Tạp chí Sông Hương -
Nâng cao giải thưởng văn học trong xã hội hóa
14:46 | 26/10/2020

Nhìn lại việc trao giải thưởng văn học trong những năm qua có thể thấy: Công chúng văn học có xu hướng thờ ơ, bàng quan với các loại giải thưởng, tặng thưởng. Một phần giá trị, uy tín giải thưởng bị giảm sút và việc thẩm định, xét giải thưởng không phải luôn tìm được những tác phẩm có giá trị tư tưởng nghệ thuật cao, xứng với mong đợi của công chúng.

Nâng cao giải thưởng văn học trong xã hội hóa
Trao giải thưởng truyện ngắn tạp chí "Nhà văn và tác phẩm". Ảnh: TL

1. Công chúng ít quan tâm tới các tác phẩm đạt giải thưởng, trong khi lại chú ý nhiều tới các tác phẩm có yếu tố thị trường mang nặng tính giải trí được quảng bá trên báo chí và mạng xã hội. Truyền thông chưa tạo được những hiệu ứng lớn để giới thiệu, quảng bá tác phẩm đến đông đảo công chúng, người đọc. Vì thế, công cuộc xã hội hóa (XHH) văn học nghệ thuật (VHNT), ở góc độ các giải thưởng có tình trạng nhiều giải thưởng văn nghệ ra đời, được bảo trợ bởi các “Mạnh thường quân” ở các tổ chức khác nhau khiến cho đôi lúc các giải thưởng chính thống, uy tín bị “lu mờ” trước giải thưởng tư nhân (có nguồn kinh phí dồi dào) xuất hiện, thu hút sự chú ý của dư luận. 

Để giải thưởng văn học thật sự có chất lượng, duy trì và phát triển, phản ánh đúng uy tín, vị thế trong đời sống VHNT hiện nay, cần tập trung thực hiện một số giải pháp quan trọng sau.

Thứ nhất, chính sách phát triển VHNT cần được xây dựng bằng các cơ chế đặc thù cho từng loại giải thưởng. Tránh tình trạng thương mại hóa các giải thưởng nghệ thuật khiến giải thưởng trở nên tầm thường, dễ dãi, công chúng coi giải thưởng là hàng hóa thương mại, dùng nguồn tài trợ để trao đổi uy tín, nâng giá giải thưởng. Vì vậy, việc lựa chọn XHH các giải thưởng cần được tiến hành một cách thận trọng. Một số các giải thưởng lớn và uy tín, Nhà nước cần đầu tư 100% kinh phí để duy trì, phát triển; nếu có tài trợ cần có tính toán hợp lý để bảo đảm quyền lợi, lợi nhuận của nhà tài trợ nhưng vẫn giữ được chất lượng, uy tín, giá trị nghệ thuật của giải thưởng, nâng cao vị thế, vai trò của giải thưởng trong định hướng sáng tác, hướng công chúng đến giá trị tích cực, lành mạnh.

Thứ hai, các lễ trao giải thưởng văn học khá giản dị, khiêm tốn, ít chú trọng ở khâu trao thưởng nên có tình trạng một số lễ trao thưởng diễn ra “lặng lẽ” âm thầm. Vấn đề truyền thông, quảng bá sản phẩm nghệ thuật nói chung và quảng bá về giải thưởng văn học nói riêng cần được đầu tư có bài bản. Các giải thưởng văn học lớn như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam… cần được quảng bá, truyền thông sâu rộng đến các tầng lớp công chúng trên các phương tiện truyền thông xã hội. Việc đầu tư, nâng cấp nội dung trên các trang mạng xã hội (facebook, Twitter), các trang web, các diễn đàn văn học trao đổi (mang tính chính danh của giải thưởng) để giới thiệu, quảng bá rộng rãi đến công chúng là việc cần làm ngay. Để các giải thưởng văn học không rơi vào tâm thế bị động, tầm thường, dễ dãi, xuống cấp, trong cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế (thời đại của truyền thông, công nghệ 4.0), cần phải chấp nhận sự thay đổi mở rộng truyền thông này. Sự thay đổi hợp thời cuộc nhưng vẫn giữ được giá trị của tác phẩm nghệ thuật, không làm lu mờ trước sự lấn át của nhiều loại giải thưởng thuộc các lĩnh vực nghệ thuật khác. 

Tuy nhiên, giải thưởng, tặng thưởng văn học không thể để truyền thông, tâm lý đám đông công chúng, hiệu ứng xã hội, sức lan truyền mạng xã hội để đánh giá giá trị giải thưởng văn học. Vì thế, giải thưởng văn học cần chặt chẽ hơn trong khâu thẩm định, cẩn trọng hơn trong lựa chọn trao giải và sự liên kết truyền thông mạng xã hội nhằm tôn vinh giá trị tác phẩm, vinh danh nhà văn một cách có hệ thống. Các hình thức trao giải thưởng văn học luôn cần đổi mới và sáng tạo. Giải thưởng và trao giải thưởng văn học là một hình thức, một định hướng, một sự vinh danh đầy tự hào để khẳng định thành quả của người sáng tạo trong bối cảnh XHH và sự phát triển vượt bậc của công nghệ truyền thông hiện nay.

2. XHH các giải thưởng VHNT hiện nay chưa đồng đều giữa các lĩnh vực VHNT. Giải thưởng văn học chủ yếu lấy từ nguồn kinh phí do Nhà nước cấp, các nguồn XHH chưa có hoặc chưa được chấp nhận, đến kinh phí trao giải thưởng cho các giải thưởng, tặng thưởng còn hạn chế. Vì vậy, để thu hút XHH về giải thưởng văn học một cách bền vững, uy tín thì vai trò của Hội đồng xét giải (Hội đồng thẩm định) là vô cùng quan trọng. Quá trình xét giải thưởng cần được công khai trên các phương tiện truyền thông chuyên ngành, thông qua các diễn đàn văn nghệ, các trang điện tử chính thức (được lập bởi cơ quan tổ chức chủ trì) nhằm thu hút người đọc, công chúng tăng hiệu ứng xã hội, uy tín giải thưởng. Cơ chế xét giải thưởng từ các cấp cần khoa học, minh bạch phụ thuộc rất nhiều vào trách nhiệm của người quản lý văn học nghệ thuật, Hội đồng thẩm định, cơ quan chủ trì giải thưởng, hệ thống truyền thông. 

Hoạt động XHH phát triển mạnh mẽ như hiện nay, nếu hàn lâm hóa các giải thưởng văn học sẽ tạo ra khoảng cách lớn với đối tượng tiếp nhận là công chúng tinh tuyển và công chúng bình dân. Nếu đại chúng hóa các giải thưởng văn học ở nhiều cấp khác nhau, lấy giá cả lợi nhuận làm thước đo giá trị giải thưởng thì sẽ làm tầm thường hóa giải thưởng văn học. Vì vậy, nâng tầm năng lực đội ngũ sáng tác, năng lực thưởng thức của công chúng là điều cần thận trọng và chú ý. Đó là việc nâng tầm các tác phẩm văn học bằng việc gắn tác phẩm với cuộc sống thực tại; khám phá và khơi gợi được những vấn đề thời sự, vấn đề nóng của xã hội; hướng đến xây dựng và phát triển toàn diện con người mới trong xã hội hiện đại; đáp ứng nhu cầu thị hiếu thẩm mỹ của công chúng, tạo ảnh hưởng lớn đến dư luận xã hội. Làm được điều đó, tác phẩm nghệ thuật được trao giải mới thật sự hấp dẫn công chúng, có giá trị và uy tín.

Theo Song Mua - Thời Nay/ND
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng