Nhân kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” và Câu lạc bộ “Trái tim người lính” tổ chức xuất bản bộ sách quý “Nhật ký thời chiến Việt Nam” của nhiều tác giả do nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng chủ biên.
Được Hội đồng Quản lý “Quỹ mãi mãi tuổi 20” giao trách nhiệm chính việc tổ chức Sưu tầm và Biên soạn Bộ sách quý “Nhật ký thời chiến Việt Nam”, phải mất 16 năm (2004 - 2020) nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng và các cộng sự mới hoàn thành công trình tâm huyết này. Bạn đọc cả trong và ngoài nước đã từng biết đến 2 cuốn nhật ký lừng danh, với hàng triệu bản in đã được phát hành, được dịch ra nhiều thứ tiếng:“Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” của Anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Đây là lần đầu tiên, những tác phẩm “Nhật ký thời chiến Việt Nam” cùng đứng chung trong một bộ sách, với 30 tác phẩm của 30 tác giả.
Bộ sách gồm 4 tập, mỗi tập dày hơn 1.000 trang, khổ 16x24 cm. Không chỉ có nhật ký “Mãi mãi tuổi Hai mươi” và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, bộ sách còn có hàng chục cuốn nhật ký đầy máu lửa chiến trường khác như “Gửi lại mai sau” của Nguyễn Hải Trường (tức liệt sĩ CAND Vũ trang Nguyễn Minh Sơn); “Nhật ký chiến tranh” của anh hùng, nhà văn, liệt sĩ Chu Cẩm Phong; “Nhật ký chiến trường” của liệt sĩ, nhà văn Dương Thị Xuân Quý; “Những ngày trong vòng vây” của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh; “Nhật ký Vượt Trường Sơn” của TS. Phạm Quang Nghị; “Nhật ký Bê trọc” của nhà văn, TS. Phạm Việt Long và “Nhật ký đi B” của cố nhà văn Triệu Bôn…
Một cuốn sổ tay của cố tác giả Nguyễn Văn Thân viết năm 1970 |
Là người Chủ biên của bộ sách, nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng thay mặt nhóm sưu tầm, biên soạn và thực hiện có “Lời thưa” với bạn đọc. Ông cho biết: “Nhật ký là những trang viết đáng tin cậy. Tất cả những gì ta đọc được ở đây là sự thật, dù nó có thể thô ráp, nhưng tươi ròng và sống động, bởi hoàn toàn là những con người thật, những địa chỉ thật, những sự việc thật và những tâm trạng rất thật! Không ai có thể buộc được người ta phải nói thật suy nghĩ của lòng mình, nhất là sự ấm ức, bất công và nỗi buồn nản trong cuộc đời; kể cả tâm trạng “sống trong sợ hãi” tại chiến trường. Nhưng với nhật ký, thì người viết “tự nguyện” nói ra tất cả điều ấy…” Bộ sách vì vậy mang những giá trị lớn lao, hiện thân cho tinh thần của cuộc đấu tranh giải phóng đất nước và tinh thần dân tộc Việt Nam.
2 trang di bút trong sổ tay nhật ký của liệt sĩ Phạm Ngọc Chí |
Được ấn hành hoàn toàn bằng kinh phí xã hội hóa, bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” ra mắt đúng dịp kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2020), với số lượng in hạn chế 500 bản, chủ yếu để làm quà tặng tri ân của các cựu chiến binh Quỹ “Mãi mãi tuổi 20”.