Tạp chí Sông Hương -
Lối đi mới cho nghệ thuật
15:40 | 17/07/2020

Giữa khủng hoảng bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nghệ thuật vẫn cất lên tiếng nói quan trọng. Các không gian sáng tạo, nghệ sĩ đã tìm ra những ý tưởng mới, suy nghĩ mới để đưa nghệ thuật đến với công chúng, giữ cho đời sống văn hóa đương đại cân bằng.

Lối đi mới cho nghệ thuật
Chia sẻ trải nghiệm, đúc kết, ý tưởng của nghệ sĩ, tổ chức không gian sáng tạo nhằm tìm ra hướng đi mới cho hoạt động nghệ thuật

Ứng phó với thay đổi

Hòa nhạc và hàng loạt lễ hội bị hủy, buổi ra mắt sản phẩm âm nhạc bị hoãn, rạp chiếu phim buộc phải đóng cửa… Covid-19 đã tác động mạnh tới ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Hơn hai tháng qua, các hoạt động nghệ thuật ở Việt Nam dần trở lại, nhưng trên thế giới, câu chuyện này vẫn chưa hết nóng trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp. Chiều 10.7, hội thảo trực tuyến “Cộng sinh hiệu quả và ứng phó với thay đổi/thử thách - Chia sẻ hợp tác nguồn lực trong điều kiện Việt Nam” được tổ chức nhằm chia sẻ trải nghiệm, đúc kết, ý tưởng của nghệ sĩ, tổ chức không gian sáng tạo trước những vấn đề khách quan. Các thử thách và thay đổi được đặt ra không kể dịch bệnh, mà đó có thể là hết nguồn tài trợ, mất địa điểm, thay đổi về đường hướng phát triển, thay đổi nhân sự, thay đổi môi trường, văn hóa hoạt động... Trước tình hình như vậy, hoạt động nghệ thuật nếu không muốn dừng lại thì nên đi theo hướng nào?

Từ tâm dịch châu Âu, nghệ sĩ opera Italy gốc Israel Nofar Yacobi chia sẻ về hoạt động âm nhạc được chị khởi xướng thời gian qua. The Musical Solidarity Project là dự án toàn cầu với sự tham gia của một dàn nhạc và hợp xướng online gồm 500 nghệ sĩ biểu diễn, 16 chuyên gia ngôn ngữ ký hiệu, 55 nhà hát opera, dàn nhạc giao hưởng, các tổ chức văn hóa từ 65 quốc gia. Các nghệ sĩ cùng thể hiện đoạn điệp khúc “Những người nô lệ Do Thái” trong vở opera “Nabucco” của nhà soạn nhạc Italy Giuseppe Verdi. Đó là khúc hát của những người mong mỏi tự do và một tương lai tốt đẹp hơn - một biểu tượng của hy vọng, đoàn kết trên toàn thế giới. “Italy là đất nước xinh tươi với những nhà hát rất đẹp. Nhưng tình hình đã thay đổi khi các buổi hòa nhạc phải hoãn vô thời hạn. Giãn cách xã hội khiến mất dần sự kết nối, chúng ta gần như chỉ ở trong bốn bức tường nhà. Điều đó khiến tôi suy nghĩ phải làm gì để kết nối với mọi người. Tôi chọn cách thay vì ngồi một chỗ và chờ đợi thì kêu gọi cùng nhau giải quyết vấn đề này”.

Câu chuyện khác đến từ nghệ sĩ thị giác, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn về Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân (đưa nghệ thuật cải tạo con đường bờ sông Hồng, đoạn phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Hoàn thành vào tháng 2.2020, nhưng do thực hiện giãn cách xã hội, dự định giới thiệu thành quả của Dự án một cách rộng rãi đến công chúng liên tiếp bị hoãn, hủy. Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn và nhóm nghệ sĩ đã thực hiện buổi trò chuyện, thảo luận trực tuyến trên nền tảng Zoom, thu hút lượng lớn khán giả. Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn cho biết: “Trong thời điểm dịch, chúng tôi hầu như không thể nhận được nguồn kinh phí tiếp theo cho Dự án, vì nhà tài trợ hầu như đều gặp vấn đề. Nhưng cũng không thể để đổ công sức xuống sông xuống bể. Chúng tôi tổ chức trò chuyện trực tuyến. Ngoài những người ở Việt Nam như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Huế, có cả người yêu nghệ thuật ở Hà Lan, Nhật Bản. Nhờ lợi thế của công nghệ, mọi người có thể chia sẻ trên màn hình những hình ảnh, phim, tư liệu để khán giả có thể theo dõi trực quan”.

Kết nối sáng tạo

Theo nghệ sĩ Nofar Yacobi, nghệ thuật, trong đó có âm nhạc, là cây cầu để kết nối trong bất cứ hoàn cảnh nào. Khi không gian chung để kết nối và trò chuyện trở nên có giới hạn, nghệ sĩ phải đứng trước hai lựa chọn: Đổ lỗi cho nghịch cảnh hoặc tận dụng nghịch cảnh như là cơ hội để sáng tạo và kết nối. “Hơn ai hết, nghệ sĩ là những người có khả năng đầu tiên tiếp cận nghệ thuật, thông qua văn hóa để xóa đi rào cản, khó khăn. Để thực hiện dự án của mình, chúng tôi tìm đến các nền tảng chủ yếu trên thế giới, gửi từng email kêu gọi hỗ trợ của các nghệ sĩ từng quốc gia, gọi điện tới nhà hỗ trợ và tình nguyện viên... Kết quả không chỉ là thực hiện dự án âm nhạc thành công, mà giờ đây, chúng tôi còn có một mạng lưới kết nối lớn trên toàn cầu”.

Thách thức còn ở phía trước nhưng các kênh kết nối nghệ sĩ với nhau, nghệ sĩ với công chúng đang mở ra lối đi mới. “Lối đi” ấy đã là cách làm của một số không gian sáng tạo ở Việt Nam. Dẫn chứng câu chuyện về cách vượt qua đợt cao trào của đại dịch, Đỗ Sơn Dương - nhà sáng lập và điều hành Toong cho biết, mấu chốt của vấn đề là tìm ra năng lượng sáng tạo. Thành lập từ tháng 8.2015, là chuỗi không gian làm việc chung đầu tiên ở Việt Nam, Toong ưu tiên dành nguồn lực đáng kể để tổ chức và truyền thông các hoạt động văn hóa nghệ thuật đa dạng. Dịch Covid-19 bắt đầu ở Việt Nam, khi phần lớn các đơn vị khác chọn cách cắt giảm yếu tố liên quan đến đời sống văn hóa tinh thần, thì Toong vẫn tăng cường tạo dựng môi trường thúc đẩy sáng tạo. Ví dụ, trong đại dịch, Toong đã chuẩn bị cho việc tổ chức chuỗi triển lãm lưu động “Rục rà rục dịch” (từ 18.5 - 6.7) ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tại 11 không gian, với hơn 60 tác phẩm, thuộc gần 10 loại hình nghệ thuật, được đóng góp bởi hơn 40 nghệ sĩ. “Đại dịch đã làm tất cả thành tố trong sáng tạo như nhà đầu tư, nghệ sĩ, công chúng... cởi mở hơn, tìm không gian hợp tác khác nhau để thực hiện công việc ý nghĩa, tạo ra năng lượng mới cho nghệ thuật”.

Dựa trên kinh nghiệm đồng hành với một số dự án nghệ thuật công cộng, nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn cho rằng, bất chấp thách thức khách quan đặt ra, dường như vẫn luôn có những con đường để nghệ sĩ đến được với công chúng. “Như nghệ thuật đương đại, nghệ thuật công cộng ở Việt Nam đã khác trước đây. Không gian sáng tạo vẫn luôn rộng mở, cho cơ hội để được thực hành nhiều hơn, vấn đề chiếm lĩnh được hay không còn phụ thuộc vào tài năng của nghệ sĩ”.

 
Theo Thái Minh - ĐBND
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng