Tạp chí Sông Hương -
"Đẹp là một nỗi đau": Cái đẹp không còn cứu rỗi
08:52 | 25/02/2020

Cuốn tiểu thuyết đầu tay của Eka Kurniawan dài 450 trang, tốc hành qua gần trăm năm lịch sử Indonesia hiện đại, nhưng nếu phải gói gọn nó trong một câu, thì chỉ cần lấy ngay tựa đề của nó: "Đẹp là một nỗi đau".

"Đẹp là một nỗi đau": Cái đẹp không còn cứu rỗi
Nhà văn Eka Kurniawan. Nguồn: The Jakartapost.

Trong bức thư tuyệt mệnh của mình, nhà văn người Nhật Ryonosuke Akutagawa đã viết: “Tôi, một kẻ trong suốt như băng, sống trong thế giới của những sợi dây thần kinh bị đốt nóng. Tôi bị ám ảnh bởi ý nghĩ về tự sát. Song chưa bao giờ trước đây tôi cảm thấy thiên nhiên đẹp tuyệt vời đến như vậy! Có thể các bạn cảm thấy buồn cười: một người say mê vẻ đẹp của thiên nhiên lại nghĩ về việc tự sát. Nhưng thiên nhiên đẹp chính là vì nó được phản ánh trong cái nhìn cuối cùng của tôi". Điều này hẳn không có gì mới, rằng Đẹp và Buồn, hai phạm trù đã luôn song hành trong cảm thức văn chương ở bất cứ đâu, chúng ánh xạ lên nhau, soi tỏ nhau, tan vào nhau, bất khả sàng lọc. Nhưng trong một thế giới nơi nồng độ của hận thù và sắc dục trở nên đặc quánh, Đẹp không chỉ Buồn, Đẹp còn là một Nỗi đau.

Đẹp là một nỗi đau bắt đầu bằng khúc dạo xứng đáng được xếp trong những câu văn mở đầu ám ảnh và bí ẩn nhất của văn chương đương đại:  “Một buổi chiều cuối tuần tháng Ba, Dewi Ayu bước ra khỏi ngôi mộ của bà sau khi đã chết hai mươi mốt năm.” Từng là cô gái điếm đẹp huyền thoại của Halimunda, Dewi Ayu trở về căn nhà nơi bà đã sống và chết, bàng hoàng nhận ra đứa con gái thứ tư thoát thai từ tử cung của bà có một gương mặt gớm ghiếc dị hợm. Tôi trộm nghĩ giả như Gabriel García Márquez một ngày nào đó có đội mồ sống dậy, văn hào của đất nước Colombia có lẽ cũng sẽ bàng hoàng nhận ra truyền nhân văn chương của mình sống cách xa quê hương ông những nửa vòng Trái đất.

Cũng như Márquez đã trần thuật về thời kỳ thuộc địa và giành độc lập của Colombia từ điểm nhìn đầy hoang đường và truyền kỳ về dòng họ nghiệp chướng Buendía trong Trăm năm cô đơn, Eka Kurniawan phơi bày tấn kịch của đất nước Indonesia bằng cách buộc mọi dòng chảy lịch sử đổ dồn tại giao điểm thứ nhất, thành phố duyên hải tưởng tượng Halimunda với thủy tổ là cuộc hôn phối của nàng công chúa xinh đẹp nhất cùng một con chó đực, và giao điểm thứ hai, nòi giống của cô điếm Dewi Ayu - một nòi giống nảy sinh từ tội lỗi.

Và cũng như Marquez, Kurniawan thổi phồng căng lịch sử bằng một chiếc máy bơm, cùng một lúc phóng đại những sự thật - biến hiện thực thành huyền ảo, cùng một lúc tẩy trần sự thật. Những lãnh tụ, những thủ lĩnh, những kẻ nổi loạn, những cuộc cách mạng, cánh tả và cánh hữu, cuộc đối đầu giữa chính phủ và phe nổi dậy, những cuộc diệt chủng tàn bạo vô đạo, toàn bộ các sự kiện lịch sử bị Kurniawan tẩy bỏ tính “thiêng”. Trong Đẹp là một nỗi đau, lịch sử không xảy ra bởi những khác biệt về ý thức hệ và những chủ nghĩa chỉ là những vỏ ốc tạm bợ mà các nhân vật vô tình tìm được, lịch sử tan nát chỉ bởi một điều: những giành giật tình yêu.

Ngay từ đề tựa, Kurniawan đã lấy một trích dẫn từ đoạn đầu của Don Quixote: “Sau khi lau chùi vũ khí, sửa chữa mũ mãng, đặt cho ngựa và cho mình một cái biệt hiệu khá oai, chàng thấy còn một việc nữa là phải tìm cho mình một tình nương, vì một trang hiệp sĩ giang hồ không có người yêu ví như cây không lá không quả, như xác không hồn”. Và trong Đẹp là một nỗi đau, ổ điếm của tú bà Kalong và những cái âm đạo - của Dewi Ayu, của bà ngoại bà, của những đứa con gái và cháu gái bà - đó là nơi tât cả những mâu thuẫn chính trị của những người đàn ông khởi nguồn. Thế giới bề ngoài được quyết định bởi những người đàn ông, nhưng những người đàn ông lại bị vận hành bởi đam mê bất tận với sắc đẹp của đàn bà.

