Tạp chí Sông Hương -
Nơi lưu giữ tinh hoa của tiền nhân
15:47 | 10/03/2020

“Có hai ông sui gia nhậu với nhau, trên bàn có một dĩa lòng vịt xào với hành nho nhỏ. Ông sui gia tính ham ăn, liền thò đũa lòn nguyên dĩa gắp lên rồi giũ giũ vờ như muốn cho nó rớt xuống. Nhìn thấy vậy, ông sui kia nóng ruột nói: Anh lấy giò đạp xuống thử coi nó xuống không?”.

Nơi lưu giữ tinh hoa của tiền nhân

Phần trích trên là nguyên văn Chuyện sui gia nằm trong tiểu mục Truyện cười của Truyện kể dân gian (gồm 76 trang) do TS Phan Xuân Viện biên soạn. Đây là một trong hàng trăm câu chuyện mà thầy trò khoa Văn học, Trường Đại học KHXH-NV TPHCM sưu tầm, thu nhận, sàng lọc và tuyển chọn lại trong 2 đợt thực tập thực tế tại Tiền Giang (năm 2011 và 2012).

Trong 2 đợt điền dã ấy, với sự hướng dẫn trực tiếp của 11 thầy - cô, gần 300 sinh viên của khoa đã có 1.851 cuộc tiếp xúc với cộng tác viên (nhân dân địa phương), sau thời gian dài làm công việc lọc bỏ, tinh chọn, phân loại và chỉnh lý, nhóm biên soạn gồm TS La Mai Thi Gia, TS Phan Xuân Viện và Th.S Lê Thị Thanh Vy đã giữ lại và đưa vào tập sách được 1.021 câu đố, 903 câu tục ngữ, 108 truyện kể, 1.251 câu ca dao và 49 bài vè.

Như một điều tất yếu, sự lưu truyền của dòng văn học truyền miệng có sức lan tỏa rộng, nên những gì mà tập thể tác giả và các cộng sự thu nhận được trong 2 tập sách trên, có thể nói, ngoài những gì thật sự xuất phát từ đất Tiền Giang (do cư dân ở đây sáng tác) còn có một phần, theo tôi là “di sản” của cả dân tộc được lưu truyền theo đoàn người di cư từ Bắc và Trung vào Nam trong các thời kỳ lịch sử.

Trong phần câu đố, rất thú vị khi phần lớn đều được dân gian sáng tác dưới hình thức lục bát, tứ tuyệt hoặc các hình thức văn vần đa dạng khác. Như tục ngữ là một phần không thể thiếu trong kho tàng văn học dân gian, từ chính cuộc sống đã đúc kết nên những câu nói hoặc trực tiếp, hoặc ẩn dụ; có lúc đơn giản, có khi mang tính triết lý cao tạo nên những bài học về luân lý ở mọi tầng bậc cuộc sống.

Hay ca dao dân ca có nhiều nét khu biệt vùng miền, với khá nhiều nội dung thể hiện rõ tính địa phương. Thể loại vè, phần nào nêu được đặc trưng của vùng sông nước miền Tây qua thế giới thiên nhiên, động thực vật và những sinh hoạt thường ngày của người dân Nam bộ. Thú vị nhất là những bài vè liệt kê tên gọi và đặc điểm của các loài chim, loài hoa, loại bánh trái hay các loại tôm cá vùng sông nước, như: “Tròn như mặt trăng/ Đó là bánh xèo/ Có cưới có cheo/ Đó là bánh hỏi/ Đi không đặng giỏi/ Ấy là bánh bò…”.

Văn học dân gian Tiền Giang là một tập sách quý, cần lưu giữ để tham khảo, không chỉ cho những nhà chuyên môn nghiên cứu về văn học mà còn là một tài liệu bổ ích cho các ngành liên quan (dân tộc học, lịch sử, địa lý, văn hóa…), đồng thời cũng cần ghi nhận, đây là một nguồn tài liệu, là nơi lưu giữ tinh hoa của tiền nhân qua bao thế hệ.

Theo Bùi Nguyễn Trường Kiên - SGGP

 

Các bài mới
Các bài đã đăng