Độc giả Việt Nam yêu trinh thám mấy năm qua hẳn không còn xa lạ với nhà văn người Pháp Michel Bussi qua các tác phẩm dịch "Hoa súng đen", "Mẹ đã sai rồi", "Xin đừng buông tay". Hai bản dịch mới nhất của tác phẩm của "ông hoàng đương đại của trinh thám Pháp” là "Vết khắc hằn trên cát" và "Kho báu bị nguyền rủa", vừa tiếp tục được giới thiệu tại Việt Nam.
Nhân dịp ra mắt bản dịch hai tác phẩm Vết khắc hằn trên cát và Kho báu bị nguyền rủa, Nhã Nam phối hợp với Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội (L’Espace) tổ chức tọa đàm “Michel Bussi - Ông hoàng đương đại của trinh thám Pháp” để bạn đọc yêu thích văn học trinh thám có thể trò chuyện, chia sẻ, trao đổi về tác giả người Pháp thú vị này. Tọa đàm diễn ra vào 18h ngày 16.7, với sự tham gia của hai diễn giả: Nhà văn trinh thám Di Li và người sáng lập câu lạc bộ Hội thích truyện trinh thám Nam Đỗ.
Michel Bussi, sinh ngày 29.4.1965 tại Louviers, tỉnh Eure, là nhà văn, nhà nghiên cứu chính trị, giảng viên Địa lý tại Đại học Rouen, ông điều hành Khoa Nghiên cứu Hỗn hợp của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp tại đây cho đến tận năm 2016. Tháng 1.2019, theo bảng xếp hạng GFK của báo Le Figaro, ông là nhà văn Pháp có lượng sách bán ra nhiều thứ hai (gần một triệu bản năm 2018). Tên ông được đưa vào bảng xếp hạng này từ năm 2014 ở vị trí thứ tám, năm 2015 ở vị trí thứ năm và năm 2017 ở vị trí thứ hai.
Khi đang ở ngưỡng tuổi ba mươi, Michel Bussi đã khởi sự viết cuốn tiểu thuyết Vết khắc hằn trên cát với một tâm thế không phụ thuộc vào bất cứ quy tắc viết trinh thám nào. Dù không phải là một tiểu thuyết trinh thám hoàn hảo, nhưng Bussi từng thừa nhận rằng đây chính là quyển sách có vị trí đặc biệt nhất trong sự nghiệp văn chương của mình. Mang dáng dấp của tác phẩm đầu tay, Vết khắc hằn trên cát có một phong cách khác biệt so với phần lớn những tác phẩm khác của Bussi. Nếu như phong cách đặc trưng của Bussi là thiết kế những tuyến truyện song song, độc lập ngay từ đầu với nhau và dần dần hé mở những mảnh ghép của sự thật cuối cùng, thì tác phẩm này lại được viết theo trình tự thời gian và có một mạch truyện xuyên suốt.
Tác phẩm thứ năm của Michel Bussi được dịch ở Việt Nam là Kho báu bị nguyền rủa. Câu chuyện kể về Leyli, một phụ nữ Mali, và hành trình vượt biên sang châu Âu của chị, một hành trình không có hồi kết. Michel Bussi lại giăng ra những cái bẫy, việc mà ông vốn đã là bậc thầy, khiến độc giả phải không ngừng nghi vấn, không ngừng suy đoán cho tới tận tiết lộ cuối cùng.
Có thể nói, Michel Bussi gắn phần lớn những tác phẩm của mình với địa danh Normandie nơi ông làm việc và sinh sống, nhưng mỗi một cuốn sách đều mang những chủ đề riêng biệt. Chính những chủ đề hấp dẫn trải rộng từ gia đình, tình mẫu tử, lịch sử văn hóa đến hội họa, kết hợp với cách sắp đặt các mảnh ghép sự thật một cách tài tình đã giúp Michel Bussi tạo nên giá trị cho các tác phẩm của mình, góp phần đẩy tên tuổi của ông lên hàng đầu làng văn chương trinh thám Pháp.