Có những người, ưa cái vẻ thô mộc, chất phác, chân quê, "lành như đất" của những món gốm làm theo lối dân gian truyền thống Việt, nên không mấy... cảm tình những món sứ của Minh Long hiện nay, bởi chúng mang vẻ chỉn chu, chính xác, hoàn thiện, tinh xảo quá!
Một người tự học cả đời, mấy chục năm nghiên cứu, ông Minh đúc kết: "Kỹ thuật công nghệ-học người Đức, dựng hình-Tây Ban Nha, vẽ, đặc biệt nghệ thuật vẽ tay trực tiếp, lên món đồ để sau đó nung lên ở nhiệt độ cao-nhiều nước, và đương nhiên, hồn tác phẩm phải lắng thật nhiều chất Việt"! Việc chọn đề tài vẽ lên từng món sứ, anh Lý Huy Đạt - phụ trách kỹ thuật - cho biết: "Ý tưởng ban đầu là của mỗi người thợ. Cái khó, quan trọng, là chính người thợ phải biết màu khi men còn sống chưa nung, và khi nung sẽ ra sao, mà để có được cái sự biết này, phải học, ít nhất 3 năm". Những món sứ nghệ thuật của Minh Long - tạm gọi bằng cái tên: sứ 1380 độ - láng mịn, với những những hình vẽ sống động như nhô ra từ không gia ba chiều: Những con ếch với màu da xanh nhăn nheo, mắt long lanh lồi ra nhấp nháy nhìn, bông hồng, bông sen hồng mịn,...
Để có được lớp màu dứt khoát - màu nào ra màu đó, có chiều sâu, ẩn thẳm dưới lớp men, ông Minh mất ba năm thử nghiệm làm sao đưa màu chìm trong men. Màu men chịu đựng trong lửa hoàn nguyên, không bị phá, men và màu có độ tương thích, men nhấn chìm màu, màu không nhoà, là cả một vấn đề! Bí quyết cũng còn ở thứ dung môi đặc biệt pha trộn với màu do ông Minh mất nửa năm tự mày mò tạo ra, để cây cọ của nghệ nhân khi "lướt" trực tiếp trên men không rít, trôi lướt, nghệ nhân có thể kéo màu vuốt màu mảnh như tóc, sau mỗi đường cọ, màu lại phải khô liền,...Vẽ xong, mang nung. "Tinh hoa từ đất. Tinh xảo từ người. Lửa hoàn nguyên cho ra sản phẩm đẹp, có hồn, màu thật hơn lửa oxy - ông Minh nói - Màu chìm, không gợn. Sứ vẽ màu nhẹ lửa, mắt thường nhìn thấy hình vẫn cộm, gợn, chưa lên được độ tinh khiết. Sứ tinh khiết thì ánh sáng phải đi qua". Theo Thuỳ Ân - LĐ
|