Tạp chí Sông Hương -
Nhớ Điềm Phùng Thị
09:47 | 02/03/2020

Ở Huế, văn nghệ sĩ thường gọi bà là bà Điềm, thân ái và gần gũi, bởi người nghệ sĩ ấy đã có những năm tháng cuối đời gắn bó với Huế, với văn nghệ sĩ Huế. Và, ngôi nhà 1 Phan Bội Châu ở phường Vĩnh Ninh đã trở thành một địa chỉ quen thuộc, không chỉ của văn nghệ sĩ Huế, người dân Huế yêu nghệ thuật mà còn là điểm đến của du khách… Bà là Điềm Phùng Thị.

Nhớ Điềm Phùng Thị
Tham quan các tác phẩm tại Nhà trưng bày Điềm Phùng Thị. Ảnh: Nhật Long

Trở về

Văn nghệ sĩ và người yêu nghệ thuật tạo hình ở Huế đến nay, khi đi qua khu nhà số 1 Phan Bội Châu vẫn nhớ một “mệ” già nhỏ nhắn, thường mặc y phục màu trắng, vừa giản dị vừa toát nên nét thanh thoát sang trọng, quý phái.

Bà Điềm tên thật là Phùng Thị Cúc (1920-2002) quê ở xã Thủy Bằng, ven đô Huế, đến với nghệ thuật điêu khắc khi đã vào tuổi 40. Khó có thể lý giải tại sao một người phụ nữ đang hành nghề y với danh vị nghề nghiệp cao quý (tiến sĩ nha khoa) lại dấn thân vào điêu khắc, môn nghệ thuật khá “thuần nam”. Trước khi học nghề trong xưởng của nhà điêu khắc Volti, bà chưa qua một trường mỹ thuật nào. Càng khó lý giải về ngôn ngữ điêu khắc và những tác phẩm điêu khắc của bà sau này. Với điêu khắc của Điềm Phùng Thị, chỉ có thể nói, để cảm nhiều hơn để hiểu.

Ngôn ngữ điêu khắc mang tên Điềm Phùng Thị, 7 modules mà bà sáng tạo ra được nhiều người gọi theo nhiều cách khác nhau như 7 mẫu tự, 7 nốt nhạc, 7 sắc cầu vồng hay là số 7 của các tôn giáo… dù được gọi bằng tên gọi gì thì 7 ký hiệu kỳ diệu này đã làm lên những tác phẩm nghệ thuật mà bao nhiêu con chữ cũng không dễ lột tả hết.

Từ cuộc triển lãm đầu tiên đầy ấn tượng ở Paris (1966), các cuộc triển lãm quy mô của bà lần lượt được tổ chức khắp nước Pháp, Đức, Ý, Đan Mạch, Thụy Sĩ,… Riêng ở Pháp đã có 38 tượng đài do bà sáng tác dựng khắp nơi. Mang tầm quốc tế, bà được vinh danh là tài năng lớn của nghệ thuật thế kỷ XX trong từ điển Larousse (1991). Năm 1992 bà được bầu làm Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học, Văn học và Nghệ thuật châu Âu. Nhiều người ví bà như là “chiếc cầu nối Đông Tây trong một cuộc hội thoại siêu ngôn ngữ”. Bà còn là một trong những nghệ sĩ Việt Nam ở hải ngoại đầu tiên sau năm 1975 trở về theo tiếng gọi của Tổ quốc để góp phần xây dựng đất nước. Theo nhà văn Tô Nhuận Vỹ, sự trở về của bà, cũng như của các nghệ sĩ như Lê Bá Đảng…, “có sức mạnh gấp 10 lần việc tuyên truyền bằng lời nói”. Trước đó, năm 1981, ông Amadou Mah M’Bow, Tổng Giám đốc UNESCO, đã ra lời kêu gọi bảo tồn và tôn tạo Huế. Chính bà là người đã thiết kế huy hiệu UNESCO để vận động cho thành phố Huế trở thành di sản Thế giới.

Ngày 25/2/1994, sự kiện khánh thành Nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị tại số 1 đường Phan Bội Châu, TP. Huế đánh dấu một bước chuyển trong hành trình sống của người phụ nữ bé nhỏ nhưng vô cùng mạnh mẽ. Ngôi nhà cổ kính có kiến trúc Pháp này là nơi bà cùng chồng là bác sĩ Nguyễn Phúc Bửu Điềm sống tới cuối đời.

Sau khi qua đời, mộ của bà và chồng được đặt giữa rừng thông trên núi Châu Chữ (xã Thủy Bằng, TP. Huế). Trước mộ có bức tượng bằng đá đỏ viết bằng 7 modules của bà, mang dáng dấp của “Tục ăn trầu” – luận án tiến sĩ nha khoa mà hai vợ chồng bà đã cùng nhau bảo vệ tại Pháp.

Khách chụp ảnh lưu niệm với tác phẩm La Terre (Trái Đất) tại nhà mới 17 Lê Lợi. Ảnh: HG


Những ấp ủ chưa thành

Cô Phan Hương, người cháu gái của bà kể: “Mệ có thể ngồi cả ngày trước những mẫu tự, như trẻ chơi đồ hàng, sắp những ký tự thành những khuôn hình, rồi tháo ra, rồi lắp vào, ngắm nghía, đặt tên cho chúng…”. Qua cô Hương chúng tôi biết, khi về Huế, bà ấp ủ một mong muốn lớn, đó là tìm “truyền nhân”, với mong muốn nghệ thuật của mình được bảo tồn. Bà đã có nhiều dự định, trong đó có việc mở lớp đào tạo lớp trẻ. Thời gian này,  bà từng tổ chức lớp dạy miễn phí cho nhóm trẻ mồ côi và trẻ khuyết tật vẽ tranh, tạc tượng theo lối phối hợp các modules… Nhưng, không rõ lý do, những lớp học này đã không mang lại hiệu quả như mong muốn và giải tán lúc nào không ai nhớ. Cô Phan Hương còn cho biết, bà từng có dự định cho một vài người cháu sang Pháp học với mục tiêu “giữ lửa”, tiếc rằng, cả dự định này cũng không thành. Những modules - con chữ nên có thể học, đó là lợi thế để tìm người kế cận, tiếc là đến nay những “con chữ” này vẫn nằm chờ người viết.

Trước khi qua đời vài tháng, vào năm 2001, bà Điềm đã quyết định tặng cho TP. Huế toàn bộ các tác phẩm còn lại của mình ở TP. Hồ Chí Minh (trên 130 tác phẩm) và ở Pháp (trên 50 tác phẩm) mà không bán bất cứ tác phẩm nào. Bên cạnh đó, lúc này, nhà trưng bày Điềm Phùng Thị tại số 1 Phan Bội Châu, nơi lưu giữ các tác phẩm của bà, cũng như in dấu những năm tháng cuối đời của người nghệ sĩ, nơi còn lại những thùng ký tự nghệ thuật, thứ “đồ hàng” của bà, hàng năm đã đón hàng ngàn lượt khách. Họ đến chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật và không gian đã lưu giữ bóng dáng của người phụ nữ tài hoa.

Nhà mới

Năm 2018, các tác phẩm của Điềm Phùng Thị được “di cư” sang nhà mới tại 17 Lê Lợi và chính thức mở cửa đón khách tham quan tại địa điểm mới, vị trí mới có những ưu điểm khi nằm trên trục đường du lịch, các tác phẩm được bảo quản, chăm sóc tốt hơn...

Ngôi nhà số 1 Phan Bội Châu cũng “đổi chủ”.  Được biết, ngôi nhà với kiến trúc Pháp này từ năm 1992 đến năm 2008 được sửa lại hai lần với kinh phí đến từ UBND TP. Huế và năm 2013 được sửa lại do Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch làm chủ đầu tư với kinh phí lên đến 2 tỷ đồng. Sau khi các tác phẩm được dời về nhà mới, ngôi nhà được sử dụng làm văn phòng của Trung tâm Festival Huế.

Ngôi “nhà mới” của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị tại 17 Lê Lợi cũng là một trong những biệt thự kiến trúc Pháp nằm trong “quần thể” nhà Pháp vô cùng đẹp đẽ bên bờ dòng sông Hương thơ mộng của Huế. Điều này cho thấy chính quyền thành phố hết sức trân trọng “bà Điềm”.

Theo Hương Giang - TTH Online

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng