Chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nhà hát Tuồng Việt Nam phục dựng và ra mắt vở tuồng hiện đại “Tình mẹ” thể hiện tinh thần bất khuất của người mẹ Việt Nam, của người chiến sĩ cộng sản, sống mãi cùng trang sử vẻ vang của đất nước, sẵn sàng hy sinh cho Đảng, cho độc lập, tự do của dân tộc.
Những người cộng sản kiên trung
Trong tăm tối được nhìn ra ánh sáng/ Giữa đêm đen thấy trước ánh bình minh/ Và nhóm lên ngọn lửa của lòng tin/ Cho những người đi tìm lý tưởng… Những câu hát gợi lại tinh thần sục sôi của cha ông ta 90 năm về trước, về cuộc chiến đấu bền bỉ của dân tộc, đã truyền xúc cảm và niềm tin tới toàn thể khán phòng Nhà hát Tuồng Việt Nam trong buổi công diễn vở “Tình mẹ”, tối 3.3. Vở diễn đưa khán giả sống lại thời điểm những năm 1930 - 1931, khi ấy cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh lôi cuốn hàng vạn công nhân, nông dân đứng lên đấu tranh đòi quyền làm chủ, xây dựng đời sống mới. Để làm cách mạng, biết bao người đã hy sinh cả tình riêng của mình. Đó là anh Lê, chị Lý - đại diện cho lớp lớp người hy sinh tình yêu cho lý tưởng; Mẹ Lê cống hiến trọn đời mình và hy sinh cả con trai cho cách mạng. Bọn đế quốc, phong kiến đã dùng mọi thủ đoạn dã man đàn áp phong trào cách mạng khiến cuộc đấu tranh bị dìm trong biển máu, nhưng tinh thần bất khuất của người mẹ Việt Nam, của các chiến sĩ cộng sản sống mãi với trang sử vẻ vang của đất nước.
Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Tạ Văn Sốp cho biết: Trong bối cảnh hiện nay, vở diễn được phục dựng có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, nhắc nhớ về sự hy sinh của người cộng sản ngay từ những ngày đầu chuẩn bị thành lập Đảng. Đó còn là sự hy sinh của những bà mẹ cho độc lập dân tộc lúc bấy giờ. Tác phẩm có ý nghĩa giáo dục các truyền thống tốt đẹp, thiết thực chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. “Tình mẹ” còn giới thiệu tấm gương của Mẹ Việt Nam anh hùng, sẵn sàng hy sinh những điều thiêng liêng, quý giá nhất của mình cho Đảng, cho độc lập dân tộc.
Trao cơ hội cho diễn viên trẻ
Trong nỗ lực kéo khán giả đến sân khấu tuồng, những năm gần đây Nhà hát Tuồng Việt Nam đã liên tiếp giới thiệu tác phẩm, vở diễn phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa - xã hội đất nước trong trường học, sân khấu học đường, cho cơ quan, đơn vị, với mong muốn có thêm nhiều người trẻ hiểu tuồng, yêu tuồng và nghệ thuật truyền thống dân tộc. Theo ông Tạ Văn Sốp, đây là cách quảng bá, cũng là cách tốt nhất để bảo tồn nghệ thuật. Đó cũng là lý do vở diễn “Tình mẹ” tin tưởng giao các vai diễn chính cho lớp nghệ sĩ trẻ, tuổi đời từ 19 - 21, từ mẹ Lê đến anh Lê, cô Lý, rồi vai chánh mật thám, huyện Thành, Tổng Diện, ông Bền, cụ Cố, em Độ… “Hóa thân thành những nhân vật đã được nhiều thế hệ nghệ sĩ biểu diễn, lại về đề tài cách mạng, chào mừng các sự kiện lớn của đất nước, tôi thấy họ như có thêm niềm tin và ý thức trách nhiệm trong quá trình thực hiện vai diễn của mình. Đó cũng là mục tiêu và mong muốn của nhà hát”, ông Tạ Văn Sốp nói.
Cảm nhận của khán giả Trần Trọng Trừ (Tây Hồ, Hà Nội) cho thấy, cách làm này gây được cảm xúc cho khán giả. Ông Trừ đến rạp từ rất sớm, cũng bởi biết được thông tin có nhiều diễn viên trẻ lần đầu đảm nhận vai chính. Ông đã xem nhiều tác phẩm sân khấu tuồng phía Bắc, rồi những chuyến công tác miền Nam, được xem tuồng Bình Định, tuồng Trần Hữu Trang từ sau giải phóng. “Các nghệ sĩ hôm nay tuy nhỏ tuổi nhưng không kém thế hệ trước, họ đã có độ đằm, diễn xuất mạch lạc, rõ ràng, từ vũ đạo tuồng đến nói lối, nói xốc đã mượt. Cứ đà này, các cháu còn phát triển hơn trong nghề”, ông Trừ nhận xét.
Biên tập và phục dựng “Tình mẹ”, NSND Hoàng Khiềm cho biết, vở tuồng đã được dựng năm 1971 với ê kíp bấy giờ là tác giả Thùy Linh - Hoàng Đức Anh, tác giả của các vở tuồng hiện đại từng gây tiếng vang như “Thanh gươm cô đô đốc”, “Suối Đất Hoa”… “Lúc đó tôi 21 tuổi, mới ra nghề, chỉ được phân vai phụ - vai chánh mật thám, trước đó do thầy Quang Tốn từng đảm nhiệm. Tôi kể câu chuyện này bởi muốn nói đến sự vất vả của nghệ thuật tuồng truyền thống. Để thành đạt, các nghệ sĩ trẻ phải trải qua một quá trình lên sân khấu, biểu diễn thật nhiều nhằm tạo cho mình bản lĩnh vững vàng. Trong vở diễn lần này, chúng tôi tạo điều kiện để các em nắm vững vốn quý của dân tộc, cũng như kinh nghiệm thực tế của đời sống xã hội để thổi hồn vào mỗi vai diễn”.
Cũng theo NSND Hoàng Khiềm, đây là lần phục dựng đầu tiên với lớp nghệ sĩ hoàn toàn mới, sẽ khó tránh khỏi những hạn chế. “Nhân vật chính là lớp nghệ sĩ mới ra trường, kinh nghiệm sân khấu chưa có, thời gian lên sân khấu cũng chưa nhiều. Nếu nói thực sự hài lòng thì chưa hẳn, nhưng chúng tôi có thể tin tưởng, bởi đã nhìn thấy ở các em những tố chất tiềm ẩn, nếu động viên các em tập trung vào nghề, kích thích tình yêu nghề, thì sẽ thành công”.