Tạp chí Sông Hương -
Giới thiệu bộ sách văn học phi hư cấu của nữ tác giả đoạt giải Nobel
14:32 | 24/07/2020

5 năm sau khi nữ tác giả Svetlane Alexievich nhận giải Nobel văn học cho những cuốn sách thuộc thể loại phi hư cấu, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, bằng sự nỗ lực lớn đã tiếp tục giới thiệu các tác phẩm của bà. Hai cuốn sách được dịch và giới thiệu mới là “Những nhân chứng cuối cùng” và “Những cậu bé kẽm” do dịch giả Phan Xuân Loan thực hiện.

Giới thiệu bộ sách văn học phi hư cấu của nữ tác giả đoạt giải Nobel
Các dịch giả tham gia chia sẻ với bạn đọc trong tọa đàm tại Đường sách Nguyễn Bình hôm 18/7/2020. - Ảnh: TL

Cũng trong dịp này, một tọa đàm về những cuốn sách của nữ tác giả người Belarus cũng đã được tổ chức với sự chia sẻ của các dịch giả Phan Xuân Loan và Phạm Ngọc Thạch. Tọa đàm vừa diễn ra tại Đường sách Nguyễn Bình, Q1, TP Hồ Chí Minh với tên gọi “Những giọng nói không tưởng”.

3/5 cuốn sách trong bộ sách đoạt giải của Svetlane Alexievich được dịch mới và in lại có chỉnh sửa bổ sung với tinh thần lao động nghiêm cẩn và cầu thị từ các dịch giả bởi Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam - Đơn vị tổ chức buổi tọa đàm. Hai cuốn do dịch giả Phan Xuân Loan thực hiện là “Những nhân chứng cuối cùng” và “Những cậu bé kẽm”. Cuốn thứ ba, “Lời nguyện cầu từ Chernobyl” trước đây đã được dịch giả Nguyễn Bích Lan chuyển ngữ và giới thiệu, tuy nhiên, do một số lí do mà chị chưa tiếp cận được bản thảo gốc tốt nhất, toàn vẹn nhất từ tác giả. Về điều này, đại diện Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cho biết: Năm 2016, “Lời nguyện cầu từ Chernobyl” được dịch giả Nguyễn Bích Lan chuyển ngữ từ bản dịch tiếng Anh mang tên “Voices from Chernobyl” của Keith Gessen, dựa trên nguyên tác được phát hành năm 1997. Năm 2013, tác giả Svetlana Alexievich đã cho tái bản tác phẩm này với sự chỉnh sửa, bổ sung đáng kể: cụ thể, bà đã bổ sung một chương tác giả tự phỏng vấn bản thân và phần “Thay cho lời kết” cùng một số câu, đoạn trong các cuộc độc thoại; bà cũng thay đổi hầu hết tên các cuộc độc thoại trong tác phẩm. Bởi thế, bản dịch tiếng Việt từ bản tiếng Anh của Keith Gessen mà Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành năm 2016 không có phần chỉnh sửa - cập nhật này”. Sau đó, tiếp thu ý kiến của độc giả, “sự cố” đã được khắc phục và một bản dịch hoàn thiện, sát tinh thần của tác giả hơn được phối hợp thực hiện bởi chính dịch giả Nguyễn Bích Lan cùng dịch giả Phạm Ngọc Thạch, vốn là một chuyên gia dầu khí và cũng là một dịch giả tiếng Nga quen thuộc. Trong dịp này, cùng với sự ra mắt 2 tác phẩm mới của Svetlana Alexievich, Nhà xuất bản Phụ nữ đã in lại bản dịch mới của “Lời nguyện cầu Chernobyl”, với tinh thần trung thành hết mức có thể với nguyên tác và phần cập nhật đầy đủ.

Những cuốn sách của Svetlana Alexievich được phát hành và giới thiệu bởi Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam. - Ảnh: TL


Nhất quán về bút pháp với thể loại văn xuôi tư liệu của bộ sách “Những giọng nói không tưởng”, trong “Những nhân chứng cuối cùng”, Svetlana Alexievich chọn cách ghi lại lời những “nhân vật trẻ em” khi họ đã trưởng thành. Đây là một công việc hết sức khó khăn. Và tác giả đã làm như thế với cả trăm câu chuyện trẻ thơ, được kể lại bởi những người mà khi Chiến tranh Vệ quốc nổ ra, họ mới từ 4, 5 đến 12 tuổi. Hơn một trăm câu chuyện của những đứa bé sống ở Belarus – nằm sát biên giới Ba Lan, là nước đầu tiên trong khối Liên bang Xô viết bị phát xít Đức bất ngờ tấn công ngày 22/6/1941 đã được tái hiện trong cuốn sách.

“Người Nga chưa bao giờ lãng quên những năm tháng nặng nề nhất với số phận dân tộc mình. Bảy mươi hai năm sau khi chiến tranh kết thúc, những tượng đài vẫn tiếp tục được lưu dấu. Bởi những người cựu binh của cuộc Chiến tranh Vệ quốc đã già lắm rồi, họ đến dự cuộc duyệt binh Chiến thắng mỗi năm một thưa dần. Con cháu họ cũng đã lớn, kí ức của các nhân chứng ngày càng ít đi này đang dần phôi phai. Và ở thế giới vẫn còn chiến tranh của chúng ta, những câu chuyện của các “nhân chứng cuối cùng” này, được gia cố thêm bằng những tượng đài kia, là một nỗ lực nhắc nhở”, dịch giả Phan Xuân Loan chia sẻ.

Còn “Những cậu bé kẽm” lại được nữ dịch giả này mô tả như “một lịch sử khác, một lịch sử được viết lại bằng câu chuyện của những người lính trở về từ chiến tranh và những người mẹ nhận con trở về từ những quan tài kẽm”.

Dịch giả Phan Xuân Loan kí tặng sách cho độc giả sau tọa đàm. - Ảnh: TL


Có thể nói, bộ sách của Svetlana Alexievich đã đề cập trực diện đến những vấn đề của nhân loại. Và việc Ủy ban Nobel lần đầu tiên vinh danh những tác phẩm ở thể phi hư cấu cũng đã mang lại những nhìn nhận mới về thể loại này.

Coi đây là hoạt động quan trọng nhất của đơn vị mình năm 2020, Bà Khúc Thị Hoa Phượng – Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đánh giá về bộ sách: “Đây là loạt sách khiến nhân loại phải "rúng động" với hàng ngàn bài phỏng vấn các nhân chứng và những người trong cuộc... của những sự kiện bi thảm nhất của nước Nga, cũng là của nhân loại… như Chiến tranh thế giới thứ hai, Chiến tranh Xô viết - Afghanistan, sự sụp đổ của Liên Xô, thảm họa hạt nhân Chernobyl...”.

Việc dịch và giới thiệu những tác phẩm của Svetlana Alexievich tại Việt Nam có ý nghĩa lớn và mang lại những ảnh hưởng nhất định về khuynh hướng viết phi hư cấu trong một số tác giả Việt Nam thời gian gần đây, cũng như việc nhìn nhận về thể loại này tại Việt Nam trong bạn đọc và giới phê bình văn học.

Độc giả đến với sự kiện giới thiệu sách "Những giọng nói không tưởng". - Ảnh: TL


Vực dậy các hoạt động xuất bản và giới thiệu tác phẩm văn học là một khó khăn không chỉ với Việt Nam trong tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp trên toàn thế giới. Ngành xuất bản đóng băng và gặp những trở ngại về kinh doanh khi các hội chợ sách và hoạt động giới thiệu sách đều bị hoãn hoặc hủy. Có thể nói việc phát hành, giới thiệu cũng như tiến hành quảng bá các tác phẩm của Svetlana Alexievich là một nỗ lực của Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam trong việc kết nối với bạn đọc ở thời điểm hiện nay.
 

Tác giả Svetlana Alexievich.

Loạt sách 5 cuốn từng được nhận giải thưởng Nobel Văn chương năm 2015 của nữ nhà văn Svetlana Alexievich gồm: “Chiến tranh không có gương mặt phụ nữ” (1983), “Những nhân chứng cuối cùng” (1985), “Những cậu bé kẽm” (1989), “Lời nguyện cầu Chernobyl” (1997) và “Thời Second Hand” (2013). Trước đây, “Chiến tranh không có gương mặt phụ nữ” đã được Nhà sách Tao Đàn dịch và giới thiệu. Hiện còn cuốn “Thời Second Hand” dù đã có bản quyền nhưng đơn vị xuất bản chưa xin được giấy phép xuất bản tại Việt Nam.


Theo Hải Hồ - VNQĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng