Tạp chí Sông Hương -
Nhạc dân tộc vẫn đầy uy lực
14:21 | 03/08/2009
Bất chấp cơn mưa lạnh lẽo tối 1-8, bất chấp cả sự đe dọa của virus cúm A/H1N1, hơn trăm khán giả vẫn tìm đến tư gia của GS Trần Văn Khê để nghe ông nói về chủ đề “Âm nhạc dân tộc - phát triển mà không ngoại lai”.
Nhạc dân tộc vẫn đầy uy lực
GS Trần Văn Khê (trái) trong buổi sinh hoạt tối 1-8 - Ảnh: P.T.N.

Nhiều bạn trẻ mỗi khi nghe nói đến nhạc dân tộc thường tỏ ra ngần ngại, nhưng tại đêm sinh hoạt văn nghệ định kỳ lần thứ 11 này, các nghệ sĩ và vị giáo sư già đã chứng minh nhạc dân tộc là cả một di sản đồ sộ, là những nét tinh túy được cha ông ta bao năm chắt lọc, giữ gìn.

Phát triển tránh ngoại lai

Trong bối cảnh ngày càng hội nhập, phát triển âm nhạc truyền thống như thế nào để tránh khỏi tình trạng ngoại lai là điều không đơn giản. Trong phần diễn thuyết của mình, GS Khê đã chứng minh sự khác biệt giữa văn hóa, tình cảm giữa người Việt và người dân các quốc gia khác.

Phương Tây có văn hóa riêng của họ nên tất nhiên những cảm xúc thể hiện trong âm nhạc cũng phụ thuộc văn hóa ấy. Người Việt trái lại, có sự tinh tế riêng của mình trong từng động tác luyến láy, nhấn nhá, trong lối hát có trên có dưới, có già có non... nhằm biểu đạt những sắc thái cảm xúc đa dạng và phong phú. Khi sang Trung Quốc, giáo sư đã chứng minh nét đặc sắc của nhạc dân tộc trong lối đàn hát có đi có về, khởi từ nốt nào quay về nốt ấy cho một sự thanh thản tươi vui hay rơi ở một nốt khác như biểu hiện của sự bất an, trắc trở...

Trên hành trình phát triển của âm nhạc VN, không ít thể loại âm nhạc chứng tỏ được chiều sâu nghệ thuật, phù hợp với đông đảo quần chúng, được người Việt sáng tạo, lưu truyền qua nhiều thế hệ, vững vàng trước thử thách của năm tháng và trở thành âm nhạc truyền thống. Thế nhưng truyền thống không đồng nghĩa với kiểu “cấm sờ vào hiện vật” như trong bảo tàng. Để không rơi vào lãng quên, nhạc cổ truyền cần tiếp tục phát triển song hành cùng lịch sử và văn minh dân tộc.

Giáo sư cũng chỉ trích một kiểu làm hỏng âm nhạc truyền thống, ông nói: “Chỉ những bài bản được phát triển hài hòa từ bên trong của truyền thống, dựa trên truyền thống mới giúp âm nhạc phát triển, còn kiểu vay mượn quy luật hòa âm, đối vị của phương Tây, biến một bài dân ca đơn âm thành đa âm với nhiều bè... mượn tiếng là cách tân, nâng cao âm nhạc sẽ không thể tồn tại lâu mà sẽ bị đào thải như một bộ phận ghép không phù hợp với thân thể”.

Từ bài Dạ cổ hoài lang với nhịp đôi ban đầu được chuyển sang nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32 vẫn được công chúng yêu thích đến những bản Sương chiều Tú Anh, Đoản khúc Lam Giang, Yến tước tranh ngôn, Phong xuy trịch liễu... chính là sự phát triển trên nền truyền thống, không hề mang tính ngoại lai, chứng tỏ sức sống mãnh liệt của âm nhạc nước nhà.

Tin vào sự tiếp nối

Nghệ sĩ Nhứt Dũng đã khiến khán giả đêm sinh hoạt ngỡ ngàng khi giới thiệu chiếc trống bồng trong dàn nhạc lễ. Chiếc trống nhỏ bé, không nhiều âm sắc, chủ yếu dựa vào tiết tấu, đâu ngờ lại trở thành một trong những tiết mục ấn tượng nhất của phần biểu diễn minh họa. Nhiều khán giả đã đứng dậy chăm chú dõi theo nhịp trống, dõi theo đôi tay như đang múa và cả nếp nhăn trên vầng trán tập trung của người nghệ sĩ để rồi òa ra từng tràng pháo tay. Bản Lý ngựa ô đã bứng người nghe khỏi ghế để họ phải lim dim mắt, lắc lư và nồng nhiệt tán thưởng, không khác khi hưởng ứng những đêm nhạc giao hưởng của các nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế từng có ở VN.

Anh bạn sinh viên du lịch vừa dùng điện thoại quay lại tiết mục vừa tấm tắc: “Em đâu ngờ trống của mình hay quá vậy!”. Bạn không ngờ cũng phải bởi giới trẻ đã không có nhiều cơ hội được nghe, được thưởng thức, được tìm hiểu về âm nhạc cổ truyền. Bạn càng ngạc nhiên hơn khi giáo sư Trần Văn Khê cho biết nghệ sĩ Nhứt Dũng từng trình tấu trống VN tại UNESCO và chinh phục cả các nghệ sĩ, các nhà khoa học quốc tế.

Dứt tiếng trống, giáo sư Trần Văn Khê ôm lấy nghệ sĩ Nhứt Dũng. Giáo sư nói: “Bài biểu diễn hôm nay còn hay hơn cả khi tôi nghe tại UNESCO và mới hơn, lạ hơn mà vẫn đầy truyền thống và rất hào hùng!”.

Ông khóc và khẳng định: “Tôi tin tưởng với những người trẻ như thế này, với khả năng này, cộng thêm sự ủng hộ của khán giả thì chỉ cần 20 năm nữa thôi âm nhạc VN sẽ phát triển mạnh mẽ chứ không chỉ như bây giờ. Hãy nhớ lại cảm xúc của các bạn khi nghe bài trống và hãy nhìn mọi người lúc này. Đây chính là sức mạnh của âm nhạc dân tộc”. Chia sẻ tâm trạng với giáo sư Trần Văn Khê, tiến sĩ Nguyễn Nhã nhấn mạnh: “Phải làm tốt công tác giáo dục âm nhạc, đưa được những buổi biểu diễn này đến các trường học để giới trẻ biết được cái hay của nhạc Việt, đó mới chính là nuôi dưỡng âm nhạc phát triển ngay trong đời sống!”.

Có lẽ không chỉ là cơn mưa tháng tám đã giữ chân khán giả lại nhà giáo sư để các nghệ sĩ phải tiếp tục biểu diễn, để các bạn trẻ vây quanh nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng hỏi địa chỉ học đàn. Nữ sinh viên Ngọc Thy nói: “Em phải đi học thôi. Lâu nay không biết nhạc mình hay, thật là có lỗi...”.

Khi nhạc ta cần... nhãn mác ngoại!

Trên những sản phẩm băng đĩa ngoài thị trường, không khó khăn gì để chúng ta tìm thấy lắm cái tên, thuật ngữ Tây trong khi nội dung chẳng có tí nào Tây cả. Lật bìa sau các album nhạc Việt, hầu hết thấy arranger, designer, make-up, stylist... chứ không phải là người hòa âm, thiết kế, trang điểm, người xây dựng phong cách... Từ bìa đĩa lấn sang nghệ danh. Sau xu hướng Hoa hóa nghệ danh là xu hướng Hàn hóa, Tây hóa. Này là Wanbi, Kiwi, Akira, nọ là Hamlet, Nadan, Baby...

Họ lý giải đó là cách để thu hút công chúng, để hòa nhập trong xu thế toàn cầu! Dẫu vậy cũng không thể chứng minh rằng Kiwi có ấn tượng hơn hay Hamlet sang trọng hơn những cái tên thuần Việt khác. Nhất là khi các đĩa nhạc đầy chữ ngoại ấy không hề được bán ở xứ người mà gói ghém trong các cửa hàng Việt, đôi khi chỉ để tặng cho khán giả biết tên.

Làng nhạc Việt còn chứng kiến sự xâm thực của ngôn ngữ nước ngoài trong từng tác phẩm, khi lần lượt những câu tiếng Anh được chèn vào ca khúc mà trong hầu hết trường hợp không giúp nội dung tác phẩm xuất sắc hơn. Trong hòa âm, những nhạc cụ ngoại nhiều khi được săn lùng để làm mới tác phẩm bằng “âm sắc lạ”.

Nhạc cụ ngoại có thể có âm sắc lạ, nhưng gắn chúng với nhạc Việt khi hòa âm liệu có phải là thủ pháp làm mới? Đó là điều còn phải bàn, nhưng nguyên nhân thực của việc ồ ạt gắn mác ngoại, chèn yếu tố ngoại vào các sản phẩm nhạc Việt phải chăng là mặc cảm tự ti của những người không đủ am hiểu, không đủ tài năng sáng tạo để tự hào với sản phẩm nhạc Việt nội địa của chính mình? Song âm nhạc không phải có giá trị ở chỗ nhãn mác dù là nhãn mác được vá víu, đắp đổi bằng câu chữ ngoại quốc.

Nếu khán giả không hài lòng với chất lượng tác phẩm thì những lớp vỏ vay mượn từ nước ngoài chẳng thể giúp níu kéo được cảm tình công chúng.


                                                                                                          Theo TT

Các bài mới
Các bài đã đăng