Tạp chí Sông Hương -
Những dấu mốc lịch sử
15:31 | 21/04/2020

Ngày 21.4.1950 đã trở thành mốc lịch sử của giới báo chí Việt Nam khi những người làm báo cách mạng chính thức có một tổ chức chính trị - xã hội và nghề nghiệp của mình.

Những dấu mốc lịch sử
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tham quan gian trưng bày của Liên chi hội nhà báo Văn phòng Quốc hội tại Hội Báo toàn quốc 2019

Hoạt động báo chí sôi nổi

Vào đầu thế kỷ XX, hoạt động báo chí ở Việt Nam đã khá sôi nổi, nhưng dưới chế độ thống trị của thực dân Pháp, những người làm báo không có tổ chức nghề nghiệp. Trong thời kỳ những người cộng sản nước ta được chính quyền của Mặt trận nhân dân Pháp cho phép xuất bản báo chí công khai (1936 - 1939), Xứ ủy Bắc Kỳ chủ trương mở cuộc vận động thành lập Hội Nhà báo Dân chủ. Ông Võ Nguyên Giáp được chỉ định nhân danh báo tiếng Pháp của ta - tờ Le Rassémblement (Tập hợp) đứng ra thực hiện cuộc vận động. Tuy nhiên, do sự phá hoại của bọn mật thám, chủ trương này đã không thực hiện được.

Ngay sau Cách mạng tháng Tám, hàng loạt cơ quan, tổ chức báo chí (Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Việt Nam Thông tấn xã, Bộ Thông tin - Tuyên truyền...) được thành lập và ngày 27.12.1945, Đoàn Báo chí Việt Nam ra đời. Công việc chuẩn bị để lập ra một hội nhà báo chính thức đang được đẩy mạnh thì thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta. Đội ngũ người làm báo Việt Nam đã đông đảo hơn, phần lớn tham gia kháng chiến và Đoàn Báo chí Việt Nam được đổi tên thành Đoàn Báo chí kháng chiến Việt Nam.

Báo chí Cách mạng được bổ sung lực lượng và phương tiện mới; hình thành hệ thống thông tin - báo chí đa dạng. Việt Bắc trở thành cái nôi của báo chí kháng chiến với các báo: Sự thật, Cứu quốc, Nhân Dân, Độc lập, Phụ nữ, Lao động, Tiền phong, Việt Nam Thông tấn xã, Đài Tiếng nói Việt Nam... Các lực lượng vũ trang đều có báo riêng. Các khu, tỉnh cũng đều có báo hoặc bản tin, nội san của mình. Nam Bộ hình thành mạng lưới báo, đài phát thanh hoạt động tại nhiều địa phương do Xứ ủy Nam Kỳ trực tiếp phụ trách.
 

“Ngôi nhà chung” của người làm báo Việt Nam

Đến đầu năm 1950, trước yêu cầu nâng cao vị trí Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời để đáp ứng nhiệm vụ nâng cao nghiệp vụ báo chí, Hội Những người viết báo Việt Nam được thành lập. Hội nghị thành lập Hội khai mạc ngày 21.4.1950 tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, Thái Nguyên, thống nhất thông qua Điều lệ, Chương trình hoạt động, bầu Ban Chấp hành Hội với ông Xuân Thủy làm Hội trưởng, các ông Đỗ Đức Dục và Hoàng Tùng làm Hội phó, ông Nguyễn Thành Lê làm Tổng Thư ký.

Ngày 2.6.1950, Hội được Chính phủ ra quyết định chính thức công nhận và sau đó Hội gia nhập Mặt trận Liên Việt. Các báo thành lập chi hội, người làm báo ở cơ quan nào thì tham gia chi hội cơ quan ấy. Sinh hoạt chủ yếu của các chi hội là thảo luận những vấn đề nghiệp vụ, bồi dưỡng trình độ nghề nghiệp qua kinh nghiệm hoạt động thực tiễn. Tháng 7.1950, Đại hội của Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) họp ở Phần Lan đã công nhận Hội Những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, Hội Những người viết báo Việt Nam chuyển về Hà Nội, đặt trụ sở chính tại số nhà 59 Lý Thái Tổ. Ngày 16 - 17.4.1959, diễn ra Đại hội lần II của Hội với 123 đại biểu thay mặt 700 hội viên tham dự. Đại hội đã nhất trí đổi tên Hội thành Hội Nhà báo Việt Nam, thông qua điều lệ mới.

Đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 11.11.1961, Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam Việt Nam ra đời do nhà báo Vũ Tùng (Nguyễn Văn Thọ) làm Chủ tịch.

Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam họp ngày 7 - 8.9.1962 tại Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và nói chuyện với các đại biểu với chủ đề: “Nâng cao hơn nữa chất lượng báo chí”. Người căn dặn: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”.

Nhiệm kỳ Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam chứng kiến sự kiện lịch sử: Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ngày 7.7.1976, Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam Việt Nam hợp nhất, lấy tên là Hội Nhà báo Việt Nam…

Theo đại diện Hội Nhà báo Việt Nam, từ khi ra đời đến nay, hoạt động của Hội luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của Đảng, sự ủng hộ, tạo điều kiện của Nhà nước, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương. Luật Báo chí 2016 với nhiều điểm mới đã tạo điều kiện cho hoạt động báo chí thuận lợi, hiệu quả hơn, trong đó Điều 8 đã luật hóa những quy định bắt buộc về tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam, về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Một trong những mục tiêu đặt ra cho hoạt động của Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam Khóa X là phấn đấu để Hội thực sự là “ngôi nhà chung”, gắn bó các hội viên, các cấp hội; động viên, cổ vũ hội viên thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ chuyên môn, giữ gìn phẩm chất và đạo đức nghề báo, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân.

Theo Nhật Linh - ĐBND
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng