Tạp chí Sông Hương -
Vĩnh biệt Họa sĩ Trương Bé: bậc thầy của nghệ thuật hội họa trừu tượng trên chất liệu sơn mài
19:10 | 09/04/2020

Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Tạp chí Sông Hương và Gia đình vô cùng thương tiếc báo tin: Họa sĩ Trương Bé đã từ trần tại nhà riêng vào 12h05 trưa ngày 09 tháng 04  (nhằm ngày 17 tháng Ba năm Canh Tý). Hưởng thọ 78 tuổi.

Vĩnh biệt Họa sĩ Trương Bé: bậc thầy của nghệ thuật hội họa trừu tượng trên chất liệu sơn mài
Chân dung họa sĩ Trương Bé. Ảnh: TG

Họa sĩ Trương Bé là một tên tuổi lớn của hội họa đương đại Việt Nam. Ông sinh năm 1942 tại Quảng Trị, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1974, từ năm 1988 đến năm 1996 là Phó Hiệu trưởng, từ năm 1996 đến năm 2000 là Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế. Ngoài ra, ông từng đảm nhận vai trò như: Phó chủ tịch Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành Hội họa - Hội Mỹ thuật Việt Nam, khóa 4 (1994-1999); Ủy viên BCH Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa 4 (1994 - 1999), khóa 5 (1999 - 2004), khóa 6 (2004 - 2009); thành viên Hội đồng nghệ thuật Trung ương Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa 5 (1999 - 2004), khóa 6 (2004 - 2009).

Họa sĩ Trương Bé đã thực hiện nhiều triển lãm cá nhân và nhóm tại Việt Nam, Nhật Bản,Thái Lan, Trung Quốc... Tranh của ông được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật Huế, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật Singapore… sưu tập. Nhiều nhà sưu tập khắp nơi trên thế giới đã sưu tầm tranh ông, trong đó có The Christie's từng, một nhà đấu giá danh tiếng từng đưa tác phẩm Trương Bé lên sàn quốc tế.

Gần đây nhất, tại triển lãm cá nhân “Nhịp điệu vũ trụ”, khai mạc lúc 10h ngày 12/9/2019 tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh với 50 tranh sơn dầu và sơn mài. Triển lãm đã được chào đón nồng nhiệt cả ở khía cạnh chuyên môn và thị trường, trưng bày một trong những tác phẩm sơn mài to nhất của ông. Họa sĩ Trương Bé là tấm gương không ngừng nghỉ sáng tác, nỗ lực làm việc cho đến những giây phút cùng.

Họa sĩ Trương Bé được giới mỹ thuật đánh giá là bậc thầy của nghệ thuật hội họa trừu tượng trên chất liệu sơn mài. Các tác phẩm của ông khởi đầu một đời sống nghệ thuật mới, những cảm nghiệm về nhân sinh, vũ trụ và buộc người thưởng thức đắm chìm trong ước muốnkhám phá ra vẻ huyền diệu mê hoặc của những tác phẩm nghệ thuật.

Đánh giá về tranh ông, nghệ sĩ, họa sĩ Đặng Mậu Tựu nhận định: “Với người họa sĩ hoặc thay đổi để “biến dạng”, hoặc đào sâu để đi tìm tận gốc rễ. Trương Bé thuộc lớp họa sĩ vế sau, và nhờ thế tranh của ông luôn giá trị bởi đã "đào sâu" vào nghệ thuật".  Nhà văn Nguyễn Quang Hà trong bài " Xem tranh của họa sĩ Trương Bé" đã viết: "ranh Trương Bé đã chuyển dần từ cái thực sang cái ảo. Ngòi bút anh cố gắng thể hiện cái nội tâm đang day dứt trong lòng. Riêng hình khối, riêng màu sắc, riêng đường nét không thỏa mãn được tâm hồn anh. Nhưng hầu như anh tìm thấy rất rõ trong đó sức biểu cảm của từng thể nghiệm tìm tòi ấy, để bật ra cái sâu sắc rất đa nguyên trong hàng loạt bức tranh trừu tượng của anh bây giờ.Nghệ sĩ Linh Huyền đánh giá: “Trí tuệ trong tác phẩm tranh sơn mài của họa sĩ Trương Bé được sáng tạo từ trước đến nay như một tích hợp, gộp lại để góp vào kho báu tri thức thị giác của cả nhân loại”. Còn tiến sĩ Nguyễn Đức Thành trong sự ngạc nhiên đã cho rằng : “Khi nhập tâm trước mỗi tác phẩm của Trương Bé, dù trong kích thước một bức tranh giá vẽ hay cả một tác phẩm hoành tráng, tôi luôn cảm thấy nhịp tim thay đổi một cách ngoài ý thức”.

Sự ra đi của họa sĩ Trương Bé là một mất mát lớn đối với nền hội họa Việt Nam nói chung và hội họa Thừa Thiên Huế nói riêng. 

Hiện linh cữu Cố họa sĩ được quàn tại nhà riêng, số 27A Trần Văn Kỷ, phường Tây Lộc, thành phố Huế.

T.G

 

 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng