có thể phối hợp, lồng ghép. Xiếc khi đưa vào tác phẩm cũng là cách để các nghệ sĩ cùng nâng cao kịch truyền thống.

“Nếu đưa một sản phẩm cải lương biểu diễn tại Rạp Xiếc Trung ương thì thực sự đó là không gian mới cho các nghệ sĩ. Nó cũng gợi tò mò cho khán giả bởi sự lạ và khác. Trước đây, từng có tác phẩm xiếc lồng ghép, mang tính chất kịch, thoại, song chưa hẳn thành một vở diễn có nội dung về ca, ở đây là ca cải lương. Để tạo sự hấp dẫn, mới lạ, được minh họa bằng các trò diễn xiếc, chúng tôi cũng lựa chọn sao cho xiếc phô trương những gì tầm cỡ, kỹ năng, kỹ xảo cao nhất. Ví dụ, có thể sử dụng những màn đu trên cao, các màn biến hóa để minh họa những cảnh mang tính thần thoại; hoặc bằng ảo thuật và các màn xiếc thú tạo ra không gian thiên nhiên... Đối với cải lương, tôi cần các làn điệu truyền thống, nghệ thuật biểu diễn, dàn nhạc và bài bản để thể hiện tài năng của các nghệ sĩ”, NSND Tống Toàn Thắng cho hay.

Hai đạo diễn cũng đồng thuận, nếu như cải lương chọn ra các lớp ca đỉnh cao, kỹ năng, kỹ thuật cao thì nghệ sĩ có khả năng bộc lộ tài năng của mình. Các nghệ sĩ xiếc cũng vậy, họ có đất để dụng hành kỹ thuật cao nhất. Với NSND Tống Toàn Thắng, việc lồng ghép được nghiên cứu để vở diễn có lớp lang, không mất đi đặc thù nghề diễn, nghệ sĩ có sân sáng tạo. “Tổng thể vở diễn không có phần nào xiếc là xiếc, cải lương là cải lương, mà phải hòa với nhau. Ví dụ, thể hiện màn bay lượn cần đại cảnh, hoặc thay đổi không gian sân khấu để tạo bất ngờ cho khán giả. Chúng tôi áp dụng các công nghệ mới nhất để thay đổi cách thưởng thức của khán giả; bổ sung âm thanh, ánh sáng sao cho bắt kịp sở thích khán giả”.

NSND Triệu Trung Kiên tin tưởng, dù xiếc và cải lương mỗi loại hình mang đặc thù riêng, nhưng khi đứng chung sân khấu, nếu được xử lý khéo léo sẽ giúp tôn vẻ đẹp của nhau và tạo ra sự hứng khởi với khán giả. Khi mọi người nghe nội dung thông qua lời hát, lời thoại của các nghệ sĩ và nội dung đó được minh họa bằng cảnh như lạc vào xứ sở thần tiên thì thực sự nó nâng tầm cả nghệ thuật cải lương và xiếc.

Theo Hương Sen - ĐBND
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng