Tạp chí Sông Hương -
Tín hiệu lạc quan
08:26 | 26/05/2020

Tối 23.5 vừa qua, vở “Bệnh sĩ” của Nhà hát Kịch Việt Nam đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn đánh dấu sự trở lại đồng loạt của sân khấu cả nước. Buổi diễn đã đem lại niềm vui cho khán giả và sự lạc quan cho sân khấu sau những ngày trầm lắng bởi đại dịch.

Tín hiệu lạc quan
Cảnh trong vở “Bệnh sĩ” của Nhà hát Kịch Việt Nam

“Ra quân” đồng loạt

Gần 600 ghế của khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội không còn chỗ trống. Vở “Bệnh sĩ” của cố tác giả Lưu Quang Vũ đã đem đến nhiều cung bậc cảm xúc và những tràng cười sảng khoái cho khán giả. Đã khá lâu rồi kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 công chúng không có được cảm giác ấy. Trong tâm thế của người xem, trao đổi ngay sau đêm diễn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá cao sức hấp dẫn của vở kịch, đồng thời đề nghị Nhà hát Kịch Việt Nam gấp rút chuẩn bị để công diễn vở “Điều không thể mất” - cũng là một trong những tác phẩm của Lưu Quang Vũ và vở “Nữ cảnh sát” để kịp ra mắt giữa tháng 6 tới.

“Các nhà hát nghệ thuật đỏ đèn trở lại cần phải có những tác phẩm thật sự hay, giá trị. Sau một khoảng lặng đối với nghệ thuật biểu diễn thì đây là cơ hội để cho nghệ thuật chuyển mình và thay đổi. Vì vậy, chuỗi chương trình của các đơn vị nghệ thuật sẽ được chọn lọc kỹ lưỡng. Với nghệ thuật không thể tự mãn với thành công đã có. Chương trình sau phải hay hơn chương trình trước”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.

Nhà hát Tuổi trẻ cũng chuẩn bị trở lại với chương trình dự án nghệ thuật “Bay lên những ước mơ 2” phục vụ thiếu nhi cả nước, với 3 chương trình: Ca múa nhạc - kịch vui “Trống Choai đi đâu thế?”, kịch vui “Vaxilixa và phù thủy độc ác”, nhạc kịch “Cuộc chiến vô cực”. Theo quyền Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, NSƯT Chí Trung, dự án sẽ có nhiều suất diễn trong ngày vào dịp Tết Thiếu nhi 1.6 tới và mùa hè 2020 tại sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội. Đặc biệt, nhằm tri ân đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch, dự án “Bay lên những ước mơ” sẽ dành tặng hàng nghìn vé xem chương trình cho con em các y, bác sĩ, nhân viên y tế tại các bệnh viện ở Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y…

Các nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng đang tất bật với lịch tập luyện dày đặc. Từ ngày 29.5, sân khấu của Rạp Xiếc Trung ương sẽ đón khán giả với vở “Cướp biển”, được thể hiện bằng những tiết mục công phu, mạo hiểm trên sân khấu hiện đại, hứa hẹn tạo sự bất ngờ cho khán giả; hay tham gia “Gala xiếc ba miền” tại Hạ Long, Quảng Ninh, vào 29 - 31.5. Ngoài ra, Liên đoàn Xiếc Việt Nam còn xây dựng chương trình “Mùa hè sôi động” lưu diễn xuyên suốt dịp hè. Nhà hát Múa rối Thăng Long cũng trở lại vào cuối tuần này bằng vở rối cạn mới “Mèo và chuột”, kỳ vọng thu hút khán giả bằng những màn diễn hấp dẫn và mang tính giáo dục cao. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ đưa các vở đặc sắc như: “Công chúa tóc mây”, “Bay lên từ mặt nước”… phục vụ lưu động tại các quận, huyện của Thủ đô.

Kịp thời và cần thiết

Trở lại phục vụ khán giả trong những ngày này, các đơn vị cho biết đều đã tính toán và có chiến lược để thu hút cũng như đáp ứng tốt nhất nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Kịch Việt Nam, NSƯT Xuân Bắc chia sẻ, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19, cán bộ, nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam chắc chắn cũng giống như các đơn vị nghệ thuật khác, tất cả đều nhớ da diết ánh đèn sân khấu và mong muốn sớm được biểu diễn trở lại. Giới làm nghề vô cùng hân hoan khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trương ra mắt các chương trình nghệ thuật chất lượng cao tại các nhà hát trên sân khấu Thủ đô. “Sự quan tâm sát sao của lãnh đạo Bộ là nguồn động lực kịp thời cho các nhà quản lý, đặc biệt là những nghệ sĩ mới và trẻ. Khán giả yêu nghệ thuật lại có cơ hội đến với sân khấu. Chúng tôi mong rằng không chỉ một buổi mà mỗi nhà hát cần tổ chức khoảng năm buổi diễn để có cơ hội “khoe” những tác phẩm hay nhất, mang phong cách và thương hiệu riêng của từng đơn vị”, NSƯT Xuân Bắc cho hay.

Theo NSƯT Chu Lượng, Nhà hát Múa rối Thăng Long, sau thời gian tạm dừng phục vụ khán giả, nhà hát đã lên kế hoạch xây dựng chương trình hướng đến khán giả trong nước. “Trước đây, nhà hát chủ yếu phục vụ khán giả quốc tế, còn bây giờ, chúng tôi lên phương án dàn dựng các tác phẩm dành cho khán giả trong nước, đặc biệt là chương trình dành cho thiếu nhi. Đây là chiến lược mới, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị nghệ thuật Thủ đô, vừa tạo bước chuyển để nhà hát đứng vững trên đôi chân của mình”. Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Tống Toàn Thắng cũng cho biết, thời gian tạm dừng biểu diễn vừa qua giúp các đơn vị nghệ thuật lắng lại, dồn tâm huyết sáng tạo những chương trình, tác phẩm mới và chất lượng, đáp ứng kỳ vọng của công chúng.

Được thưởng thức nghệ thuật tại nhà hát, sân khấu, tương tác trực tiếp với nghệ sĩ luôn là trải nghiệm đặc biệt đối với nhiều khán giả. Cùng với đó, việc sáng đèn trở lại của các nhà hát thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với nhiều chương trình chất lượng như là khởi đầu cho sự chuyển mình, đổi thay, vượt khó, hứa hẹn kích thích nghệ sĩ sáng tạo, thúc đẩy các hoạt động văn hóa phát triển mạnh mẽ trên cả nước sau giai đoạn dịch bệnh.

Theo Hương Sen - ĐBND
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng