Tạp chí Sông Hương -
Hội họa không giãn cách
14:23 | 09/06/2021

Nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật và giải trí phải tạm gián đoạn do dịch bệnh. Nhưng với hội họa, việc giãn cách xã hội không phải là một cản trở. Sức hút từ những hội nhóm mua bán tranh và chia sẻ kiến thức mỹ thuật online càng phát huy hiệu quả trong việc kết nối cung - cầu.

Hội họa không giãn cách
Tranh của các họa sĩ đăng trong nhóm "Vietnam Art Space"

Tiện lợi và nhanh chóng

Nhận bức tranh sơn dầu, kích thước 80x100cm được đóng gói cẩn thận đến 3 lớp giấy cứng, anh Đặng Hoàng Tùng (46 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) chia sẻ: “Nhanh ghê luôn, ông họa sĩ này ở Hà Nội, đặt hàng rồi chuyển khoản mới có 3 ngày, là tranh giao tới tận nhà”. Sau vài lần tìm hiểu các nhóm mua bán tranh trên mạng xã hội, anh Tùng bắt đầu đặt hàng những tranh mình thích. “Tôi không phải là dân chơi tranh hay nhà sưu tầm, chỉ là thấy bức tranh nào thích thì mua, tôi mua bức này là bức thứ 2 trong một nhóm trên mạng”, anh Tùng cho hay.

Vài năm trở lại đây, xu hướng đưa tranh lên mạng xã hội để bán và trao đổi khá phố biến. Với những họa sĩ xây dựng được trang cá nhân hoặc fanpage nhiều tương tác sẽ chủ động trưng bày, còn nếu không thì các nhóm buôn bán, trao đổi tranh là giải pháp tiếp cận khách hàng hiệu quả, nhất là trong những thời điểm giãn cách xã hội vì dịch. Có thể kể qua nhiều nhóm trao đổi tranh có tiếng trên mạng xã hội như: “Vietnam Art Space” (với hơn 49.500 thành viên), “Họa sĩ và nhà sưu tập” (39.500 thành viên), “All about Art and Artist” (87.100 thành viên), “Art and Artist - Họa sĩ và tác phẩm nghệ thuật” (3.800 thành viên)…

Sau khi vẽ xong, họa sĩ chụp hình và đưa lên mạng xã hội, thành viên quản trị các nhóm sẽ duyệt và đăng. Đây không chỉ là xu hướng để tranh tiếp cận gần hơn với khán giả trong sự bùng nổ của mạng xã hội. Với những ảnh hưởng của dịch bệnh, cách này giúp hội họa gần như không còn khoảng cách với khán giả.

“Tôi vừa đặt online 2 bức để trong phòng khách và tặng một người bạn, rất tiện và nhanh, khoảng 2-3 ngày là nhận được tranh. Các nhóm mua bán tranh online cập nhật liên tục, chỉ cần tham gia một hoặc hai nhóm là tha hồ lựa tranh, không mất thời gian đi lại, nhưng phải lựa nhóm uy tín thì tranh mới chất lượng và thẩm mỹ”, chị Ngô Thị Minh Ánh (37 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) chia sẻ.

“Mồi ngon” cho tranh chép

Trong các nhóm mua bán tranh online, họa sĩ đăng tranh mình vẽ và khách mua tranh sẽ tự nhắn tin để trao đổi về giá cả, cách thức giao hàng… Các nhóm này cũng thường cho họa sĩ tổ chức những buổi đấu giá tranh online, mọi hoạt động mua, bán và đấu giá; cả họa sĩ và khách mua tranh đều không mất phí.

Riêng tại nhóm “Họa sĩ và nhà sưu tập”, mỗi giao dịch mua bán tranh thành công hoặc đấu giá tranh, họa sĩ phải trích 5% hoa hồng cho ban quản trị nhóm; nếu không chấp hành quy định này sẽ bị vô hiệu hóa tài khoản khỏi nhóm. Theo đại diện nhóm này, khoản phí để họ trả công cho các thành viên quản trị nhóm duyệt bài mỗi ngày.

Là thành viên sáng lập nhóm “Vietnam Art Space”, họa sĩ Hồ Minh Quân chia sẻ: “Nhóm có 3 người duyệt tranh, chỉ tính riêng phần tôi mỗi ngày duyệt cũng khoảng 100 tranh. Người duyệt tranh của nhóm đều là họa sĩ hoặc học về mỹ thuật nên có khả năng thẩm định về nội dung tranh, có đạt thẩm mỹ nghệ thuật hay không… Chúng tôi không thu phí bất kỳ họa sĩ nào có tranh được đăng và bán, bởi vì mục đích của nhóm là tạo cầu nối các họa sĩ và người yêu nghệ thuật đến gần hơn với hội họa mang bản sắc Việt, do người Việt sáng tạo”.

Tiện lợi từ những hội nhóm mua bán tranh online là có thật, tuy nhiên những họa sĩ có tên tuổi trong giới, hoặc những họa sĩ được đào tạo chuyên nghiệp từ những trường mỹ thuật thường không chọn nhóm mua bán tranh online và cả những phòng tranh bên ngoài để gửi tác phẩm. Họa sĩ Hồ Minh Quân lý giải, tranh gửi ở các phòng tranh bên ngoài, khi bán được, họa sĩ mất phí có khi tới 50%, chưa kể có một số nơi không uy tín, họ chép lại tranh và bán giá rẻ nên tranh gốc cứ “ngâm” hoài. Đăng tranh lên các nhóm online có cái lợi nhưng trường hợp bị sao chép tác phẩm vẫn có.

Với sự phổ biến của mạng xã hội, có thể nói, hội họa gần như không có khoảng cách với khán giả. Người dùng mạng xã hội đều có thể tham gia tự do trong các nhóm, nên những người có mục đích dễ dàng âm thầm sao chép tác phẩm và bán ở những nơi khác. Điều này khiến các nhóm mua bán tranh online trở thành miếng “mồi ngon” cho tranh chép. Để giải quyết triệt để vấn đề này, cốt yếu vẫn là ý thức của người sáng tác lẫn người mua bán, để có thể xây dựng môi trường giao dịch mỹ thuật trong sáng.

Theo Kim Loan - SGGP

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng