Ngày 15-12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) tổ chức Tọa đàm khoa học quốc tế với chủ đề “Đồ sứ Trung Quốc thời Tống trong Hoàng cung Thăng Long”, góp phần làm rõ mối quan hệ kinh tế, văn hóa và sự ảnh hưởng về kỹ thuật, nghệ thuật chế tác gốm của hai nước Tống và Đại Việt thời Lý.
Tọa đàm có nhiều nhà khoa học quốc tế tham dự và trình bày tham luận trực tuyến từ Trung Quốc, Singapore: GS Tấn Đại Thụ và TS Cao Tiền Bình - từ Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), TS Sharon Wong từ Đại học Hồng Kong (Trung Quốc), TS David Brotherson từ Đại học Công nghệ Nam Dương (Singapore).
Nhiều nhà khoa học theo dõi tọa đàm từ các nước: Pháp, Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Malaysia và Philippines; các nhà khoa học Việt Nam đến từ Viện Khảo cổ học, Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Trường đại học Khoa học và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Hội Khảo cổ học Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam…
Cuộc khai quật khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã phát hiện số lượng lớn di vật là đồ sứ Trung Quốc có niên đại từ thời Đường, Tống, Nguyên, Minh và Thanh. Trong đó, số lượng đồ sứ thời Tống được tìm thấy có số lượng lớn, rất đặc sắc, minh chứng sinh động về đồ sứ Trung Quốc được sử dụng trong đời sống Hoàng cung Thăng Long xưa, đồng thời phản ánh về mối quan hệ giao lưu kinh tế, văn hóa trong lịch sử giữa Trung Quốc và kinh đô Thăng Long của Đại Việt.
TS Trần Anh Dũng, Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết: Các cuộc điều tra khảo sát và khai quật tại các thương cảng cổ dọc bờ biển từ Quảng Ninh tới Hà Tĩnh như: Vân Đồn (Quảng Ninh), Lạch Trưởng, Lạch Ghép, Lạch Bạng (Thanh Hóa), Đền Huyện, Kỳ La (Hà Tĩnh) không thấy xuất hiện gốm sứ thời Tống nên nhiều khả năng những đồ sứ thời Tống xuất hiện trong Hoàng thành Thăng Long là do được triều đình đặt mua riêng hoặc là đồ biếu, tặng trong bang giao giữa hai nước Tống và Đại Việt.
PGS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, những phát hiện đồ gốm Tống Trung Quốc tại Hoàng thành Thăng Long đã mở ra những hướng nghiên cứu mới về đồ sứ Trung Quốc được sử dụng trong đời sống hằng ngày của triều đình Thăng Long.
Đây là những đồ sứ quý, được sử dụng cho nhà vua, hoàng tộc và triều đình, phản ánh nhiều khía cạnh về đời sống xã hội thời bấy giờ, góp phần lý giải sâu hơn về mối quan hệ và sự ảnh hưởng về kỹ thuật và nghệ thuật chế tác gốm của hai nước Tống và Đại Việt thời Lý. Đáng lưu ý nhất là thời Lý đã sản xuất được những đồ sứ có chất lượng hoàn hảo như đồ sứ Tống (Trung Quốc) khiến các nhà nghiên cứu cũng gặp phó khăn khi phân biệt, phân loại “gốm Lý” và “gốm Tống”.
Các nhà nghiên cứu đã xác định được những di vật gốm Tống ở Hoàng thành Thăng Long có nguồn gốc từ tám khu lò gốm lớn của Trung Quốc thời Tống tại bảy tỉnh: Hà Bắc, Thiểm Tây, Giang Tây, Hồ Nam, Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông. Kết quả nghiên cứu này đã góp phần xác định nguồn gốc, niên đại các sưu tập đồ gốm Tống đào được tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Kết quả nghiên cứu đó cũng góp phần nghiên cứu, đánh giá mối giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Trung Quốc và Đại Việt trong lịch sử.