Đó là lời nhận xét của Park Soo-mil và các chuyên gia văn học Hàn Quốc về tác phẩm văn học triều đại Joseon.
Park Soo-mil - chuyên gia văn học Hàn Quốc nghiên cứu về Bak Ji-won và các tác phẩm của học giả này trong vòng 25 năm, đã đề cập đến kiệt tác của Bak Ji-won trong cuốn sách mới của ông Bước đầu tiên hướng tới Nhật kí Jehol: Gặp gỡ tác phẩm văn học hay nhất của Joseon do nhà xuất bản Dolbegae phát hành. Trong mỗi chương của cuốn sách, tác giả trích dẫn các phần của cuốn du kí bằng chữ Trung Quốc cổ điển và giải thích ý nghĩa của chúng bằng thông tin cơ bản cần thiết. Tác giả Park nhận xét, Nhật kí Jehol là một tác phẩm giật gân vào năm 1780.
Tác giả Park cũng khẳng định, Bak Ji-won là một nhà văn vô song trong thời đại của ông và có lẽ là nhà học giả vĩ đại nhất trong thời đại Joseon. Park cho rằng, các tác phẩm của Bak Ji-won là một trong ba di sản tốt nhất của thời đại Joseon. Những di sản còn lại, theo ông, là chiến thuật quân sự của Đô đốc Yi Sun-sin và những thành tựu của hai học giả Nho giáo Yi Hwang và Yi I.
Bak Ji-won (1737-1805) là nhà triết học và tiểu thuyết gia Hàn Quốc ở cuối triều đại Joseon, được coi là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của phong trào “Học tập thực tế” (silhak). Bak Ji-won ủng hộ những việc làm hiệu quả, mang lại lợi ích cho người dân, thúc đẩy phát triển thương mại và công nghiệp hóa đất nước bằng cách giới thiệu công nghệ phương Tây đến Hàn Quốc. Ông đề xuất nhập khẩu một số công nghệ tiên tiến từ triều đại nhà Thanh, thúc đẩy chủ nghĩa trọng thương (tăng xuất, giảm nhập).
Không giống như những người cùng thời, thường dễ hài lòng và chưa nỗ lực hết sức để tiến về phía trước, Bak Ji-won rất tò mò, cởi mở và sáng tạo bằng những ý tưởng mới mẻ. Tính cách mạnh mẽ và lối suy nghĩ thực tế của ông được phản ánh rõ nét trong cuốn du kí nổi tiếng của mình - Nhật kí Jehol.
Nhật kí Jehol (Yeolha Ilgi) được viết bằng tiếng Trung Quốc cổ điển, khi Bak Ji-won (còn được biết đến với bút danh Yeon'am) thực hiện một chuyến tham quan khắp vùng lãnh thổ phía Bắc của nhà Thanh, Trung Quốc bao gồm: Thẩm Dương, Bắc Kinh và Rehe (trước đây là La Mã), vào năm 1780 cùng những người anh em họ. Họ nằm trong phái đoàn được vua Joseon Jeongjo (Triều Tiên Chính Tổ) phái đến triều đình nhà Thanh để tham dự lễ kỉ niệm sinh nhật lần thứ 70 của Hoàng đế Càn Long.
Theo tiêu đề, Yeolha Ilgi có nghĩa là kết quả của một chuyến đi, mang hình thức một tác phẩm du lịch. Tuy vậy, phạm vi của Nhật kí Jehol rất lớn, bao trùm nhiều chủ đề khác nhau: lịch sử, phong tục, môi trường, tự nhiên, chính trị, kinh tế và thơ ca…
Đông đảo độc giả thời ấy đã lan truyền những thông tin thú vị mà cuốn sách mang lại. Tuy vậy, phản hồi về cuốn sách cũng chia thành hai chiều hướng. Một số thích cuốn sách vì nó đem lại những thông tin giải trí, mới lạ. Nhưng số khác, đặc biệt là tầng lớp thượng lưu bảo thủ, thấy khó chịu vì họ nghĩ Bak Ji-won đang cố gắng ủng hộ nhà Thanh do người Mãn Châu - một nhóm dân tộc mà họ coi là man rợ - cai trị.
"Vào thời điểm đó, giai cấp thống trị và các quan chức cấp cao của vương quốc Joseon đã xem nhà Minh trước đây do người Hán cai trị là một chính phủ hợp pháp và họ vẫn giữ nguyên lập trường đó ngay cả khi nhà Minh chấm dứt, nhà Thanh lên nắm quyền. Họ coi nhà Thanh là một chế độ bất hợp pháp. Vì vậy, giai cấp thống trị của Joseon cảm thấy bị xúc phạm khi họ đọc cuốn du kí của Bak ca ngợi Trung Quốc do nhà Thanh cai trị", Park Soo-mil viết.
Những khám phá và bài học mà Bak Ji-won rút ra từ chúng cũng làm phiền giai cấp thống trị Joseon. Lần đầu tiên Bak Ji-won đến thị trấn biên giới Trung Quốc không tránh khỏi cú sốc về văn hóa (người Hàn gọi là Chaekmun). Trước chuyến đi, ông đánh giá đó là một trong những thị trấn Trung Quốc chịu thiệt thòi, nhưng vô cùng ngạc nhiên khi đến tận nơi, trông thấy một thị trấn biên giới tinh vi, sạch sẽ và thịnh vượng. Vậy thì trung tâm, trái tim, bộ mặt của Trung Quốc sẽ tinh vi tới đâu? Chuyến đi Trung Quốc khai sáng cho Bak Ji-won. Ông nhận ra rằng đất nước của mình đang đi sai hướng và cho rằng Joseon cần tăng cường khả năng phòng thủ và thúc đẩy thương mại để làm cho đất nước lớn mạnh hơn.
Những ý kiến của Bak Ji-won được coi là giật gân vào thời điểm đó, khi Joseon là một xã hội khép kín và ma quỷ hóa chủ nghĩa duy vật. Các giá trị đạo đức được ngợi ca và trở thành các chuẩn mực xã hội thống trị; kinh doanh, thương mại là các lĩnh vực dành cho các tầng lớp thấp hơn. Trong giới thượng lưu, các học giả thất nghiệp rất phổ biến. Họ đọc sách và viết lách cả ngày mà không kiếm được tiền cũng không bị coi là thừa thãi và đáng lên án. Các học giả thất nghiệp sống trong nghèo khổ được coi là thanh đạm. Rất ít người đổ lỗi cho họ vì họ không muốn tìm việc làm vì chủ nghĩa duy vật được miêu tả là một tội ác.
Từ phạm vi tư tưởng rộng lớn bao trùm nhiều chủ đề cùng chất lượng văn bản độc đáo đã giúp Nhật kí Jehol trở thành một kiệt tác và là nguồn tư liệu quan trọng cho các nhà sử học Trung Quốc và Hàn Quốc. Năm 2010, Nhật kí Jehol cũng được dịch ra tiếng Anh cho những nhà nghiên cứu về lịch sử, xã hội và văn học của Hàn Quốc với tựa đề Jehol Diary.
Theo Bình Nguyên - VNQĐ