Hơn một năm qua, trên cả nước, khó tìm được những buổi sân khấu sáng đèn. Các đợt diễn lớn vào mùa xuân, dịp lễ… gần như bị “đóng băng” bởi nếu không vướng vào các đợt giãn cách xã hội buộc phải đóng cửa rạp thì công chúng cũng chưa thoát khỏi tâm lý e dè khi tham gia hoạt động đông người.
Người làm nghề cố gắng bám trụ, luyện tập, chuẩn bị kịch bản mới, vở diễn mới. Nhà sản xuất tìm đủ cách kích cầu từ giảm giá vé đến vận động các quan hệ quen biết để được ủng hộ, gắng cầm cự.
Gala xiếc Ba miền đã trở thành thương hiệu 3 năm qua, nhưng chương trình lần thứ 4 diễn vào dịp nghỉ lễ 30-4 vừa qua buộc phải dừng vì dịch bùng phát. NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc cho biết, chi phí mời diễn viên ba miền từ vé máy bay, chi phí ăn ở chưa biết lấy nguồn thu ở đâu để bù vào.
Ở phía Bắc, vở nhạc kịch Bầy chim thiên nga của Nhà hát Tuổi trẻ được anh em nghệ sĩ dành bao tâm huyết, hy vọng sẽ gặt hái nhiều trái ngọt trong mùa thiếu nhi 1-6, nay ngưng diễn. Tại TPHCM, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam đã lên lịch tái diễn chương trình nghệ thuật tổng hợp Mekong Show vào ngày 15-5, nhưng vì dịch nên chương trình đành hoãn lại.
Trong tháng 5 này, nhà hát có hơn 10 suất diễn hợp đồng với các trường học, cũng buộc tạm ngưng. Qua tháng 6, học sinh nghỉ hè, các hợp đồng với trường học cũng không có cơ hội tái ký. Chương trình nhà hát hợp đồng diễn vở kịch xiếc Ba Tư huyền bí tại chương trình Lễ hội Đêm trắng Ban Mê ở Đắk Lắk cũng hủy vì dịch.
Với chương trình Ngày xửa ngày xưa công diễn vở Thuyền trưởng Sinh Bá và nàng tiên cá Đen Xì tại Nhà hát Bến Thành, quận 1, TPHCM hiện nay đã bán gần hết số vé 15 suất đầu. Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn cho biết: “Kế hoạch công diễn suất đầu tiên vào tối 28-5 sẽ vẫn giữ cho đến cận ngày 28. Khi đó, nếu TPHCM có công văn cho phép tái hoạt động sân khấu thì sẽ diễn phục vụ khán giả, nếu không thì chúng tôi sẽ dời lịch diễn”.
Thực tế, nếu không có dịch bệnh thì sân khấu cả chục năm nay cũng đã mất đi rất nhiều khán giả. Cuộc sống của các nhà hát, đặc biệt là các môn nghệ thuật truyền thống cũng leo lét phụ thuộc vào lễ hội là chủ yếu.
Năm 2020, sau đợt dịch Covid-19 đầu tiên, Bộ VH-TT-DL cùng các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ 12 nhà hát trực thuộc bộ sáng đèn, góp phần tìm lại thói quen tới nhà hát của khán giả. Kết quả chưa thực rõ rệt nhưng dù sao giải pháp đó cũng góp phần khích lệ, động viên các nghệ sĩ, nhà hát quay lại với sàn tập.
Năm nay, tại thời điểm này, nghệ thuật truyền thống vốn đã yếu ớt, mong manh, lại càng cần hơn nữa sự chung tay của cơ quan quản lý để có thể vượt qua khó khăn, giữ lửa nghề.
Theo An Bình - SGGP