LTS. Người nói ắt phải có người nghe với sự cầu thị và thiện chí. Lên tiếng là một thái độ, im lặng cũng là một thái độ. Đôi khi sự "im hơi lặng tiếng" của người nghệ sĩ còn có duyên do từ môi trường văn hóa - xã hội xung quanh. Để văn nghệ sĩ hào hứng sáng tạo rất cần một môi trường có hào khí, minh bạch, tin cậy và liên tài. Chúng tôi xin giới thiệu cuộc trò chuyện của VietNamNet với đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh tham gia vào diễn đàn ’Vì sao văn nghệ sĩ "im hơi lặng tiếng"?’
Chất lượng sáng tác không ra đời trong những phòng hội thảo có gắn máy lạnh
- Nhìn vào nhiều lĩnh vực văn học - nghệ thuật trong thời gian dài qua thấy ít có những sự đột phá, chưa đáp ứng được đòi hỏi của người thưởng thức là phải có các tác phẩm hay, xứng tầm thời đại, theo ông thì lý do gốc rễ bắt nguồn từ đâu?
- Hàng chục năm nay, trong các cuộc gặp gỡ của lãnh đạo cấp trên với văn nghệ sỹ, tôi thường nghe một điệp khúc được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần: Anh chị em văn nghệ sỹ không thiếu tài, chỉ thiếu phương tiện, thiếu sự đầu tư quan tâm thích đáng của Đảng, Nhà nước… nên chưa có những tác phẩm lớn, xứng đáng với dân tộc, với thời đại… Để rồi cuối cùng đi đến kết luận: muốn có những tác phẩm lớn thì Nhà nước phải chi nhiều tiền hơn nữa. Tóm lại tiền là vấn đề hàng đầu, là lý do của mọi lý do.
Gần đây được đọc trên báo tường thuật cuộc gặp gỡ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết với đại diện các hội VHNT tại trụ sở 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, ngày 22/7 vừa qua, cái điệp khúc trên lại được nhắc lại… và rồi lại kiến nghị nhà nước tăng thêm kinh phí cho các Hội VHNT. Tóm lại: Có tiền thì sẽ có những tác phẩm lớn.
Là người làm trong lĩnh vực điện ảnh, tôi không phải là người coi nhẹ tác dụng của đồng tiền, của những phương tiện kỹ thuật tốn kém… nhưng nghe mãi cái điệp khúc trên tôi chợt nghĩ không biết đến bao giờ chúng ta mới nhìn thẳng vào sự thật để nói với nhau rằng: Cái thiếu nhất của chúng ta hiện nay là thiếu TÀI NĂNG. Thiếu tài thì sẽ không có gì cả cho dù tiền bạc, phương tiện kỹ thuật có dư thừa. Đó lẽ ra phải là mối quan tâm hàng đầu của các Hội VHNT.
Với bộ máy văn nghệ công chức thư lại như hiện nay thì mối quan tâm hàng đầu là kinh phí (để nuôi dưỡng guồng máy đó) là những cuộc hội thảo vô bổ, những lễ lạt phù phiếm nhằm cốt để tiêu tiền nhà nước một cách hợp pháp. Nếu ví văn nghệ như một cánh đồng thì người lao động miệt mài trên đồng ruộng để làm ra thóc gạo thì ít mà những kẻ chạy lăng xăng trên bờ để giám sát, hô hào, cờ dong trống mở thì nhiều. Chi phí của nhà nước để nuôi đội quân trên bờ đó, để tổ chức những hội thảo, lễ hội phù phiếm đó là rất lớn, trong khi những người làm việc trên đồng ruộng thì ít được quan tâm (nó cũng như bức tranh nông thôn hiện nay vậy).
Hàng năm có hàng chục cuộc hội thảo nâng cao chất lượng sáng tác nhưng tôi chưa bao giờ được nghe người ta bàn về chuyện làm sao để có được những tài năng trong lĩnh vực văn nghệ. Mà muốn có những tài năng đó thì phải bàn đến chuyện đào tạo, đến toàn bộ nền giáo dục nữa. Muốn có người tài thì phải làm sao tạo ra trong đời sống văn nghệ một môi trường không bị ô nhiễm để cho những tài năng được nẩy mầm, hoặc không bị thui chột. Biết bao nhiêu vấn đề được đặt ra xung quanh vấn đề cốt lõi này nhưng vì tế nhị nên ít ai muốn bàn đến. Có điều chắc chắn rằng: chất lượng sáng tác không ra đời trong những phòng hội thảo có gắn máy lạnh và có phong bì.
Môi trường văn hóa của chúng ta hiện nay bị ô nhiễm trầm trọng
- Thực tế là khá nhiều văn nghệ sĩ đang “im hơi lặng tiếng” trước cuộc sống sôi động với rất nhiều vấn đề nóng đang được đặt ra, tức là họ xa rời, dửng dưng với những vấn đề hiện tại, ý kiến của đạo diễn thế nào?
- Tôi không nghĩ tất cả các văn nghệ sỹ đều dửng dưng trước những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống, trừ một số người vì đồng tiền chạy theo guồng máy của nền văn hoá tiêu thụ đang ngự trị. Việc chưa có tác phẩm hay như chúng ta mong đợi có thể vì người nghệ sỹ lực bất tòng tâm, chưa có đủ tài, đủ kiên trì để theo đuổi đến cùng điều mình ấp ủ, nung nấu.
Nhưng thử đặt câu hỏi ngược lại: nếu có những tác phẩm đạt được những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống liệu nó có được đón nhận hay bị công kích, phê phán, đánh đòn hội chợ như đã từng thấy trong sinh hoạt văn học và điện ảnh nước nhà? Cái sự "im hơi lặng tiếng" này có lỗi của người sáng tác một phần và có lỗi của cả môi trường xung quanh nữa. Có thể nói môi trường văn hoá của chúng ta hiện nay bị ô nhiễm trầm trọng.
- Trước đây, trong những giai đoạn khốc liệt nhất của chiến tranh, người nghệ sĩ lại càng hăng sáng tác, và thực tế là trong hoàn cảnh khó khăn, lại có nhiều tác phẩm để đời, từ điện ảnh đến văn học đều "sôi sục" khí thế. Nhưng hiện tại, rất nhiều lĩnh vực nghệ thuật đang bị cơn lốc thị trường, giải trí cuốn theo. Vì sao trong bộn bề những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống, nghệ thuật hay nói cách khác những người sáng tác lại thiếu đi sự quyết liệt, thưa ông?
- Trước đây làm phim được coi là một công việc thiêng liêng. Ngày ấy không có khái niệm làm phim là để kiếm tiền, làm phim cốt để giải trí và phải được khán giả tuổi teen chấp nhận. Thời đó không ai lấy thị hiếu của tuổi teen làm định hướng cho sáng tác của mình. Tôi lấy làm lạ, cứ giở báo nào ra đọc mục điện ảnh là thấy nói đến tuổi teen, cứ như đối tượng phục vụ của điện ảnh bây giờ không có ai khác ngoài tuổi teen.
Có một thời làm phim cốt để được lãnh đạo khen, bây giờ làm phim cốt để được tuổi teen, con cái nhà giàu chấp nhận. Có một thời những phim lên gân, hô hào khẩu hiệu được cổ suý, bây giờ những phim giải trí có nhiều cảnh "hot" lại được đề cao. Trong cái bối cảnh nhiễu nhương như vậy thử hỏi những bộ phim đề cập đến những vấn đề nghiêm chỉnh của đời sống liệu có đến được với đông đảo người xem?
Có người nói rằng định hướng cho phim truyền hình trên màn ảnh nhỏ bây giờ là những ông chủ cho quảng cáo và định hướng cho nền điện ảnh bây giờ là những ông chủ các rạp xi-nê. Ấy là chưa kể từ khi mở cửa không hạn chế về số lượng và thời lượng cho phim của Hollywood, đã hình thành một lớp khán giả trẻ chỉ biết xem phim hành động của Mỹ, ngoài ra không biết thưởng thức phim ảnh của nước nào khác kể cả của nước mình (trừ những phim bắt chước theo Hollywood).
- Có thể thấy thực tế đáng buồn hiện nay là nhiều nghệ sĩ chỉ lo làm sao để kiếm được nhiều tiền, làm sao để nổi tiếng, dễ dãi hơn với những sáng tác của mình và thờ ơ với những vấn đề lớn của đất nước. Theo đạo diễn, muốn cho người nghệ sĩ hào hứng sáng tạo trở lại, máu lửa hơn với thời đại thì cần phải có những điều kiện gì? Môi trường xã hội phải có hào khí, minh bạch có quyết định nhiều tới việc kích thích người nghệ sĩ hay không thưa ông?
- Có thể nói so với lĩnh vực kinh tế thì trong giai đoạn Đổi mới, lĩnh vực văn hoá chuyển biến chậm nhất, chưa có gì thật nổi bật ngoài việc người dân bây giờ được tiếp cận dễ dàng hơn với lối sống, văn hoá từ bên ngoài du nhập một cách ồ ạt và sự xuất hiện một thứ văn hoá phục vụ cho xã hội tiêu thụ. Không những thế, lĩnh vực này cũng bị chi phối bởi tâm lý chạy theo theo đồng tiền rất mạnh và ngộ nhận rằng đó là xu hướng tất yếu của một xã hội dựa trên nền tảng của nền kinh tế thị trường.
Chính xu hướng này đã tác động không nhỏ đến sáng tác, đặc biệt trong lĩnh vực điện ảnh, tiểu thuyết, ca nhạc. Do điều kiện và hoàn cảnh lịch sử, một thời gian dài các văn nghệ sĩ đã được nuôi dưỡng trong môi trường bao cấp như những cán bộ viên chức. Chính sự "ưu ái" này đã hình thành nên một đội ngũ "văn nghệ sỹ công chức". Văn hóa phục vụ tiêu dùng đã dần dần làm cho nhiều "văn nghệ sĩ công chức" biến chất, trái tim trở nên khô cứng không còn đủ sức cảm thông với đời sống dẫn đến tình trạng như nhà văn Nguyễn Minh Châu đã nhận xét không lâu trước khi qua đời:
"Cái lỗi lớn nhất của mỗi chúng ta là đã khiếp hãi trước cái ác. Và lâu dần, dường như không làm gì được thì chúng ta coi như không có nó - cuộc đời không có cái xấu và cái ác đang hoành hành, đang chi phối số phận con người, coi như cuộc đời không có oan khiên, oan khuất…".
Theo VietNamNet |