Sau gần 5 năm, nghệ thuật nói lý, hát lý của đồng bào Cơ Tu ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam được Bộ VH -TT-DL công nhận là di sản phi vật thể quốc gia (năm 2015).
Tỉnh Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc huy động đội ngũ trí thức, già làng, trưởng bản, các nghệ nhân dân gian người Cơ Tu trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống độc đáo này gắn với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội vùng miền núi.
Người Cơ Tu chủ yếu sống tập trung ở huyện Tây Giang, Đông Giang và 6 xã ở huyện Nam Giang của người xứ Quảng. Tập quán nói lý, hát lý trong cộng đồng người Cơ Tu đã có từ lâu đời. Người Cơ Tu thường nói lý, hát lý với nhau như một cách chuyện trò thú vị để chuyển tải tâm tình, cách ứng xử với nhau trong đời sống, trong các buổi sinh hoạt cộng đồng ở nhà Gươl.
Cũng giống như nhiều nghệ thuật truyền thống khác, nói lý, hát lý ngày nay đang đứng trước nguy cơ mai một trong đời sống hiện đại. Lớp trẻ lớn lên học tiếng Việt nhiều hơn tiếng mẹ đẻ, chưa kể đây là môn nghệ thuật không phải người Cơ Tu nào cũng có thể hát được, nói được. Do đó, việc bảo tồn nói lý, hát lý của dân tộc Cơ Tu là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Theo bà ATing Tươi, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, hát lý, nói lý là phong tục tập quán chung của người Cơ Tu thường diễn ra trong đám hỏi con, đám cưới hoặc các lễ hội văn hóa, đó là một nghệ thuật rất hay. Một kiểu nghệ thuật không có bài viết sẵn, nó như một câu nói đối đáp giữa hai người, nhưng qua những câu từ ẩn dụ so sánh không phải là nói thẳng. Nhiều bài nói lý, hát lý hay được truyền khẩu từ đời này sang đời khác và biến tấu cho phù hợp với hoàn cảnh nói lý, hát lý.
Chị ALăng Thị Tươi thôn Tàlâu, xã Ba chia sẻ, chị tham gia lớp học, không những hiểu hơn về những giá trị văn hóa truyền thống Cơ Tu mà còn biết cách sử dụng nghệ thuật nói lý, hát lý vào những dịp phù hợp. Nếu không đi học hoặc không nghe các già làng giảng dạy chỉ bảo thì không thể nào biết được.
Thời gian tới, Huyện Đông Giang sẽ tổ chức thêm các lớp học cho đồng bào Cơ Tu sinh sống trên địa bàn để ai cũng có thể hiểu và vận dụng loại hình nghệ thuật này vào trong cuộc sống sinh hoạt.
Theo Ngọc Phúc - SGGP