Trong số những lãnh tụ của Việt Nam, hình ảnh nhân vật Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh được khắc họa nhiều nhất và cũng đạt được nhiều thành công nhất.
Đây cũng chính là nguồn cảm hứng bất tận trong sáng tạo của các văn nghệ sĩ ở nhiều loại hình nghệ thuật. Riêng điện ảnh có được nhiều dấu ấn và thành tựu nhưng quá ít tác phẩm và từ năm 2015 đến nay không có thêm tác phẩm điện ảnh nào.
Không như các loại hình nghệ thuật khác lấy đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ khi lập quốc 1945, điện ảnh Việt Nam về đề tài này khai thác khá muộn. Có thể một phần sinh thời, Người vốn khiêm tốn, giản dị - điều này đã “gây khó” cho các nhà làm phim Việt Nam. Cho tới năm 1960 mới có phim tài liệu đầu tiên về Người và cho mãi tới tận năm 1990 mới có phim truyện điện ảnh.
Đến nay, kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Bác thì cũng chỉ vỏn vẹn có 7 phim truyện điện ảnh, mà phim thứ 7 làm cách đây 6 năm (2015). Riêng phim truyền hình thì cho tới giờ chưa có phim truyện truyền hình nào về Người.
Quá ít phim cho cả cuộc đời 79 mùa xuân
Trong lĩnh vực điện ảnh, những phim tài liệu đã được khẳng định qua các tác phẩm xuất sắc như: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch (đạo diễn Quang Huy, 1960), Bác Hồ sống mãi (đạo diễn Nguyễn Quang Trung, Lại Văn Sinh, 1970), Chúng con nhớ Bác (Nguyễn Văn Thông, 1973), Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh (đạo diễn Phạm Kỳ Nam, 1974), Những giờ phút cuối đời Bác Hồ, Bác đi chiến dịch (đạo diễn Phạm Quốc Vinh, 1990), Hồ Chí Minh - Chân dung một con người (đạo diễn Bùi Đình Hạc, 1990)…
Tiếp theo đó, rải rác trong các năm tính đến năm 2021 này chỉ có 6 phim nữa: Hà Nội mùa Đông năm 46 (đạo diễn: Đặng Nhật Minh, kịch bản: Đặng Nhật Minh, Hoàng Nhuận Cầm, 1997); Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong (đạo diễn: Nguyễn Khắc Lợi, Viên Thế Kỷ - Trung Quốc, kịch bản: Hữu Mai, 2003); Vượt qua bến Thượng Hải (đạo diễn: Triệu Tuấn, Phạm Đông Vũ - Trung Quốc, kịch bản: Hà Phạm Phú, Lê Ngọc Minh, Giả Phi, 2010), Nhìn ra biển cả (đạo diễn: Vũ Châu, kịch bản: Nguyễn Thị Hồng Ngát, 2010), Thầu Chín ở Xiêm (đạo diễn: Bùi Tuấn Dũng, kịch bản: Đinh Thiên Phúc, 2015), Nhà tiên tri (đạo diễn: Vương Đức, kịch bản: Hoàng Nhuận Cầm, 2015).
Và trong 6 năm tiếp theo, ở đợt kỷ niệm 131 năm ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh không có một phim truyện điện ảnh nào về Người, dù đề tài để khai thác thì còn rất mênh mông trong quãng đời sinh ra và con đường tìm đường cứu nước cho tới khi thành lãnh tụ của Việt Nam trong suốt 79 năm.
Được biết, năm 2020, Cục Điện ảnh có tổ chức thi kịch bản phim và có một kịch bản về thời niên thiếu của Bác đoạt giải Ba - “Vầng trăng thơ ấu” của tác giả Đặng Thị Thanh Bình, nhưng việc làm phim thì có lẽ vẫn đang chỉ là trong dự án trên giấy.
Chỉ mới có 7 phim về Người
Hai bộ phim "Hẹn gặp lại Sài Gòn" và "Nhìn ra biển cả" cho khán giả thấy được tài năng, phẩm chất và bản lĩnh của Người được nung nấu ngay từ khi còn là chàng trai trẻ mang trong mình khát vọng, hoài bão lớn lao giải phóng dân tộc, cứu nước cứu dân; rồi những suy tư, trăn trở trước sự lựa chọn con đường đấu tranh, nếu theo các vị tiền bối thì sẽ lại rơi vào bế tắc, không tưởng, thất bại; và chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành, quyết dấn thân tìm ra con đường đúng đắn dẫn dắt nhân dân làm cuộc cách mạng tự giải phóng cho dân tộc mình.
Tài năng, bản lĩnh và phẩm chất tuyệt vời ấy tiếp tục được các nhà làm phim thể hiện qua những bước đường cách mạng của Người, từ Thái Lan trong phim "Thầu Chín ở Xiêm", qua Hong Kong trong phim "Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong", tới Hạ Môn, Thượng Hải trong phim "Vượt qua bến Thượng Hải", cho đến những ngày Đông ở Hà Nội trong phim "Hà Nội mùa Đông năm 46", và những năm tháng khốc liệt nơi chiến khu Việt Bắc trong phim "Nhà tiên tri".
Trong "Thầu Chín ở Xiêm", Người đã thể hiện được tầm nhìn xa khi vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, nối kết những người yêu nước, quyết tâm thành lập cơ sở Đảng, chuẩn bị cho việc hợp nhất ba tổ chức Cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tiếp đó "Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong", hay "Vượt qua bến Thượng Hải", Người đã thực hiện những cuộc vượt hiểm “vô tiền khoáng hậu”, giữa vòng vây của nhiều thế lực từ mật thám Pháp cho đến Tàu Tưởng Quốc dân Đảng, bằng tài năng, ý chí, nhân cách, phẩm hạnh và lòng kiên trì cùng sự giúp sức của những người bạn quốc tế yêu chuộng hòa bình, chính nghĩa như vợ chồng luật sư Loserby, vợ phó Thống chế Hong Kong, già Lý cùng những người dân Việt kiều Thái Lan, Hong Kong…
"Hà Nội mùa Đông năm 46", đã khắc họa hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với những quyết sách sáng suốt, đầy trí tuệ. Đối với những người dân Việt Nam sống trong thời khắc những ngày cuối năm 1946, những quyết định đối nội, đối ngoại, trong cứng có mềm, lấy nhu khắc cương, có tính chất lịch sử của người lãnh đạo cuộc cách mạng là bước ngoặt lớn cho số phận của đất nước, của mỗi người dân Việt Nam.