Tạp chí Sông Hương -
Ngành xuất bản gồng mình qua mùa dịch
09:26 | 19/08/2020

Những khó khăn từ đợt dịch Covid-19 hồi đầu năm còn chưa kịp khắc phục, ngành xuất bản trong nước đang phải đối diện với đợt dịch tái bùng phát. Giải pháp nào cho ngành xuất bản trong giai đoạn hiện nay?

Ngành xuất bản gồng mình qua mùa dịch
Độc giả đến nhà sách đều phải thực hiện đo nhiệt độ và rửa tay sá khuẩn

Giảm số lượng in

Thời điểm hiện tại, mọi hoạt động giao lưu giới thiệu và quảng bá sách mới gần như bị đóng băng. “Mục tiêu tăng trưởng của Omega trong năm 2020 chắc chắn là không đạt được. Hy vọng nó sẽ duy trì được ở mức của năm 2019 thì đó đã là một thành công. Tôi cho rằng, các tổ chức khác cũng có tình hình tương tự”, ông Vũ Trọng Đại, Giám đốc Công ty sách Omega Việt Nam, cho biết.

Giống như nhiều ngành nghề khác, doanh thu của các đơn vị xuất bản trong 2 đợt dịch vừa qua đều giảm, dù đã rất nỗ lực “vượt khó” bằng nhiều giải pháp như đẩy mạnh bán sách trực tiếp, hợp tác với các kênh thương mại điện tử… Tuy nhiên, những giải pháp trên cũng chỉ hỗ trợ được một phần nào đó. Theo tiết lộ, doanh thu của Omega trong thời điểm vừa rồi chưa đến 50%; còn doanh thu 6 tháng đầu năm của NXB Tổng hợp giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, hiện các đơn vị xuất bản đang phải đối mặt với một vấn đề quan trọng không kém, đó chính là đầu ra cho sách. Theo một người trong nghề, công tác phát hành sách hiện đang chững lại, các đơn vị phát hành lớn gần như chỉ nhập sách để duy trì mối quan hệ hoặc lựa chọn những đầu sách mà họ thấy có khả năng bán được. Chưa kể, một số đơn vị phát hành còn đề nghị giãn nợ, thay vì quyết toán theo định kỳ 6 tháng như trước đây.

Giải pháp đang được các đơn vị xuất bản trong nước áp dụng trong giai đoạn này là giảm số lượng in. Ông Vũ Trọng Đại cho biết, thay vì in với số lượng 3.000 bản/tựa như năm 2019 thì thời điểm 6 tháng đầu năm nay, số lượng này dao động từ 2.000-2.500 bản/tựa. “Số tựa sách vẫn ra đều nhưng số bản in thì giảm đi. Đó là cách vượt khó của Omega. Chúng tôi vẫn tiếp tục tạo ra sự đa dạng, phong phú về đề tài và đáp ứng nhu cầu của độc giả nhưng để bảo đảm an toàn về mặt chi phí thì phải cắt giảm số lượng in”, ông Đại nói.

Còn tại NXB Tổng hợp, thay vì in với số lượng 1.000-1.500 bản/tựa như trước đây, hiện tại đơn vị này cũng chỉ dám in dè chừng với số lượng 1.000 bản. “Chúng tôi chủ trương không muốn sách đến tay bạn đọc với giá cao, nếu in dưới 1.000 thì chi phí sẽ cao, lúc đó giá sách cũng phải cao theo. Chúng tôi cố gắng duy trì ở số lượng 1.000 cuốn cho mỗi tựa, hết mới tái bản”, bà Đinh Thị Thanh Thủy, Giám đốc NXB Tổng hợp, cho biết.

Sống chung với dịch

Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT-TT), số lượng đăng ký xuất bản lên cục từ các NXB và công ty giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Dịch Covid-19 tái phát đã tác động nặng nề đối với ngành xuất bản vì ngành này mới chỉ hồi phục trong khoảng 2 tháng trở lại đây. Trong khi đó, các chính sách đồng bộ để hỗ trợ cho ngành xuất bản thực sự rất khó vì còn nhiều ngành nghề khác nữa.

Trong đợt dịch lần 1, nhiều đơn vị đã chủ động tìm ra những giải pháp thiết thực. Ông Nguyễn Nguyên cho rằng, thời điểm này, các đơn vị nên tiếp tục duy trì và phát huy các giải pháp đó. Ngoài ra, các đơn vị cũng có thể xem đây là cơ hội để tái cơ cấu lại hoạt động của doanh nghiệp, làm thế nào để hình thành được bộ máy tinh giản gọn nhẹ; đồng thời nâng cao chất lượng tổ hợp xuất bản của mình. Ông Nguyễn Nguyên đề xuất: “Nên tập trung lựa chọn những đề tài có tính thời sự, đi vào nội dung thiết thực, gắn với yêu cầu vực dậy nền kinh tế, cổ vũ người dân chung tay chống dịch”.

Còn theo ông Vũ Trọng Đại, các đơn vị cần chuẩn bị cho việc sống chung với dịch bệnh, có thể kéo dài từ nay đến hết năm 2020, thậm chí kéo dài sang năm 2021. “Điều đó đồng nghĩa với việc, rút kinh nghiệm tạm gọi là thành công của lần 1 thì đến bây giờ biện pháp cần phải làm đó là chuẩn bị đẩy mạnh thêm về mặt quy mô, cách thức tổ chức. Thay vì chủ động cơ cấu lại sản phẩm, bây giờ ngay cả việc khai thác sản phẩm mới cũng phải theo chiều hướng hoặc tầm nhìn cho từ nay cho đến hết năm 2021. Như vậy, sự chuẩn bị cần phải dài hạn hơn”, ông Đại nói.

Theo Hồ Sơn - SGGP

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng