Tạp chí Sông Hương -
Từ hòa nhạc cho đến phim hoạt hình: Sáng tác nổi tiếng nhất của Chopin
09:50 | 25/08/2020

Như bao người khác, ngay từ lúc còn nhỏ, tôi đã được biết về bản Funeral March (Hành khúc tang lễ) của Chopin khi nằm dài trên chiếc đi-văng ngoài phòng khách và xem những bộ phim hoạt hình vào sáng thứ Bảy.

Từ hòa nhạc cho đến phim hoạt hình: Sáng tác nổi tiếng nhất của Chopin
CHASING CHOPIN - Hành trình âm nhạc xuyên suốt ba thế kỉ, bốn quốc gia và sáu cuộc cách mạng. Tác giả: Annik LaFarge

Những bộ phim hoạt hình cũng giống như những câu chuyện cổ tích, chúng vừa cần tới cái chết như một phần thiết yếu của cốt truyện, vừa lại luôn muốn biến nó phải trở nên thật đơn giản, nhẹ nhõm. Trong những bộ phim đó, bản hành khúc của Chopin là một chỉ dụ ngắn gọn, nhanh chóng có tính báo trước cho một cái chết xảy đến nhưng luôn được thể hiện một cách khôi hài và tính thông điệp của nó thì chẳng có gì hơn cụm từ “game over” bất hủ ở cuối mỗi trò chơi điện tử. Chính bởi thế, tôi đã gần như không thể tưởng tượng được về một thế giới mà ở đó, tác phẩm của Chophin tồn tại như một bi kịch nhưng cũng là sự giải thoát, một thế giới nơi mà những cái chết - có thật.

Cuốn sách mới đây của Annik LaFarge, Chasing Chopin (tạm dịch: Lần theo Chopin) đã nỗ lực để phục dựng thế giới này. Là sự trộn lẫn hình thức của thể loại tiểu sử, bình luận văn nghệ và ghi chép cá nhân, cuốn sách phân tách bản Funeral March, chương thứ ba bản Sonata số 2 của Chopin, theo vô vàn những ngã rẽ khác nhau. Nhìn lại vào quá khứ, LaFarge đã mô tả câu chuyện về tình yêu và những cây đàn của nhà soạn nhạc; bà khám phá nét chữ viết tay, những ngón bấm và căn tính, gốc gác Ba Lan của ông. Bà cũng không quên trở về với thực tại, tham khảo ý kiến của các nghệ sĩ dương cầm có triển vọng, các cơ quan, tổ chức làm về trình diễn lịch sử và Zibi, tác giả của trò chơi điện tử “Frederic: Sự phục sinh của âm nhạc”. Đối với một cuốn sách viết về cái chết, đó là một nghiên cứu sinh động và tràn đầy hơi thở của cuộc sống. LaFarge say sưa viết về những ảnh hưởng của Bach đối với Chopin và những chuẩn mực của sự nghe đối với từng cây dương cầm cổ để có thể hiểu được những gì Chopin từng nghe và từng tưởng tượng.

Chasing Chopin không hẳn là một cuốn tiểu sử, phần lớn trọng tâm của nó rơi vào mối quan hệ kì lạ của cặp đôi nổi tiếng, Chopin và George Sand: nhà soạn nhạc mắc chứng lao phổi và nhà văn phi giới tính. Mối quan hệ của họ là một sự sắp xếp liên tục được sửa đổi để chống lại, phá vỡ mọi chuẩn mực – đây là tiền thân của một kiểu quan hệ yêu đương mập mờ, không rõ ràng rất phổ biến thời hiện đại, friends with benefits (bạn bè vị lợi). LaFarge đã liên hệ lối sống mới này với năng suất, chất lượng nghệ thuật đáng kinh ngạc của hai người nghệ sĩ có được trong thời kì ở cạnh nhau. Bà lật lại từ những ngày đầu gây xôn xao dư luận của cặp đôi nghệ sĩ, bao gồm câu chuyện về bức thư kinh điển mà trong đó, Sand đã phác thảo ra “tầm nhìn về một thứ tình yêu lí tưởng tránh xa ‘mọi ràng buộc của đời sống hàng ngày’ và ủng hộ một tình bạn thực sự chỉ dựa trên ‘thi ca và những niềm say mê trong sáng, nhẹ nhàng’”. Một tuần sau, Sand dường như đã thay đổi suy nghĩ của mình - một mối quan hệ yêu đương được thiết lập. Trên dưới một năm sau, bà thay đổi suy nghĩ thêm lần nữa, và họ trở thành những-người-bạn-yêu nhau về mặt lí thuyết. Những hành xử của Sand đối với Chopin có nhiều điểm tương đồng với cách một bà mẹ chăm đứa con của mình: nuôi dưỡng và tạo điều kiện – một tình huống không quá lạ lẫm khi hẹn hò với một tay nghệ sĩ. Cuối cùng, mối quan hệ của họ rạn nứt rồi đổ vỡ. LaFarge khiến chúng ta thực sự cảm thấy ngay trước mắt mình sự suy sụp của mối quan hệ lí tưởng đầy tính hiện đại này, nó thậm chí diễn biến còn nhanh hơn cả sự xuống cấp tình trạng sức khỏe của Chopin.

Ngay từ đầu, LaFarge, tác giả một cuốn sách khác về High Line đồng thời cũng là một nghệ sĩ dương cầm không chuyên, đã tiết lộ rằng, động lực thúc đẩy để bắt đầu với Chasing Chopin là một màn trình diễn bản Funeral March, đặc biệt là hiệu ứng tương phản mạnh mẽ mà nó mang lại giữa phông nền chính ảm đạm, sầu muộn của bản hành khúc và sự xuất hiện của một cao trào dùng hợp âm trưởng sau đó. Bà mô tả phần này giống như “một niềm hân hoan lớn lao... được lén gài vào trái tim của khúc ca về cái chết”. Bà nhận xét: “Đây có vẻ là một hành động táo bạo nhưng lại đúng về mặt bản chất, bởi trải nghiệm về cái chết của chúng ta cần thêm nhiều những sự sống chứ không phải những sợ hãi, ám ảnh. Sự sống đến từ sức mạnh của cái đẹp. Của cuộc đời”.

Chân dung Frédéric Chopin, tên khai sinh Fryderyk Franciszek Chopin, còn được gọi là Sô-panh, là nhà soạn nhạc và nghệ sĩ dương cầm người Ba Lan của thời kì âm nhạc lãng mạn.

Tôi thích cách sử dụng từ “lén” trong trường hợp này và đây hoàn toàn là một cách diễn giải mang tính cá nhân, không có gì cần tranh cãi và hoàn toàn có những cách khác để đọc sự tương phản này. Nó trông không giống những gì Chopin vẫn làm. Chopin là một nhà chế tác tài hoa có khả năng biến hóa khôn lường trong những sáng tác của mình, ông yêu thích sự không đối xứng, nhưng bản Funeral Marchnày gần như không có những đoạn chuyển tiếp và mọi thứ chỉ chuyển động qua lại theo hai hay bốn trục đối xứng. Một cấu trúc tĩnh và có tính hình thức, lễ nghi. Một hành khúc viết bằng hợp âm thứ nhưng luôn được hóa giải bởi một phân đoạn hợp âm trưởng tương ứng sau đó trong mỗi phân đoạn, không thể xen kẽ gì thêm.

Cuốn sách này đã đưa tôi đến rất nhiều nơi tôi không ngờ tới - tôi thường ước, giá LaFarge dành nhiều thời gian hơn để đi sâu khám phá những ngóc ngách mà bà đã chạm được vào và gợi ra. Tôi đặc biệt mong mỏi bà sẽ viết thêm về những phân đoạn tiếp theo của bản hành khúc, khúc cuối cùng của bản sonata vĩ đại - hồi kết của một lễ tang. Chương nhạc này như là một “ngón tay giữa” giơ lên để thách thức mọi quy tắc chuẩn mực: không giai điệu, ít biến tấu, không có kịch tính gì rõ ràng: một phút im lặng, một trạng thái hòa hợp mạnh mẽ giữa hai bàn tay, có gì đó như là bóng tối đã được phủ lên, và cả sự tái tạo. Người ta đã phải vật lộn biết bao để tìm cho ra cách mô tả được khúc ca huyền diệu đó. Hình ảnh “những cơn gió khuya quét qua những ngôi mộ trong nhà thờ” của Anton Rubinstein có lẽ là dòng miêu tả nổi tiếng nhất về tác phẩm, nhưng lại có gì đó hơi cường điệu, kiểu cách, và còn gợi đến cảm giác ma mị trong đêm Halloween. LaFarge trích dẫn lại lời của Chopin: đó thật ra là hai bàn tay đang ngồi với nhau và chuyện phiếm, tán dóc. Giọng điệu có phần khinh khỉnh, hợm hĩnh đó chính ra lại chạm tới gần tinh thần của đoạn nhạc hơn cả. Chúng ta có thể tưởng tượng thấy một Chopin đầy kiêu hãnh luôn phải đối mặt với bệnh tật và cái chết mỗi ngày, đã từ chối đưa cho chúng ta, hoặc thậm chí chính bản thân ông, một thông điệp mà tất cả khao khát nắm bắt được, một câu trả lời dễ dàng nào đó, hoặc bất kì câu trả lời nào. Và khi lắng nghe tác phẩm này trong một buổi hòa nhạc, tại thời điểm nốt nhạc cuối cùng vang lên, chúng ta luôn cảm thấy việc vỗ tay để bày tỏ sự tán thưởng dường như là sự không phù hợp. Chopin muốn gây cho người nghe một sự khó chịu? Mọi khán giả đều ngập ngừng, như thể đều đang tự đặt ra trong đầu mình một câu hỏi cứ trở đi trở lại trong chúng ta khi sống giữa những ngày giãn cách xã hôi vì dịch bệnh này: Mọi thứ kết thúc rồi đó ư? Vậy,… Giờ sao?

Theo Kiều Chinh - VNQĐ

------------------------
Tác giả Jeremy Denk là một nghệ sĩ dương cầm và là một nhà văn. Anh đang viết cuốn "Every Good Boy Does Fine," một cuốn sách bao gồm hồi kí và tiểu luận.

 
Các bài mới
Các bài đã đăng