Nhà văn Linda Lê được xem như một trong những hiện tượng sáng chói của văn chương người Việt ở nước ngoài viết bằng tiếng Pháp. Nhiều tác phẩm của bà đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam, gần nhất là “Vượt sóng” (Phạm Duy Thiện dịch, Công ty Tao Đàn & NXB Hội Nhà văn, 2018), cuốn tiểu thuyết mà tác giả đã chất chứa rất nhiều những trầm tư sống động của một nhà văn về công việc/hành vi viết, mục đích và ý nghĩa của nó.
“Vượt sóng” là câu chuyện của một người kể chuyện xưng Tôi, một nhà báo trẻ chuyên mảng văn hóa nghệ thuật, kể về quá trình anh truy tìm những dấu vết để phục dựng diện mạo tinh thần đầy đủ và chân xác của nhà văn Antoine Sorel. Công cuộc truy tìm có lẽ đã không diễn ra nếu trước đó, cùng ngày, Tôi không đọc một tiểu thuyết của Antoine Sorel và bị choáng ngợp bởi một “sáng tạo gia khác thường”. Niềm vui phát hiện ấy dẫn đến nhu cầu tìm biết tất cả về Antoine Sorel, dẫn đến khao khát viết một cuốn sách về nhà văn vắn số đặng phục sinh một con phượng hoàng từ chính đống tro tàn của nó. Qua những gì Tôi nghe kể, Antoine Sorel thuộc kiểu nhà văn được Thượng đế lựa chọn. Anh viết, không hề quan tâm đến tiền bạc, địa vị, danh tiếng, sự tung hô của người đời, những đòi hỏi của “hiện thực xã hội”... Anh viết chỉ để cho mình, viết để lấp đầy nỗi cô đơn bản thể, viết như một hành vi cắt nghĩa cho việc anh tồn tại.
Trong lần trả lời phỏng vấn Alexandra Kurmann, năm 2010, Linda Lê chia sẻ: “Những gì còn lại từ phương Đông trong tôi, đó là sự gắn bó với những người quá cố, cảm nhận rằng những người quá cố vẫn tiếp tục sống trong ta... Tôi mong muốn tưởng niệm họ, bằng cách này hay cách khác”. Cái “căn tính phương Đông” này đã dẫn nhân vật Tôi đến tiểu sử của Antoine Sorel.
Những câu chuyện về Antoine Sorel mà nhân vật Tôi thu thập được, hầu như đều diễn ra trong bối cảnh không gian của Le Havre, thành phố cảng nhỏ bé nằm ở phía tây bắc nước Pháp, nơi Linda Lê cùng mẹ và các chị em gái đã sống suốt bốn năm khi bà từ Việt Nam sang Pháp. Có lẽ, nhà văn đã viết tác phẩm này như một hình thức để tưởng nhớ nơi mình đặt chân lên đất Pháp lần đầu tiên. Theo ý nghĩa đó, có thể xem “Vượt sóng” như một chốc lát ngoái nhìn điểm khởi đầu của một hành trình văn nghiệp mang tên Linda Lê.
Theo Hoài Nam - Thời Nay/ND