Dewi Ayu có ba người con rể: Shodancho - đại diện cho quân đội chính phủ, Kliwon - một đảng viên Cộng sản ưu tú, Maman Gendeng - đại diện cho lũ côn đồ phiến loạn. Maman Gendeng đối đầu với Shodancho vì cả hai từng muốn chiếm đoạt Dewi Ayu làm người tình riêng. Shodancho truy lùng Kliwon vì sự đố kỵ khi vợ y còn thầm yêu Kliwon tha thiết, Kliwon tìm đến lí tưởng vô sản khi muốn tìm một lối thoát cho con tim đã bị hủy hoại vì tình. Những chế độ đăng quang rồi thoái trào, những anh hùng được tụng ca rồi thành tội nhân bị xử bắn, những cậu trai giết người nhờ nhục dục rồi giác ngộ nhờ nhục dục, lương tri có giá trị hôm nay rồi cũng thành gánh nặng ngày mai, chỉ có nhà thổ của má mì Kalong với những cô điếm lộng lẫy mà kiên cường, ngạo mạn mà khôn ngoan còn lại, vĩnh viễn rạng ngời, vĩnh viễn xa hoa, vĩnh viễn tươi đẹp, là giấc mơ vĩnh hằng của cuộc sống.




Ấn bản tiếng Việt “Đẹp là một nỗi đau” của Nhã Nam. Nguồn: nhanam.vn

Các nhân vật của Eka Kurniawan chết đi - sống lại - lại chết đi, một số sống trong trạng thái vô hình như những bóng ma, một số đích thực là những bóng ma nhưng lại hiện hữu, một số bay lên và một số không siêu thoát, họ chờn vờn trong một thế giới còn điên rồ hơn cả họ, một thế giới loạn luân, hư hỏng và đồi bại như Sodom và Gomorrah trong Sách Sáng thế, chỉ khác là không có một cơn cuồng nộ nào của Chúa giáng xuống xóa sổ thế giới ấy và kết thúc chuỗi sa đọa. Sa đọa này tiếp nối sa đọa kia và dưới vực thẳm tiếp tục là vực thẳm. Thế giới thối nát và bất lương đã bị Chúa bỏ quên. Cái đẹp trở thành một nghịch lý bế tắc. Cái đẹp nguyền rủa và bị nguyền rủa.

Nhưng văn chương của Eka Kurniawan không chỉ đầy tính sử thi, lộng ngôn như Gabriel García Márquez, ông còn hài hước như Nikolai Gogol, hoành tráng như Hermann Melville, giàu trí tưởng tượng như Salman Rushdie, khéo léo kể những chuyện hấp dẫn một cách vô nghĩa (hay một từ khác gần với “vô nghĩa”: “hư vô”) như Haruki Murakami. Ông có những phẩm chất được yêu thích nhất của những nhà văn được yêu thích nhất, nên không ngạc nhiên khi cuốn tiểu thuyết đầu tay đầy tham vọng của ông, viết khi chưa đầy 30 tuổi, hay và hay từ những dòng đầu tiên tới những dòng cuối cùng.

Năm 2016, Eka Kurniawan trở thành nhà văn Indonesia đầu tiên, nhà văn Đông Nam Á đầu tiên được đề cử giải thưởng Man Booker International, và thất bại trước Han Kang - nữ văn sĩ đã viết nên hiện tượng Người ăn chay - Kurniawan đã đường đường chính chính đưa văn học “vùng trũng” vào tầm ngắm của giới phê bình phương Tây.

Indonesia - quốc gia có dân số đông thứ tư thế giới. Nói rộng hơn, khu vực Đông Nam Á có tới 655 triệu dân, chiếm 8,5% dân số thế giới. Một khu vực đông dân tới vậy, thế nhưng vẫn luôn là tiếng nói thiểu số trên bản đồ văn chương hay nghệ thuật. Tôi nhớ lần đầu tiên mình ý thức về một tiếng nói nghệ thuật của đất nước vạn đảo là khi xem The Act of Killing (Nghệ thuật sát nhân), một trong những bộ phim tài liệu gây tiếng vang của nhà làm phim người Anh Joshua Oppenheimer và một người bản địa giấu tên lần tìm về vụ quân đội đàn áp hàng triệu thanh niên Cộng sản tại Indonesia những năm 1965-1966. Và dù đã xem nhiều năm, thật khó để có thể quên phân cảnh khi những nhân chứng vụ diệt chủng đứng trước máy quay và điềm nhiên diễn lại cách họ đã tàn sát đẫm máu những người đồng loại mà không hối hận, bởi lịch sử - cái đã xảy ra - thì không biết hối hận.

Còn nhớ khi The Art of Killing ra mắt, bất chấp những ngợi ca về những phát hiện chấn động của nó về nhân tính, đã có nhiều người phản đối bộ phim, cho rằng bộ phim đó chẳng dạy dỗ được ta điều gì và chỉ “chiều chuộng những tên đồ tể vô nhân đạo”. Nhưng nếu nhìn một cái nhìn dọc suốt từ The Act of Killing đến Đẹp là một nỗi đau, ta biết rằng người ta chỉ không thể chịu đựng nổi một thế giới vô đạo khi người ta chưa từng sống trong một thế giới vô đạo, và từ chối nhìn thẳng vào sự vô đạo của thế giới cũng không có ích gì, vì thế giới vẫn vô đạo, và cái đẹp không đủ khả năng cứu rỗi được ai vì đẹp cũng chỉ là một nỗi đau.


Theo Hiền Trang - Tia Sáng

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng