Phòng Trưng bày quốc gia bang Victoria (National Gallery of Victoria - NGV) là một bảo tàng lớn, nơi trong vài tháng gần đây có một triển lãm các tác phẩm của bậc thầy siêu thực Salvador Dali, sau đó đến triển lãm các giải thưởng cuộc thi thiết kế đương đại Úc 2009 và một số triển lãm khác. Tất cả các triển lãm đều miễn phí, và điều đó rất có ý nghĩa với các sinh viên du học mà vẫn phải kiếm sống như chúng tôi.
Những ngày này đang là mùa đông ở
Melbourne
. Khi đến với NGV vào cuối tuần, tôi hoàn toàn được sống với thế giới yêu thích của mình, đặc biệt là ở khu trưng bày khá lớn dành riêng cho nghệ thuật của thổ dân Úc (Australian Indigenous Art). Đó là những totem (vật tổ, biểu tượng cho một bộ tộc thổ dân) và những bức tranh đầy màu sắc sống động mà các nghệ sĩ thổ dân Úc gửi gắm qua những nét vẽ đặc biệt của họ.
Ở một khoảng tường, nơi treo bức tranh sơn dầu Tự họa của họa sĩ thổ dân Vernon Ah Kee, kề đó là một tấm bảng gắn những bản in trên giấy khổ A3 đầy những dòng chữ trắng đen không mấy ấn tượng so với những bức tranh đầy màu sắc chung quanh. Với tựa chung “If I Was White” (Nếu tôi là người da trắng), những bản in ấy thể hiện suy nghĩ, quan sát từ phía cộng đồng da màu, đặc biệt là những thổ dân mà Vernon Ah Kee đứng ra làm đại diện họ để thổ lộ trước tình trạng phân biệt chủng tộc vẫn còn là một nỗi đau dai dẳng trong xã hội Úc.
Tôi cũng đặc biệt ấn tượng với bức tượng The Face of Magaram (Gương mặt của Magaram) làm bằng đất nung, vỏ bào ngư, dây bện và các loại hạt với lời ghi chú của tác giả Ricardo Idagi: “Với bức tượng này, tôi muốn ghi lại cái hồn và gương mặt của bộ tộc Magaram. Những thế hệ tiếp nối phải xem trọng việc ghi nhớ, học tập và lưu giữ kiến thức về văn hóa của thế hệ cha anh, cho dù sống ở bất cứ nơi nào. Thế hệ trẻ phải luôn giữ trong tim, trong óc những luật lệ, bài hát, câu chuyện kể, vật tổ và truyền thống do cha ông để lại”.
Nhìn gương mặt dài và đầy nét khắc khổ của tác phẩm, tôi chợt nhớ lại những lời xin lỗi của Thủ tướng Kevin Rudd trong bài diễn văn “National Apology to The Stolen Generation” (Lời xin lỗi của chính phủ Úc đối với thế hệ bị tước đoạt). Trong những năm 1869-1969, cộng đồng thổ dân tại Úc đã bị “bứng” khỏi quê cha đất tổ và từng bị ngược đãi bởi nhiều chính phủ trước thời ông Rudd.
“Thế hệ bị tước đoạt” hiện đang được chính phủ Úc dành nhiều ưu đãi như một phần của lời xin lỗi từ cấp cao nhất và cũng là những gì mà chính phủ Úc tri ân đối với những thổ dân đã cho thế hệ công dân Úc hiện nay một đất nước tràn đầy nhựa sống và nhiều tiềm năng phát triển.
Những sai lầm trong quá khứ, những nhức nhối vẫn còn đó, nhưng đã được tác phẩm nghệ thuật thổ dân Úc giúp khắc phục và làm dịu đi. Chúng không chỉ thể hiện cái đẹp mà còn chứa đựng những tư tưởng nhân bản, khoan dung.
Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần |