Tạp chí Sông Hương -
Tiếp sức chống dịch Covid-19 bằng nghệ thuật
10:17 | 21/08/2020

Tinh thần của các văn nghệ sĩ Việt Nam luôn tỏa sáng trong những tình huống xã hội khó khăn nhất. Và, khi dịch Covid-19 quay trở lại, một lần nữa tinh thần ấy lại được truyền tải qua tác phẩm nghệ thuật.

Tiếp sức chống dịch Covid-19 bằng nghệ thuật
Tác phẩm “Những trái tim dũng cảm trên tuyến đầu chống dịch” của họa sĩ Lê Sa Long

Khi nghệ sĩ đồng hành chống dịch

Một trong những bức chân dung ý nghĩa, lan tỏa mạnh về những người mang trọng trách nặng nề trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đội ngũ các y bác sĩ, bộ đội biên phòng… được nhiều họa sĩ sáng tác, truyền tải bằng tất cả nhiệt huyết và tâm tình của người nghệ sĩ.

Họa sĩ Nguyễn Tấn Phát (Hà Nội) là một trong những nghệ sĩ sáng tác bức chân dung về Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Việc khó khăn nhất khi vẽ chân dung Phó Thủ tướng chính là thần thái nhân vật gắn liền với công việc nóng bỏng là công tác chống dịch. Chính vì vậy, khi vẽ bác Đam đeo khẩu trang thì việc diễn tả thần thái là rất khó. Phải mất đến 12 tiếng đồng hồ bức chân dung mới hoàn thành như mong muốn. 

Họa sĩ Lê Sa Long với bức họa “Những trái tim dũng cảm trên tuyến đầu chống dịch” vẽ Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các y bác sĩ đang chẩn đoán, xét nghiệm, chữa trị cho các bệnh nhân. Tác phẩm đã nhanh chóng lan toả mạnh mẽ trên mạng xã hội với nhiều lượt chia sẻ và bình luận.

Họa sĩ Nguyễn Minh nổi bật với tác phẩm “Giấc mơ xanh” bộc bạch rằng, vẽ về chủ đề chống dịch Covid-19 không phải chuyện đơn giản, dù biết rằng chính bản thân cũng đang phải đối mặt. Tuy nhiên, khi có chủ đề thì vẽ cái gì và như thế nào để tác phẩm có ý nghĩa và chuyển tải hết tinh thần của nghệ sĩ mới là việc khó.  

“Tình cờ tôi thấy con gái chơi đồ hàng trong đợt nghỉ dịch bệnh Covid-19. Điểm khác giữa lần chơi đồ hàng này với những lần khác là con gái đeo khẩu trang cho các “bạn” gấu bông, búp bê. Từ đó, tôi nảy ra ý tưởng và thành công với chủ đề này”, họa sĩ Nguyễn Minh cho biết.

Không chỉ trong lĩnh vực hội họa, Nhà hát Trần Hữu Trang sắp hoàn tất để ra mắt MV vào cuối tháng 8 với chủ đề “Niềm tin”. Với niềm tin nhân loại và đất nước sẽ đẩy lùi đại dịch nên hơn 50 nghệ sĩ cải lương đã cổ vũ những chiến sĩ trên tuyến đầu chống Covid-19 bằng giọng ca “rút ruột”.

“Niềm tin” là ý tưởng của soạn giả Hoàng Song Việt. Ông kết nối các nghệ sĩ từ Bắc tới Nam với ý tưởng mọi miền đất nước cùng chung tay đẩy lùi đại dịch. Trong đó có những nghệ sĩ nổi tiếng, thân quen với khán giả như: NSND Lệ Thủy - Thoại Miêu, Tuấn Thanh, Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Vũ Linh, Tú Sương, Quốc Kiệt, Võ Minh Lâm, Quang Khải, Trung Thảo…

Nối những tấm lòng

Khi dịch Covid-19 quay lại, Đà Nẵng trở thành điểm nóng thu hút sự quan tâm của đồng bào cả nước. Cô giáo Ngọc Uyển đã viết tặng chồng - bác sĩ Trịnh Minh Thế công tác tại Bệnh viện C Đà Nẵng bằng những câu thơ trong bài “Đà Nẵng ngày bão giông” khiến người đọc rung cảm trực diện: Có một chiều anh phải nói xa em/mà chưa hẹn thời gian ngày trở lại/cuộc chiến của đồng đội anh vẫn còn xa ngái/em mỉm cười… nước mắt cất vào tim.

