Sơn mài Việt - sơn ta vẫn liên tục được khai phá với nhiều điều mới mẻ. Cái mới ở đây không chỉ là tạo hình mới trong chất liệu cũ, mà là sử dụng nhiều bảng màu lạ hay kỹ thuật thể nghiệm với hiệu ứng bề mặt khác biệt.
Nhọc nhằn mà thú vị
Theo Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, sơn ta chính là sơn mài, nhưng sơn ta không chỉ có sơn mài. Cái độc đáo của sơn ta là pha trộn với nước hay dầu hoặc một số chất liệu khác đều được, hơn thế dùng càng lâu thì càng lên màu đẹp. Thông thường để hoàn chỉnh bức tranh sơn mài phải vẽ chừng 20 lớp, mỗi lớp sơn phải chờ ít nhất 3 ngày mới khô, đợi lớp này khô mới vẽ lên lớp khác. Cứ như thế phải mất khoảng thời gian ít nhất 2 - 3 tháng mới hoàn thành một bức tranh sơn mài - sơn ta. Mặc dù vậy, nhiều họa sĩ trong quá trình làm nghề, bằng khả năng sáng tạo đã biến quá trình nhọc nhằn, công phu này thành những trải nghiệm độc đáo của chất liệu.
Có thể thấy điều đó qua 4 đợt triển lãm của nhóm Sơn ta những năm gần đây, hay triển lãm “Lam”, “Sơn ta vóc Việt”… Các họa sĩ theo đuổi thị trường này đã cho công chúng thấy được tiếng nói linh hoạt của họ trong việc kết hợp sơn ta với các chất liệu. Tuy nhiên, ít ai biết, để tác phẩm sơn mài hội đủ ngũ hành, thợ sơn mài phải dụng biết bao công đoạn mới có được tác phẩm đẹp. Quá trình này đôi khi tạo ra nhiều hiệu quả bất ngờ, những vỏ trứng, son, màu, vàng, bạc chìm nổi trong một thứ ánh sáng hổ phách tạo nên sự kỳ ảo của màu sắc và phong cách.
Một công đoạn trong quá trình tạo hiệu ứng bề mặt tác phẩm “Giếng 2” của Phùng Huy |
Ảnh: Hương Sen |
Như họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói, lẽ đương nhiên chất liệu chỉ là phương tiện, quan trọng là từ chất liệu ấy, các phong cách khác nhau được bày tỏ. Nhiều người không thể quên những tác phẩm sơn mài khổ lớn (điều không dễ thực hiện do yếu tố đặc thù của sơn mài) trong triển lãm “Sơn ta vóc Việt”. Cũng khởi nguồn từ chất liệu truyền thống, các nghệ sĩ đã chứng minh sự biến đổi của chất liệu qua series tranh ấn tượng cùng cảm giác phá cách trong sáng tác về thánh địa của người Chăm, hay về tín ngưỡng hầu đồng. Rồi triển lãm của nhóm Sơn ta, trên cơ sở sử dụng chất liệu truyền thống, các họa sĩ thể hiện nhiều phong cách mới, từ hiện thực, đến siêu thực, biểu hiện…
“Tất nhiên một bức tranh đẹp không chỉ bao gồm tinh thần, ý tưởng sáng tạo, cảm xúc, năng lực thẩm mỹ, mà còn phải mang đặc trưng của chất liệu, thông qua kỹ thuật chất liệu để thể hiện cảm xúc. Trong nền mỹ thuật Việt Nam, sơn ta - sơn mài vẫn có lộ trình riêng biệt, đẹp đẽ, kết nối giá trị truyền thống và tiếng nói mới của sơn mài đương đại. Quá trình sáng tạo nền cốt nói chung, các họa sĩ sơn mài Việt đã có được những ngôn ngữ, thành quả riêng mà nghệ sĩ các nước trong khu vực khó tìm thấy" - họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhận định.
Hiệu ứng và những bảng màu lạ
Xem triển lãm lần thứ 5 của nhóm Sơn ta đang diễn ra tại 29 Hàng Bài, Hà Nội, các tác giả đa phần tuân thủ kỹ thuật cổ truyền, song một số ít muốn thể hiện ý tưởng, tư duy nghệ thuật mới trong những trải nghiệm mới.
Đó là Phùng Huy với nhiều loạt tác phẩm sơn mài đắp nổi “Giếng”, “Giếng 2”. Anh cho biết, các tác phẩm được tạo ra bởi quá trình lấy sơn trộn với đất, vải cùng một số chất liệu khác. Quá trình bồi đắp từng phần tranh với bề mặt đất trộn để đạt đến ý tưởng mất khoảng từ 6 - 8 tháng, gấp đôi thời gian so với quá trình hoàn thành một tác phẩm sơn mài thông thường. “Từ bồi trộn đất, đắp nổi nhiều lớp, đến công đoạn mài trên bề mặt gồ ghề với những đường cong, với tôi nó là một trải nghiệm; giống như cách tạo hiệu ứng bề mặt, để tác phẩm có điểm nhấn, có chiều sâu và sự khác biệt. Sử dụng kỹ thuật này, tôi thấy nó hàm chứa được nhiều ý đồ. Ở đây là hình ảnh giếng làng, rộng hơn là văn hóa người Việt xưa kết nối nhiều câu chuyện trong đó”.
Với Ngô Hải Yến, sau các bước không thể bỏ qua ban đầu của sơn mài truyền thống, chị vẽ gần như sơn dầu, tút tát theo từng lớp, dựa vào cảm hứng chứ không theo phác thảo cụ thể. “Tranh của tôi được vẽ đi vẽ lại. Thực tế, trên một tấm vóc tôi đã vẽ 3 - 4 bức tranh, chồng xếp các câu chuyện về tình yêu, về làng quê Việt, chùa chiền… Tôi thường vẽ theo cảm xúc và ý thích, thường sau khi dựng, nếu chưa hài lòng tôi lại tiếp tục thể nghiệm. Đó cũng là cái hay của sơn mài mà tôi rất thích khám phá”.
Vẫn tuân thủ kỹ thuật cổ truyền, song biết điều khiển chất liệu, làm chủ kỹ thuật để mang đến sự đa dạng, phong phú trong cách đặt vấn đề, cách làm màu, là cách họa sĩ Trần Tuần Long thể hiện trong tác phẩm “Biển đêm” hay các tác phẩm về hầu đồng, lễ cấp sắc của người Dao... Đồng nghiệp nhận xét, sơn mài của anh rất đẹp, cả màu sắc và cách thể hiện. Đặc biệt, sức nặng của tác phẩm được thể hiện qua sự phối màu tương phản, màu sắc rất đậm, rất sâu.
Họa sĩ Chu Việt Cường lại khéo léo sử dụng hai sắc độ tương phản trong tranh để tạo sự nổi bật, khác biệt. “Khác với kỹ thuật xưa, tôi không dùng then mà sử dụng tông màu cánh gián pha với bột để tạo ra tông màu đen. Hoặc các biến thể xanh, màu khó tạo trong sơn mài, luôn được tôi tìm tòi để làm mới”...
Không chỉ phát huy hết bảng màu cũ của sơn mài, các nghệ sĩ tham gia triển lãm lần này đã sáng tạo những đĩa màu mới, kế thừa truyền thống để tạo nên thành công mới. “Tôi cho rằng, trong lộ trình đầy can đảm, tự tin của các nghệ sĩ đương đại, chất liệu truyền thống sơn ta vẫn đang tiếp tục được kế thừa, phát triển, đó là tin vui cho mảng sơn mài trong nền mỹ thuật đương đại Việt Nam”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói.