Tạp chí Sông Hương -
Quan niệm về văn học - đóng góp của Bùi Giáng với lý luận văn học dân tộc
14:52 | 10/07/2020

1. Thế kỉ XX, thi đàn Việt sau nhiều thập niên được thắp sáng bởi ánh hào quang của chòm sao chổi thơ ca Hàn Mặc Tử, lại được bừng lên với một hiện tượng thi ca mới: Bùi Giáng, một "thiên tài không định nghĩa được"1.

Quan niệm về văn học - đóng góp của Bùi Giáng với lý luận văn học dân tộc
Ảnh: internet

Từ buổi xuất hiện, thiên tài kì lạ ấy đã định vị mình trên lược đồ văn học dân tộc như "ngôi tinh văn kì dị có bóng dáng lồng lộng nhất hậu bán thế kỉ XX" (Hoàng Phủ Ngọc Tường)2. Lúc sinh tiền người đời ngưỡng vọng dành cho ông nhiều danh xưng cao quý: "Người hóa thân cho thi ca", "Người Thơ,"… Tự bản thân, Bùi Giáng nhận mình là Trung Niên Thi Sĩ. Bên cạnh thành tựu thơ văn đã và đang  ngày càng thu hút sự quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu, ông còn để lại những di sản phê bình triết học, dịch thuật, phê bình văn học, hội họa. Và trong lĩnh vực nghiên cứu văn học, ít ai biết rằng, Bùi Giáng cũng có những đóng  góp đáng ghi nhận về lí luận sáng tạo nghệ thuật văn chương.

2. QUAN NIỆM VĂN HỌC

2.1. Quan niệm về thơ ca

Thơ ca là hình thái văn học đầu tiên nảy sinh từ khi con người bắt đầu cảm thấy mối liên hệ giữa mình và thực tại và sâu sắc hơn là khi con người có những nhu cầu tự biểu hiện trong đời sống. Ý thức cao về lập trường sáng tạothơ ca, Bùi Giáng đã xây dựng quan niệm sáng tác riêng - những quan điểm thường được ông phát biểu gián tiếp, thông qua cách nói hình tượng: “Thơ là một cái gì không thể bàn tới,không thể diễn gì được. Người ta có thể diễn tả một trận mưa rào bằng thơ. Thì có lẽ muốn diễn tả một bài thơ, người ta chỉ có thể phát động một trận mưa rào, một cơn gió thu. Mà muốn thực hiện sự đó, thì ngoài việc làm thơ ra, con người không còn phép nào khác. Thế có nghĩa là muốn bàn tới thơ, diễn dịch thơ, người ta chỉ có thể làm một bài khác. Người xưa am hiểu sự đó, nên chỉ vịnh thơ chứ không điên rồ mà bàn luận về thơ. Người đời nay trái lại. Họ buộc phải luận thơ có mạch lạc luận lý không được “ bốc đồng” vịnh lăng nhăng cái chỗ ngu si đó là điều bất khả tư nghì vậy” [1,tr149]. Thi sĩ nói thêm về cách ông làm thơ: “Thơ tôi làm chỉ là một cách dìu ba đào về chân trời khác. Đi vào giữa trung tâm giông bão một lúc thì lập tức  xô ngôn ngữ thoát ra, phá vòng vây áp bức…Tôi gạ gẫm với châu chấu chuồn chuồn, đem phó thác thảm họa trần gian cho chuồn chuồn mang trên hai cánh mỏng bay đi(…)  Tôi ra bờ sông nằm ngủ khóc một mình giữa thơ dại chiêm bao.Trong chiêm bao thơ về lãng đãng thì từ đó vần bất tuyệt cũng lãng đãng chiêm bao. [2, tr.33].

Bùi Giáng không định nghĩa thơ bằng lối nói mang màu sắc luận lý. Chiêm nghiệm thực tế sáng tác, thi sĩ nhận ra thơ là “cõi phiêu bồng” (Lời phiêu dựng lại một điệu chào dị sai- Lá Hoa Cồn). Thơ là vô ngôn. Ông lý giải:“Cái nói của tư tưởng chỉ đạt tới chỗ bình hòa thanh tịnh thuần thanh và tìm thấy lại tinh thể của mình là chính lúc nó không nói được điều gì, nó phải được tồn tại trong vô ngôn, một sự vô năng như thế sẽ nhiếp dẫn tư tưởng tới tiền diện sự thế, sự vật từ như”[3,tr36].Quan niệm về thơ của Bùi Giáng khá gần gũi với mỹ học về cái nhạt của Trung Hoa mà nhà  triết học hiện đại F. Julien đã bình giải: "Cái nhạt chỉ hiện ra để người ta cảm nhận được khi nó hướng người ta đến cái hài hòa đã qua, cái đã được định đoạt trong im lặng" [4,tr20]. Như thế với Bùi Giáng, thơ mang một hàm nghĩa rất rộng; là một thế giới nhiệm màu, tế vi và tự nhiên, nhi nhiên như cuộc sống muôn vẻ đa chiều kích; là nghệ thuật tinh túy của ngôn từ chảy tràn ra từ những siêu thăng trong tâm hồn, tiềm thức và vô thức (Trong chiêm bao thơ về lãng đãng thì từ đó vần bất tuyệt cũng lãng đãng chiêm bao). Thơ với Bùi Giáng, là cái gì vượt thoát (Lời phiêu), "là lô hỏa thuần thanh -ngọn lửa đã  xanh - lửa đã xanh thì tươi mát như ngọn lá đa mới nở. Nhưng sức nóng mãnh liệt của nó có thể thiêu rụi bất cứ thứ cứng rắn nào" [5,tr.104] và thơ cốt phải trở về được với nguồn cội đời sống tại-thể- người (một sự vô năng như thế sẽ nhiếp dẫn tư tưởng tới tiền diện sự thế, sự vật từ như). Chính lúc đó thơ ca làm cuộc đời hiện lên trong vẻ đẹp vừa siêu thoát vừa chân thật như vốn có. Bùi Giáng đã đưa thể tính của thi ca về đúng chỗcủa nó,là hệ quả của phép làm thơ, một quá trình sáng tạo kì diệu như ông nói: “…hãy quên đi rồi hãy viết.Hãy viết như viết trong chiêm bao: nơi đó mọi thứ đã trộn lẫn. Một thứ trộn lẫn đầy cảm động và mãnh liệt. Đừng có chằm hăm vào một cái gì, một chỗ nào.Hãy nên chằm hăm vào chỗ rạt rào”. [5,tr.10]. Thơ ông đã đạt được đến độ dạt dào nhựa sống, lay động hồn người chính từ quan niệm như thế:

Một hôm nào em mở cửa đầu khe

Và bữa đó đến bây giờ cỏ rạ

Thi nhau mọc mặt trời lên lả tả

Bông lúa chín trong rừng kêu tiếng lá

 Chim chóc xanh đòi đẻ trứng bây giờ.

(Làm thân con gái)

Bùi Giáng mặc khải về sự khai hạ, sự sinh nở nơi người Mẹ cuộc sống huyền nhiệm như hoạt cảnh chúa trời giáng thế; hạt mầm sự sống tí tách trở động trong nguồn ánh sáng nguyên sơ dựng dậy một suối nguồn sự sống tràn trề, xanh ngát.Có thể thấy, ông chủ trương đưa thơ ca thành tiếng nói gần gũi với đời sống con người nhất nhưng phải là thứ tiếng nói về cuộc sống ở trình độ tinh tuyển, để cuộc sống hiện lên trên một giác độ mới, một trần gian lộng lẫy hơn, mê đắm hơn nhưng không xa lạ. Quan niệm thơ là cõi phiêu bồng, là vô ngôn, Bùi Giáng dùng ngôn ngữ thần ngôn, chi ngôn, trùng ngôn, phản ngữ, nhằm đạt đến chỗ im lặng nổi sóng như tinh thần Thiền Tông Phương Đông và tinh thần của triết học Heidegger phương Tây về ngôn ngữ: "Trong cõi ngôn ngữ nghiêm hàn ấy có sự trì ngự huyền hỏa bão giông và tại trung tâm huyền hỏa bão giông đó có cõi viên dung thanh tịnh" [6,tr.24]. Thử  nghiệm hai câu trong bài “Chào Nguyên xuân” của ông:

Xin chào nhau giữa con đường

Mùa Xuân phía trước miên trường phía sau.

Hai câu thơ lâu nay vẫn được xem là tuyệt bút, bởi đứng trước nó người đọc được dẫn vào một cõi miền đầy bãng lãng. Ta thấy cái vẫy tay lấp lánh niềm hân hoan của thi nhân để dấn bước vào dòng chảy cuộc sống đang mời gọi. Nhưng, để  định vị được  tọa độ nào là điểm đứng của thi nhân quả thật vô cùng mờ ảo. Có thể hiểu mùa Xuân phía trước  là tương lai và miên trường phía sau thuộc về quá khứ. Hay ngược lại, thời khắc mùa Xuân cuộc đời nhà thơ chỉ còn là quá  khứ và tương lai phía trước chỉ là giấc miên trường - giấc ngủ dài.Câu thơ ảo diệu, uyên bác nhưng cứ tự nhiên, thơ thới tuôn chảy như không hề có dấu vết của bàn tay của  người sáng tạo. Bằng cách đó, thế giới thơ ca Bùi Giáng mở ra phiêu bồng, bát ngát - cái thế giới của bóng vang.

Từ quan niệm về thơ, Bùi Giáng cũng manh nha suy nghĩ về cách đọc thơ và nâng lên thành cách đọc văn chương:

Ngữ ngôn  khép kín mặc dầu

Hùng tâm tim máu óc đầu mở ra

Dịu dàng cuối lá đầu hoa

Mười về châu lệ chín sa dòng dòng

(Bé con ơi)

Cách đọc thơ theo ông là vừa là một sự tri âm: mở óc trong đầu ra, mở máu trong tim ra, phải có hùng tâm đừng nghi tâm, biết đau khắp tâm can: Mười về châu lệ chín sa dòng dòng, biết trân trọng nâng niu: Dịu dàng cuối lá đầu hoa. Nhà Đông phương học Nhật Bản Toshiko Izutsu có bàn về hai cấp độ đọc: "Ý thức cấp một là ý thức thông thường bằng thao tác, bằng cảm xúc bằng tri giác, bằng tư duy duy lý, chủ yếu nhận thức sự vật trong thời gian và ở bình diện hiện tượng luận.Ý thức cấp hai là chiều sâu của ý thức, nó có năng lực đọc được sự vật trong trạng thái “sự thống nhất nguyên thủy ở trạng thái tuyệt đối chưa phân hóa của chúngvà ở phía sau, phía bên kia của sự vật đã đa dạng hóa thành những hiện tượng”, nó đọc được “cơ sở văn bản phi hiện tượng, siêu hình và chưa đa dạng hóa của chúng"3 Cách mà Bùi Giáng khuyên người đọc đến với văn bản ở đây thuộc về trường hợp thứ hai, đến bằng vô thức và ý thức. Khi đó tiếp nhận văn học như một hoạt động đối thoại “muốn bàn tới thơ, diễn dịch thơ, người ta chỉ có thể làm một bài khác”. Thông qua sự va chạm với vô thức và ý thức tác giả  thể hiện nơi văn bản, người đọc nắm bắt được những lóe sáng của trực giác, cảm thức về ý nghĩa văn bản. Đó là: văn bản khác  trong sự chiếm lĩnh của người đọc, có giá trị thanh lọc tinh thần, tâm hồn.

Không thể có lối chiếm đoạt hoàn toàn văn bản một cách chủ định như lối nghĩ truyền thống khi đến với tác phẩm văn chương,ông nói: “Đi vào cõi thơ. Thế nghiã là? Có một cõi và một cuộc đi, cuộc đi có nhiều thể thái. Có thể theo lối chu du của ông Khổng Tử.

Có thể đi theo lối ngồi yên không rục rịch suốt bao diên trường tuế nguyệt dưới một gốc cây bồ đề theo lối Như Lai. Cũng có thể đi theo lối anh lùa bò vào đồi sim trái chín4. “Đi như vậy dù sao thì dù, cũng là trong ý hướng mở cõi ra chơi. Không ai buộc ai phải theo ý của riêng độc đoán của ai… đã gọi là mở cõi thì chẳng nên khép miền. Nghĩa là …tránh cái lối bưng bít (…). Đó là điều kiện cần và đủ, không buộc ai phải đi qua miên bạc bình sinh.” [7, tr.482]. Vẫn bằng lối nói hình tượng, nhìn nhận trên của Bùi Giáng tỏ ra khá gần với lý luận văn học hiện đại và hậu hiện đại với những khám phá về yếu tố người đọc tích cực và văn bản văn học. Thông diễn học hiện đại với các quan điểm của M.Heidegger, G. H.Gadamer, Mỹ học tiếp nhận với các nhà lý luận W.Iser, H. Robert  Jauss thừa tiếp thành tựu triết học về ngôn ngữ và triết học Hiện tượng học của chủ nghĩa hiện sinh đi đến hình thành lí thuyết tiếp nhận hiện đại. Các nhà lý luận hiện đại, hậu hiện đại quan niệm tác phẩm văn học như là  quá trình5, luôn chờ đón người đọc đến đối thoại để hiện thể chính nó. Người đọc ở mỗi trường hợp đến với tác phẩm là thực hiện một cuộc giao tiếp  giữa toàn thể cái thế giới vô thức và ý thức của bản thân với văn bản, nơi hiện thể toàn bộ cái vô thức và ý thức của tác giả. Mỗi người đọc có một trình độ tiếp nhận nhất định, trường phái Mỹ học tiếp nhận Konstanz6 gọi là tầm đón nhận. Ở mỗi thời đại khác nhau, người đọc có những quan điểm, thiên kiến khác nhau.Vì vậy quá trình tiếp nhận tác phẩm ở mỗi người đọc cũng khác nhau.Như thế, kết quả giải mã và hiển thị giá trị của tác phẩm trong lịch sử tiếp nhận trên trục thời gian đồng đại và lịch đại mới làm nên giá trị thực tại của nó.

Đối sánh với quan điểm của lý luận văn học hiện đại phương Tây về hai trong các yếu tố then chốt của hệ thống văn học, dễ nhận thấy quan niệm văn học của Bùi Giáng có những điểm rất mới mẻ, độc đáo đồng thời gần gũi và thích hợp về các yếu tố cơ bản của văn học (Nhà văn- Tác phẩm -Người đọc) với lý luận văn học thế giới đương đại. Ông cho rằng tiếp nhận tác phẩm văn học là hoạt động chủ động của mỗi người đọc (cuộc đi có nhiều thể thái). Mỗi người đọc khác nhau (có thể hiểu là: khác tầm hiểu biết về thể loại, hình thức, ngôn ngữ của tác phẩm, sở thích, sở trường, kinh nghiệm…) sẽ có cách và sự chiếm lĩnh khác nhau đối với tác phẩm. Theo đó, tác phẩm văn học (cõi thơ) được nhìn nhận như là một hệ thống mở (không bưng bít, khép miền), chứa đầy ẩn số. Nó kích thích sự đào sâu suy nghĩ, cảm nhận, tìm cách giải mã, lấp đầy chỗ “bất khả giải” tức thời của tác phẩm (thơ ca) và nó kéo dài ra đến vô hạn tùy theo sự nội cảm, trạng thái nhận thức và trình độ của chủ thể tiếp nhận. Người đọc ở những tầng bậc thẩm mỹ khác nhau sẽ lĩnh giải tác phẩm ở những điểm khả thủ khác nhau.

Lâu nay, đứng trước thế giới thi ca Bùi Giáng, người ta vẫn thường có tâm thế “kính nhi viễn chi”,cảm thấy như đứng trước một thế giới thơ ca luôn ở thế tràn bờ, không biên giới; thế giới được xây cất bởi thứ ngôn ngữ đầy khả biến như đời sống,chẳng hạn: Thử một lần đối diện thơ Bùi Giáng (Trương Vũ Thiên An), Một thử nghiệm đọc thơ Bùi Giáng (Khế Iêm), hoặc một sự ghi nhận khoáng đạt: Cuộc hòa giải vô tận: trường hợp Bùi Giáng (Nguyễn Hưng Quốc),…có lẽ điều đó xuất phát từ hiệu ứng của quan niệm thơ, cách làm thơ như đã thấy ở ông. Bùi Giáng có một quá trình tiếp xúc với hệ thống tư tưởng triết học hiện sinh phương Tây mà nền tảng của nó là hiện tượng học Husserl; ông đặc biệt yêu thích tư tưởng triết học của M.Heidegger và hệ thống tư tưởng phương Đông xưa cổ…Sự tiếp thông suối nguồn tư tưởng đó có thể nói đã dẫn đạo cho những suy tư văn học sâu sắc nói trên. Đây có thể xem là những đóng góp không nhỏ và độc lập của Bùi Giángtrong lĩnh vực lý luận văn học dân tộc. Ông thường nói: “Chúng ta quen thói ngong ngóng chạy đuổi theo mọi thứ trào lưu chủ nghĩa, chúng ta tuyệt nhiên không còn giữ một chút tinh tế cỏn con nào để thể hội rằng lục bát Việt Nam là một cõi thi ca hoằng viễn nhất, kỳ ảo nhất của năm châu bốn biển ba sông bảy hồ và(….) Cái thói học đòi vá víu thông thái đã âm thầm giết chết máu me thân thể chúng ta.7 Bùi Giáng luôn muốn giữ sự tôn quý và đề cao bản lĩnh dân tộc.

Vui thôi màlà câu ông thường nói khi được hỏi về việc làm thơ. Nói như đại thi hào Nguyễn Du, sáng tạo Truyện Kiều cũng chỉ để Mua vui cũng được một vài trống canh. Song, như đã biết, Bùi Giáng đã có khoảng 60 tác phẩm ở các thể loại  thơ, tạp văn, bàn luận về văn học và triết học; chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn chương thế giới (bằng tiếng Pháp, tiếng  Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng  Đức) sang Việt  ngữ. Tất cả đều theo một thể điệu riêng biệt của ông. Riêng thơ, ông có trên ngàn bài. Văn nghiệp Bùi Giáng đồ sộ vô cùng. Một mặt, ông nghĩ về thơ như một cõi vô ngôn. Mặt khác, nói về chức năng của thi ca, Bùi Giáng cũng nhìn nhận một cách nhẹ nhàng, kín đáo: Thơ tôi  làm là để tặng chuồn chuồn châu chấu.8 Như vậy phải chăng với thơ, ông không đặt nặng vấn đề vị nghệ thuật hay vị nhân sinh của thi ca - văn học? Thực tế, người làm thơ muôn thuở đều khao khát được người đời chia sẻ, vì đó là mục đích tự thân để thơ ca được thành tựu. Và sứ điệp của thơ ca bao giờ cũng hướng đến một cứu cánh nào đó cho cuộc đời.

Khi cho rằng làm thơ để tặng chuồn châu chấu thiết nghĩ là Bùi Giáng cần ở con người một thái độ vô cầu, vô ưu trước thế giới thi ca ông. Buông mặc cho tâm tưởng tan chảy vào thế giới vi diệu đó, người đọc sẽ bắt gặp được nhiều ý vị, tìm thấy không phải là những điều vĩ đại thì ít nhất cũng là một thoáng chốc bình yên giữa cõi phù sinh, tìm được niềm vui nho nhỏ để yêu, sống. Bùi Giáng đã nói đến chức năng của thơ(văn học) như một nhịp cầu để đồng điệu, tri âm giữa người với người, là nơi con người được giải trí và bồi bổ nhựa sống.

 2.2. Quan niệm về thi nhân

Bắt chước ông Khổng Tử

Con chim thì ta biết nó biết bay

Con cá thì ta biết nó lội

Thằng thi sĩ thì ta biết nó làm thơ

Nhưng thơ là gì thì đó là điều ta không biết

( Sa Mạc Trường Ca )

Bùi Giáng quan niệm về thi nhân - thi sĩ giản dị, tự nhiên như  bản mệnh đời sống vốn có: thi sĩ là người làm thơ. Bản thân ông sinh ra là để sống cho thơ và làm thơ. Nhiều thi sĩ xem ông là hóa thân của thi ca. Và cũng bằng một giọng điệu dị thường cố hữu, ông nhận định thêm về người làm thơ: Thi sĩ sinh ra như mọi người giữa cỏ cây ly kỳ và chết đi giữa ly kỳ gay cấn9. Vượt qua những định danh quen thuộc về sứ mệnh cao cả, lớn lao của người nghệ sĩ - chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, hay cách nhìn trên tinh thần lãng tử của các nhà Thơ mới: thi sĩ “là con chim đến từ núi lạ ngứa cổ hót chơi” (Xuân Diệu), “Thi sĩ không phải là người. Nó là Người Mơ, Người Say, Người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tinh, Là Yêu. Nó thoát Hiện tại. Nó xối trộn Dĩ vãng. Nó ôm trùm Tương lai. Người ta không hiểu được nó vì nó nói ra những điều vô nghĩa, tuy rằng những cái vô nghĩa hợp lý (Chế Lan Viên)Với Bùi Giáng, người làm thơ trước hết là một con người đến với mảnh đất trần gian nhiều quyến rũ và gay cấn này để sống trọn, uống trọn  những mật ngọt lẫn đắng cay của cuộc đời và bằng một tinh thần vô ưu,vô cầu:Tôi lớn lên giữa linh hồn cỏ mọc để cháy  hết mình, tận quyết-chết - với thiên chức làm thơ của nó đến trọn đời. Cái chết ở đây được hiểu trên tinh thần của câu nói: Nếu người không chết trong cuộc tại thế thì người sẽ mất tích sau khi qua đời. Thi sĩ Bùi Giáng, kẻ đã chết trong cuộc tại thế này như chính thi sĩ nói: Tôi sống trong cơn dại cơn điên. Tôi làm thơ trong cơn điên cơn dại. Nghĩa là tôi chết hai ba lần trong trận sống đã đặt yêu cầu rất thiêng liêng, cao cả đối với con người mang hai tiếng: thi nhân. Nhà thơ Holderlin từng kì vọng và tôn xưng: Con người sống trên mặt đất này, như một thi sĩ. Thi sĩ là người vinh hạnh đại diện trên hết cho vẻ đẹp rực rỡ của loài  hoa đất  trên hành tinh xanh. Với Bùi thi sĩ, có thể nói ông là bảo chứng trọn vẹn cho chính định nghĩa đó. Và nói như nhà thơ Huy Tưởng: Ông là người… Tận hiến hết cả đời mình cho Duy-nhất Thơ-ca10. Nguyễn Hữu Hồng Minh thì gọi Bùi Giáng là “Người Thơ” bởi: Thơ với cuộc đời tiên sinh như đã được quán luận, được thực hành như một Đạo.Đạo Thơ.[8,tr.432,433].

3.Qua hai tác phẩm lý luận chính: “Thi ca tư tưởng” và “Đi vào cõi thơ”, các quan điểm văn học của Bùi Giáng được nêu lên khá hệ thống, mang nhiều hạt nhân mới mẻ, hiện đại,có tính đột phá và độc lậptrong quan niệm về thi ca (tác phẩm), về thi nhân (tác giả), về cách tiếp nhận tác phẩm văn chương (cách đọc), về ngôn ngữ thơ so với quan niêm văn học truyền thống; có những gợi mở đáng chú ý về người đọc và tác phẩm gần gũi với quan niệm của các nhà lý luận văn học thế giới đương đại11. Đi qua bao vùng trời tư tưởng Đông-Tây, kim-cổ, với sự tham chiếu, soi rọi nhau giữa những tư tưởng triết - mỹ Đông Tây từ cổ điển đến hiện đại đó, Bùi Giáng đã tìm thấy được những điểm khả thủ về bản chất của thơ ca, nghệ thuật; thấy được bản chất sự sáng tạo và tiếp nhận văn học tương ứng với quan niệm thơ ca, nghệ thuật đó. Sự nghiệp sáng tạo thơ ca Bùi Giáng dựa trên nền tảng quan điểm văn học đích thực cũng đã thu được những thành tựu rực rỡ, góp phần đưa thi ca dân tộc bước vào lộ trình hiện đại hóa và nhập cuộc cùng thế giới trên cả bình diện lí luận và sáng tác. Hiện tại, từ hiệu năng của lí luận sáng tạo văn chương mới mẻ, thế giới thi ca Bùi Giáng đã trở thành một hệ thống mở đã, đang được cộng thông và lan tỏa nhiều trong đời sống Việt trong nước12 và ngoài nước và vẫn còn sức vẫy gọi những người đọc đồng sáng tạo ở phía trước.

 

 

1.  Chữ dùng của nhà nghiên cứu triết học, dịch giả Bùi Văn Sơn Nam.

 2. Vị trí dẫn đầu về kiểu nhà thơ “kì dị” nửa

 đầu thế kỉ XX được Chế Lan Viên ghi nhận thuộc về thi sĩ Hàn Mặc Tử.

3 Dẫn theo  Hoàng Ngọc Hiến, Lời giới thiệu Minh triết phương Đông và triết học phương Tây,NXB Đà Nẵng,tr49.

4  Tên một bài thơ trong tập Mưa Nguồn  của Bùi Giáng.

5Tên một tác phẩm lí luận văn học của GS- TS Trương Đăng Dung.

6  Trường phái lí luận văn học Konstanz (Đức) xuất hiện vào cuối những năm 60 đầu những năm 70 thế kỉ XX với  đại diện: Hans Robert Jauss.

7Đoàn Tử Huyến, tài liệu đã dẫn, tr 479;

 8  Bùi Giáng, tài liệu đã dẫn, tr 34.

9 Dẫn theo Đoàn Vị Thượng,Thể thao & Văn hóaBùi Giáng: Người tiên lạc bước hồng trần, Thứ bảy, 30 Tháng 10 2010 09:00

10   Lời nhà thơ Huy Tưởng  đọc trước mộ  Bùi Giáng.

11 Bùi Giáng viết độc lập các tác phẩm Thi ca tư tưởng, Đi vào cõi thơ…vào thời điểm những năm của thập niên 60-70 thế kỉ XX, cùng thời điểm các trường phái lí luận Thông diễn học hiện đại, Mỹ học tiếp nhận ra đời ở châu Âu.

12 Hiện nay, thơ Bùi Giáng đang được quan tâm nghiên cứu rộng rãi, liên tục trong  môi trường  học thuật ở các trường đại học và trong đời sống.

Tài liệu tham khảo

 [1]    Đoàn Tử Huyến (2008), Bùi Giáng trong cõi người ta, Đi vào cõi thơ, NXB Lao động - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây. 

 [2]   Bùi Giáng (1969),Thi ca tư tưởng, NXB Ca Dao, Sài Gòn.

 [3],[6] Bùi Công Khanh (2005), Bùi Giáng trong tôi, NXB Văn Nghệ,T.p HCM.

 [4]  Hồ Thế Hà (2007), Những khoảnh khắc đồng hiện, Khoảng lặng của ngôn từ thơ hay tín hiệu của  cái nhạt trong thi ca,NXB Văn học.

 [5] Nhiều tác giả (1999),Tưởng Nhớ Thi Sĩ Bùi Giáng, NXB Trẻ.

 [7]  Đoàn Tử Huyến (2008), Bùi Giáng trong cõi người ta, Bùi giáng - hồn thơ bị vây khổn, NXB Lao động - Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây.

 [8] Đoàn Tử Huyến (2008), Bùi Giáng trong cõi người ta, Bùi Giáng “Người thơ” cuối cùng của thế kỉ 20, NXB Lao động - Trung tâm văn hóa ngôn ngữ  Đông Tây.


Theo Đoàn Thị Minh Trà - VHNA

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng