Cuối tuần qua, tác phẩm kinh điển của văn học Séc “Vận mệnh người lính tốt Svejk trong đại chiến thế giới” tập 1-2 đã chính thức được NXB Phụ nữ Việt Nam chính thức giới thiệu tới bạn đọc. Đặc biệt, trong buổi ra mắt do NXB phối hợp với Đại sứ quán nước CH Séc tổ chức, bạn đọc được trực tiếp giao lưu với dịch giả Bình Slavicka, nghe chị kể về chặng đường dịch cuốn sách đầy gian nan.
Tác giả của bộ sách, nhà văn Jaroslav Hašek là một trong ba nhà văn vĩ đại Jaroslav Hašek (1883-1923), Franz Kafka (1883-1924) và Karel Čapek (1890-1938). Franz Kafka sáng tác bằng tiếng Đức, Jaroslav Hašek và Karel Čapek sáng tác bằng tiếng Séc.
“Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới" kể về một anh chàng làm nghề bán chó tên là Švejk ở Prague. Hay chuyện, tốt tính, nhưng nhiều lúc lại đần độn như thể có chủ ý, Švejk nhiệt tình tham gia vào cuộc chiến để phụng sự Hoàng đế Áo Hung. Cuốn tiểu thuyết theo chân Švejk trong những tình huống dở khóc dở cười phần lớn do chính Švejk gây nên.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc NXB Phụ nữ Việt Nam cho biết, cuốn “Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới” bao gồm bốn tập, khi dịch sang tiếng Việt sẽ được chia thành hai quyển: Quyển 1 gồm tập 1 và 2, xuất bản vào tháng 10-2020; Quyển 2 gồm tập 3 và 4, xuất bản vào giữa năm 2021. “Đây là một tác phẩm kinh điển, giúp độc giả hiểu thêm về một nền văn học có nhiều thành quả như Séc”, bà Khúc Thị Hoa Phượng chia sẻ.
NXB Phụ nữ Việt Nam cũng cho biết, cuốn tiểu thuyết có một không hai trong lịch sử văn học Séc này cũng có một số phận rất đặc biệt. Khi đọc “Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới”, độc giả “thường dân” say mê và thích thú cuốn tiểu thuyết, thì giới chuyên môn và báo chí lại thờ ơ lạnh nhạt với nó bấy nhiêu. Trừ một số nhà văn, nhà báo nhận thấy ngay đây là một tác phẩm đáng đọc, làng văn Séc hầu như không chấp nhận nó, không coi nó là một tác phẩm văn học, không coi tác giả Jaroslav Hašek là nhà văn. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng Švejk là kẻ trốn tránh nghĩa vụ, rằng cuốn sách này gây tác hại đến đạo đức người lính, có người còn nguyền rủa phỉ báng Hašek và cách sống của ông.
Nhưng dần dần, những lời khen đã trở nên nhiều hơn. Cuốn sách đã được dịch ra tới 62 thứ tiếng, trở thành tác phẩm được dịch sang tiếng nước ngoài nhiều nhất của văn học Séc.
Dịch giả Bình Slavická là người gốc Hưng Yên, hiện đang sinh sinh sống và làm việc ở Cộng hòa Séc, là giảng viên ngành Việt Nam học thuộc Viện châu Á học, Đại học Charles. Chị cũng là dịch giả quen thuộc của một số tác phẩm văn học Séc như “Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông” của tác giả Jan Neruda do NXB Văn học ấn hành năm 2018, “Bệnh trắng” của tác giả Karel Čapek, NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2020, và vở kịch “Nhà trên thiên đường” của tác giả Jiří Hubač.
Dịch giả Bình Slavická giao lưu với độc giả của buổi lễ ra mắt sách qua livestream từ CH Séc. Chị chia sẻ đây là cuốn tiểu thuyết khó nhất mình từng chuyển ngữ. “Tôi dịch cả ngày có khi chỉ được vài dòng”, chị chia sẻ.
Dịch giả cho biết, cuốn sách này rất phức tạp, vì ngôn ngữ kể về chiến tranh, lại là Đại chiến Thế giới lần thứ 1, không giống như những đề tài thông thường khác. Cuốn sách lại có một số phận khá long đong khi không phải độc giả nào người Séc cũng thích. Tuy nhiên, cuốn sách lại có cách viết hài hước, hóm hỉnh, mô tả anh lính Švejk giống như một chàng ngốc, nhưng vừa ngây ngô lại vừa có điểm tinh khôn. “Có những đoạn viết hóm hình, buồn cười, tôi vừa dịch vừa đọc lên cho cả gia đình tôi cùng nghe và cười. Nhưng cũng có những đoạn viết xúc động, rơi nước mắt” – chị Bình Slavická cho biết.
Đây là tác phẩm mang tính nhân loại, khiến nó vượt ra ngoài không gian, thời gian của nó và được đông đảo độc giả thế giới đón nhận. Không những thế, cuốn sách còn nhiều lần được các nhà hát, sân khấu danh tiếng trên thế giới dàn dựng thành kịch, nhạc kịch…
Đây là lần đầu tiên bộ tiểu thuyết “ Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới” đến với bạn đọc Việt Nam. NXB Phụ nữ Việt Nam mong muốn bộ sách cũng như tác giả sẽ sớm trở nên quen thuộc với độc giả Việt như nhiều tác giả Séc khác như Jan Neruda, Franz Kafka, Karel Čapek, Bohumil Hrabal, Milan Kundera…
Theo Tuyết Loan - NDĐT