Ở Tehran, trong bối cảnh một chính thể thần quyền, thứ năm hàng tuần, cô giáo sư văn học trẻ cùng với một nhóm sinh viên thân thiết trao đổi về những cuốn sách văn chương phương Tây mà họ yêu thích. Đấy là những cuốn sách đang bị chính quyền cấm. Thông qua việc đàm luận văn chương, họ bộc lộ nhận thức và quan điểm về xã hội mà họ đang sống.
Tác giả kể lại chính câu chuyện của mình khi còn là giáo sư văn học ở Tehran, trước khi rời bỏ Iran, sang Mỹ định cư và viết sách.
Cuốn sách gồm bốn chương dày dặn: Lolita, Đại gia Gatsby, Henry James, Jane Austen. Một cách viết phê bình văn học dưới dạng truyện ký, pha trộn nhiều thể loại: Phê bình, hồi ký, phóng sự. Những ai quan tâm đến tình hình Trung Đông và những vấn đề văn chương ở đại học có thể sẽ đặc biệt thích cuốn sách này.
Có một chữ dịch sai: Rafsanjani, chủ tịch quốc hội (speaker) bị dịch thành “người phát ngôn của quốc hội” (trang 223, 241). Lỗi này cũng giống như nhiều người đã dịch nhầm chức danh bộ trưởng Ngoại giao Mỹ (secretary of state) thành “thư ký nhà nước” trong những cuốn sách khác.
Bà nội găngxtơ
Bà nội muốn trở nên hấp dẫn với đứa cháu trai bằng cách dẫn dắt cháu cùng thực hiện một âm mưu: Đánh cắp bộ báu vật của hoàng gia, bao gồm cả vương miện và vương trượng. Một tội lỗi tày trời.
Bà nội với những đặc điểm vốn tầm thường hóa ra lại có một “thành tích” bất hảo không ai sánh được: Bà là trùm ăn trộm đồ trang sức. Bà lại còn giải thích: “Cháu có biết vì sao trong suốt ngần ấy năm bà không bị đi tù không? Bà không bao giờ bán một món gì. Bà chỉ ăn trộm cho vui thôi” (trang 144).
Mọi chuyện đều rất lạ và rất ngược đời. Những trái ngược ấy gây ra tiếng cười cho người đọc trẻ. Ăn trộm, một hành vi xấu, có thể dẫn đến tù tội và cách ly xã hội mà gọi là vui à? Sự phản đề kiểu ấy khiến cuốn sách tưởng như đùa dai lại đạt hiệu quả giáo dục.
Đọc cuốn sách này gợi nhớ một thời văn chương cho thiếu nhi ở ta luôn đòi người viết phải đưa đầy đủ nhân vật thầy cô giáo vào, nếu không có thầy cô thì chắc chắn không thể vắng bóng đoàn đội và bạn bè tốt để khuyến cáo khuyên răn. Kết quả là những cuốn sách tẻ nhạt giả tạo, thậm chí gây hiệu ứng ngược.
Còn trong câu chuyện này, bà nội không hề là một người bà phúc hậu, nền nã, luôn nói điều hay lẽ phải. Thậm chí chân dung bà nội còn được tiếp sức bằng hình ảnh nữ hoàng ở cuối truyện: Hóa ra các bà nội đều vậy, khi cần thì các bà cũng rất bụi và rất… găngxtơ.
Theo Hồ Anh Thái - ĐBND
------
* Đọc Lolita ở Tehran – hồi ký qua những cuốn sách, Azar Nafisi, Nguyễn Thu Huyền, Dzũ Lệ Khanh dịch, Nhã Nam và NXB Thế giới 2018.
* Bà nội găngxtơ, David Walliams, Snorlax dịch, Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn 2018.