Thẩm phán ca ngợi câu chuyện Some Kids I Taught and What They Taught Me (tạm dịch: Những đứa trẻ tôi dạy và những điều chúng dạy tôi) của Kate Clanchy là câu chuyện cảm động, hài hước và tràn đầy yêu thương.
Kate Clanchy sinh năm 1965 (55 tuổi) là một nhà thơ, nhà văn, nhà giáo, người có hơn 30 năm hoạt động trong lĩnh vực giảng dạy ở London, Scotland, Essex và Oxford. Bằng tất cả trải nghiệm về nghề giáo của mình, tác phẩm của cô đã đánh bại các cây bút Robert Macfarlane và Amelia Gentleman để giành giải thưởng trị giá 3.000 bảng Anh (gần 88 triệu VNĐ).
Trước đó, Kate Clanchy có tập thơ giành giải Forward Prize; truyện ngắn The Not-Dead and the Saved (tạm dịch: Người không chết và người được giải cứu) đạt giải thưởng truyện ngắn quốc gia BBC 2009 và Giải thưởng tưởng niệm VS Pritchett.
Các thẩm phán giải thưởng năm nay nhận xét, Some Kids I Taught and What They Taught Me đã cho thấy, Kate Clanchy là một nhà văn, nhà giáo trung thực khi viết về lĩnh vực giáo dục – một đề tài liên quan đến nhiều con người, nhiều tầng lớp và những vấn đề sâu rộng. Các câu chuyện về học sinh và cách cô ấy dạy dỗ học sinh của mình vô cùng cảm động, hài hước, tràn đầy tình yêu cũng như thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về xã hội nước Anh.
Trong bài phát biểu nhận giải của mình, Kate Clanchychia sẻ: “Rất nhiều giáo viên trong trường học không được coi trọng, không như những chính trị gia, trí thức hay người nghệ sĩ. Vì vậy, khi giành được giải thưởng “biến một tác phẩm chính trị thành một tác phẩm nghệ thuật” này có ý nghĩa rất lớn với tôi và hi vọng sẽ có ý nghĩa với các giáo viên khác. Một điều mà đại dịch đã cho chúng ta hiểu hơn về vai trò quan trọng của nghề giáo. Các trường học là các cộng đồng, và nếu không có giáo viên giảng dạy sẽ tạo ra những lỗ hổng lớn trong xã hội. Đây là một giải thưởng trong tất cả các giải tôi muốn có”.
Some Kids I Taught and What They Taught Me viết về nhiều vấn đề giáo dục, như cách tác giả muốn mọi người thay đổi suy nghĩ về môi trường trường học, vấn đề tính dục, giới tính, màu da, sự phân biệt chủng tộc, địa vị, tầng lớp…
Kate Clanchy cũng trung thực thừa nhận định kiến của chính mình, cách cô ấy vượt qua những định kiến và giữ định kiến lại. Cô tin rằng sau khi dạy rất nhiều học sinh đến từ nhiều quốc gia khác nhau, cô đã không phân biệt chủng tộc và đánh giá sự khác biệt giữa các màu da. Cô cũng nhìn nhận một số vấn nạn tiêu cực trong nghề giáo, nhưng nhìn chung, cô vẫn tôn vinh nghề giáo – một công việc đầy sáng tạo, đam mê và vô cùng thực tế.
“Đây là cuốn sách hay nhất về giáo viên và trẻ em tôi đã từng đọc… Tôi hi vọng nó sẽ trở thành cuốn sách bán chạy nhất, có thể dễ dàng tìm kiếm trong phòng làm việc của giáo viên, được học sinh và đông đảo mọi người tìm đọc”, tiểu thuyết gia người Anh Philip Pullman - cho biết.
Bên cạnh đó, giải thưởng Orwell 2020 hạng mục tiểu thuyết năm nay thuộc về nhà văn, nhà báo gốc Phi Colson Whitehead với tác phẩm The Nickel Boys (tạm dịch: Những chàng trai Nickel). Câu chuyện đã giành giải Pulitzer năm nay và được ca ngợi là “cuộc thám hiểm giản dị nhưng vô cùng tàn khốc về vấn đề lạm dụng”, đó còn là câu chuyện “mạnh mẽ về sự kiên trì, phẩm giá và sự cứu rỗi của con người”. Trước đó, Colson Whitehead, 50 tuổi, được biết đến là tác giả của những thử nghiệm mới lạ, đắm chìm trong lịch sử và văn hóa dân gian Mĩ.
Giải thưởng Orwell 2020 dành cho báo chí đã trao cho nhà báo Janice Turner của tờ Times với các bài viết về nạn buôn người. Giải thưởng Orwell cho Tác phẩm phơi bày tệ nạn nước Anh trao cho nhà báo Ian Birrell, người viết về trẻ em và thanh thiếu niên mắc chứng tự kỉ, bệnh tâm thần và hệ thống chăm sóc sức khỏe của Ý.