Phải là người trong cuộc, phải là người thân của những “chiến sĩ tuyến đầu trong vòng nguy hiểm” mới có thể “bật” ra những câu thơ ngay lập tức khiến người đọc phải thổn thức, liên hệ mường tượng về một cuộc chiến có thật đang diễn ra. 

Tác giả Lê Quốc Hán với câu thơ “Chập chờn đợi phút thăng hoa/câu thơ nối được hồn ta, hồn người”. Thơ chính là một cây cầu nối, nhưng không phải để người bên này chạy sang bên kia và ngược lại. “Nối” với thi sĩ là nối những tấm lòng, những lo lắng xót xa để ta – người đồng lòng chống dịch. 

Tâm ý “nối” của thi sĩ Lê Quốc Hán và các văn nghệ sĩ đã thành sự thật khi những chuyến hàng, những chiếc khẩu trang và cả những đoàn y bác sĩ đến vùng đất Đà Nẵng, để cùng nhau vượt qua thử thách, đẩy lùi dịch bệnh. 

“Giấc ngủ của Đà Nẵng chập chờn, cả nước sao yên được?/ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng… tiếp sức cùng chống dịch/Đợi một mùa thu bình yên, nắng ấm tỏa sông Hàn”. Khi thi ca lên tiếng, sức mạnh trỗi dậy, xã hội nắm tay nhau… Sức lan toả của văn học nghệ thuật đã và đang góp phần tiếp thêm sức mạnh không chỉ cho quần chúng nhân dân, còn đặc biệt động viên những người mang nặng trọng trách trong công tác đẩy lùi đại dịch.

Ca sĩ Thái Thùy Linh dù phải hoãn một dự án âm nhạc lớn trong sự nghiệp ca hát nhưng cô không phiền lòng mà cùng các nhà hảo tâm chuyển hàng ngàn khẩu trang, dầu gội khô... đến các bệnh viện ở Đà Nẵng. Nữ ca sĩ mong muốn cùng chung tay với cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh. 

Ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân, Denis Đặng, Quang Hào, Hà Anh Tuấn, Thủy Tiên, Chi Pu, Hồ Ngọc Hà… cũng đứng lên kêu gọi, gửi các vật phẩm để phòng chống dịch như khẩu trang y tế, quần áo chống độc, găng tay, nước xịt kháng khuẩn… tới những điểm nóng của dịch bệnh. Các nghệ sĩ với những tâm niệm rất giản dị rằng, khi xã hội phải đối mặt với gian nguy thì mỗi nghệ sĩ phải là một chiến sĩ.
 

Ngày 18/8, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng tiếp nhận tiền mặt và hàng ủng hộ có tổng giá trị hơn 4 tỷ đồng từ Ban tổ chức chương trình “Đà Nẵng, Quảng Nam - Triệu con tim hướng về”. Chương trình là đêm nhạc gây quỹ từ thiện trực tuyến, với sự tham gia của hơn 70 ca sĩ, diễn viên, nghệ sĩ, hoa hậu cả nước với mục đích kêu gọi sự đồng lòng, chung tay giúp người dân Đà Nẵng - Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung vượt qua đại dịch Covid-19. Đêm nhạc được tổ chức dưới hình thức livestream trực tuyến kết nối 5 điểm cầu: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội, Mỹ và Ba Lan.
Chương trình trao tặng TP Đà Nẵng số tiền mặt là 1.798 tỷ đồng và thiết bị, hiện vật trị giá hơn 2,24 tỷ đồng. Qua chương trình, các nghệ sĩ mong muốn gửi gắm sự quan tâm, chia sẻ và một phần nhỏ bé hỗ trợ cho đội ngũ y bác sĩ, các lực lượng toàn thành phố và người dân đang đồng lòng chống dịch Covid-19.

Theo Trần Siêu - GD&TĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng