Tạp chí Sông Hương -
Thánh Gióng già trước tuổi, hay chuyện quy hoạch tượng đài
15:37 | 04/08/2009
Quy hoạch tượng đài ở TP.HCM phải chăng chỉ dừng lại ở việc chống xuống cấp, thay thế tượng kém, còn việc xây tượng đài thế nào để người dân cảm thấy hứng thú, tự hào, để nâng tầm vóc văn hóa của một thành phố, để tượng đạt tầm quốc gia và xa hơn nữa, là chuyện riêng của... tượng?
Thánh Gióng già trước tuổi, hay chuyện quy hoạch tượng đài
Tượng đài Thánh Gióng tại ngã 6 Phù Đổng, TP HCM. Nguồn: Wikipedia

Có tới 16 trong tổng số 44 tượng đài hiện hữu ở TP.HCM được đề nghị xây mới hoàn toàn, thay tượng khác hoặc phải tu bổ, cải tạo, nâng cấp. Đó là kết luận ban đầu sau đợt khảo sát để quy hoạch tượng đài trên địa bàn do Sở VHTTDL TP.HCM đưa ra mới đây.

Thánh Gióng "già" trước tuổi

Sau 6 tháng khảo sát tất cả các tượng đài nằm rải rác ở 16 quận huyện (trong tổng số 24) của TP.HCM, Sở VHTTDL TP.HCM đánh giá nhóm 11 tượng đài được xây dựng trước năm 1975 mắc hai nhược điểm lớn là dễ dãi về chất lượng nghệ thuật, chỉ cho thấy tượng mà bỏ qua ngôn ngữ đặc trưng của tượng đài ngoài trời là khối và ánh sáng, thiếu phong cách biểu hiện. Sở này cho rằng phần lớn số tượng đài trên "rất lạc hậu so với tượng đài trong nước và trên thế giới hiện nay". 

Tượng Trần Nguyên Hãn chưa tương xứng với khu vực trung tâm TP.HCM. Ảnh: V.Tiến
Tượng Trần Nguyên Hãn chưa tương xứng với khu vực trung tâm TP.HCM. Đó là chưa xét đến việc ngay phía bên dưới lại có thêm tượng Quách Thị Trang. 
Ảnh: V.Tiến

 Tượng Trần Nguyên Hãn đặt tại quảng trường Quách Thị Trang ở khu vực trung tâm TP.HCM đẹp, rộng rãi nhưng mắc nhiều lỗi về tạo hình. Phần tượng người yếu về cơ thể học, còn phần ngựa thay vì tạo hình cho lao lên phía trước, ở đây lại thể hiện một chú ngựa thụt lùi. Chính thế đứng mất cân đối này làm chân ngựa phía sau nhiều lần bị gãy do phải đỡ trọng lượng toàn tượng.

Cũng có từ trước năm 1975 và nằm ở khu vực trung tâm, tượng đài Thánh Gióng lâm vào tình trạng tương tự khi không thể "bay" lên vì bị một "cục đỡ" níu hai chân trước của ngựa sắt lại. Thêm nữa, do tượng được đắp trực tiếp, không tuân thủ quy phạm xây tượng đài nên gương mặt Thánh Gióng quá già so với tuổi. Theo các chuyên gia, lỗi "già trước tuổi" này rất khó sửa.

Bà Châu Mỹ Anh, Phó chủ tịch Hội kiến trúc sư TP.HCM: "Tượng đài cần không gian phù hợp"

Không gian đối với tượng đài rất quan trọng, tượng đẹp nhưng không có không gian phù hợp thì có nên dời đi chỗ khác hay không vì TP.HCM đã chật chội lắm rồi. Có những tượng đặt ở vòng xoay nhỏ thì tượng thành cản trở giao thông, mà người dân cũng chẳng thưởng thức được gì.

Chúng ta cần mạnh dạn đánh giá không gian nơi đặt tượng. Có tượng tính mỹ thuật không cao nhưng có tính biểu tượng như đi đường thấy tượng Hải Thượng Lãn Ông là biết đã vào khu vực Chợ Lớn. Vậy thì nên giữ lại những tượng đài này và tôn tạo khu vực xung quanh nó. Cũng cần lưu ý những tượng đài đã đi vào tín ngưỡng của người dân.

Không chỉ kém về chất lượng nghệ thuật, nhóm tượng đài hầu hết được xây dựng bằng xi măng cốt thép từ thập niên 1960 này còn xuống cấp trầm trọng. Tượng đài Phan Đình Phùng không chỉ được biết đến là một "địa chỉ" trùng tu nhiều lần mà còn là một tác phẩm thể hiện sự lúng túng của tác giả và tất nhiên gây lúng túng cho người xem khi để nhân vật vừa cầm súng vừa kẹp kiếm!

Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên (Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM) cho rằng: "Tượng đài trước năm 1975 thường làm bằng bê tông cốt thép đắp trực tiếp, hầu hết đều xấu vì không được xây dựng đúng quy trình. Tôi chỉ thấy một vài tượng tạm ổn, còn lại đều cần phải xây mới".

Nhóm 33 tượng xây dựng sau 1975 đa số được tổ chức thực hiện khá bài bản nên được đánh giá cao hơn về mặt chất lượng nghệ thuật. Tuy nhiên, không cần là người trong nghề vẫn thấy có những tượng đài giống nhau đến nhàm chán việc thể hiện hình ảnh công - nông - binh - trí, giương súng, vung tay tiến lên, hoặc mặt mũi cả nhóm tượng giống nhau như anh chị em ruột...

Chưa kể, nhiều tượng vướng những lỗi rất cơ bản như tượng đài Bà mẹ ở Nghĩa trang liệt sĩ thành phố nâng lá cờ cứng đơ, tượng Bà mẹ ở Bảo tàng phụ nữ Nam bộ lại có gương mặt của người già trong cơ thể một phụ nữ ở độ tuổi sung sức, nhân vật trong tượng đài Củ Chi đất thép thành đồng cầm vũ khí ngượng nghịu...

Trong sự phát triển ào ạt của kiến trúc đô thị, giao thông phức tạp ở TP.HCM hiện nay, tượng đài càng bị lọt thỏm trong mớ bòng bong đó. Ít ai có thể để ý, chứ chưa nói là ngắm nghía (thưởng thức càng xa xỉ) chẳng hạn tượng Thánh Gióng khi tượng đài này bị "đè" bên dưới những tòa nhà cao tầng ở tứ phía. Thậm chí, tượng đài Công nhân ở vòng xoay Lý Thái Tổ - Lê Hồng Phong còn bị cho là ảnh hưởng lớn đến giao thông ở khu vực này.

Quy hoạch hay chống xuống cấp?

Trong hơn ba thập niên qua, TP.HCM có đến 27 tượng đài được xây mới nhưng chỉ có một tượng đài đặt tại giao lộ ở nội thành, chính là tượng đài Công nhân vừa kể trên, còn lại hầu hết hoặc nằm trong khuôn viên nào đó có hàng rào bao bọc, hoặc ở tận vùng sâu vùng xa như Cần Giờ, Củ Chi.

Trong khi đó, nhiều tượng có từ trước 1975 nằm ở các vòng xoay thì được cho là không xứng tầm hoặc chưa phù hợp với không gian. Chẳng hạn, có ý kiến đề xuất đưa tượng một bậc quân vương vào thay vị trí tượng Trần Nguyên Hãn trước chợ Bến Thành, vòng xoay cửa ngõ phía Tây - Nam nên đặt một tượng đài sự kiện lịch sử thay vì để tượng Lê Lợi, tượng Quang Trung không thể nằm trước... cửa chợ Nguyễn Tri Phương như hiện nay...

Nhà điêu khắc Lâm Quang Nới đưa ra quan điểm: "Theo tôi, những tượng đài danh nhân lịch sử cũng không nên thay đổi. Nếu chúng ta làm lại bằng chất liệu bền vững hơn, đẹp hơn thì nên chọn chỗ đặt tượng thật "đắt" chứ không đặt lung tung dễ gây nhộ nhận".


Ông Lê Tôn Thanh, Phó GĐ Sở VHTTDL TP.HCM: "Chuyện quy hoạch không đơn giản"

Ở khu đô thị mới mà kêu nhà đầu tư dành cho mình một khoảng để xây tượng thì không đơn giản chút nào.

Đây không phải là quy hoạch của ngành văn hóa mà là một mảng của quy hoạch phát triển đô thị. Thực trạng tượng đài được nhiều người quan tâm, UBND TP.HCM cũng rất chú trọng vấn đề này, và là một trong bốn nội dung sẽ được báo cáo lên Thường vụ Thành ủy vào giữa tháng 8 tới.

Quan điểm trên đúng với các trường hợp tượng đài đặt ở những vị trí "vô duyên". Chẳng hạn nên đặt tượng Nguyễn Tri Phương tại vị trí tượng Quang Trung hiện tại do đây chính là địa điểm đại đồn Chí Hòa do Nguyễn Tri Phương xây dựng để chống Pháp. Hoặc tượng đài biểu tượng Hồ Con Rùa (do quá cao, ít ai biết đó là hình năm bàn tay dùng để nâng đồng đô la Mỹ chưa kịp gắn) có thể thay bằng tượng đài sinh viên học sinh do đây là khu vực mà giới trẻ thường xuống đường đấu tranh trong thời chống Mỹ...

Ông Lê Tôn Thanh, Phó GĐ Sở VHTTDL TP.HCM cho biết: "Ở phần đô thị hiện hữu, việc tìm ra không gian để xây dựng tượng đài không phải dễ dàng, chỉ còn ở vòng xoay hoặc công viên thôi. Nhưng có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, vòng xoay thì không thể làm tượng quá đẹp, quá lớn coi chừng gây tai nạn giao thông, còn công viên thì không phải nơi nào cũng đặt tượng được. Ở khu đô thị mới thì chủ đầu tư đưa ra cái gì, ta hình thành theo, chứ không thể định hướng cho người ta làm gì, đặt tượng gì ở đó được".

Thực tế, việc xây dựng tượng đài ở TP.HCM những năm qua rõ ràng thiếu tính quy hoạch bài bản tổng thể. Chỉ có duy nhất một tượng đài mỹ thuật, là tượng Mẫu tử trước Nhà hát thành phố nhưng lại là hàng nhái theo tượng của Trung Quốc, tượng đài mang tính biểu tượng có khá hơn: 3 tượng, trong khi có quá nhiều tượng đài sự kiện lịch sử (24 tượng) hoặc nhân vật lịch sử (13 tượng).

Quy hoạch tượng đài ở TP.HCM, đến thời điểm này được hiểu với ba hướng làm: xây dựng lại tượng đài cũ đẹp hơn ở vị trí hiện hữu, xây dựng mới bằng tượng đài khác phù hợp hơn, và xây dựng lại tượng đài nhưng đặt ở vị trí khác "chiến lược" hơn.

Nhưng chưa nói đâu xa hơn, đến những tượng đài hoành tráng ở khu đô thị hiện hữu hay đô thị mới Thủ Thiêm vào những năm 2020 - 2025, thì những kế hoạch quan trọng gần nhất, như dự án xây dựng tượng đài thống nhất đã hơn 30 năm sau ngày thống nhất đất nước vẫn chưa rục rịch, tượng đài Nam bộ kháng chiến dự kiến hoàn thành để kỷ niệm 60 năm sự kiện này (vào năm 2005) nhưng đến nay mới chỉ chọn được... vị trí.

Quy hoạch tượng đài ở TP.HCM phải chăng chỉ dừng lại ở việc chống xuống cấp, thay thế tượng kém, còn việc xây tượng đài thế nào để người dân cảm thấy hứng thú, tự hào, để nâng tầm vóc văn hóa của một thành phố, để tượng đài đạt tầm quốc gia và xa hơn nữa, là chuyện riêng của... tượng? 

Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên: "Cần có tượng đài mang tính biểu tượng cho TP.HCM"

Quy hoạch tượng đài là công việc hết sức phức tạp vì tượng đài là biểu tượng văn hóa lẫn tâm linh. Quan niệm của ông bà ta thì tượng có hồn, thiêng, sửa đã khó, đập đi càng khó hơn.

Tượng đài thể hiện thẩm mỹ văn hóa chung của một thành phố. Tượng đài của anh xấu thì người ta trông vào đánh giá thẩm mỹ của anh kém. Điều đó dứt khoát đúng vì tượng không chỉ để trang trí mà còn thể hiện văn hóa, lịch sử, xã hội. Chúng ta có 44 tượng nhưng chưa có nhiều tượng gây ấn tượng cho người dân lẫn du khách.

Tôi đề nghị nên xây dựng một tượng đài mang tính biểu tượng cho TP.HCM, ở các cửa ngõ thành phố cũng nên đặt tượng đài. Còn ở các vòng xoay, theo tôi không nên xây dựng tượng danh nhân hay sự kiện lịch sử vì không có điểm nhìn,  ở đó nên xây dựng công trình mỹ thuật.

Nhà điêu khắc Lâm Quang Nới: "Cần làm nhanh nếu không muốn tượng đài bị nhà cửa che mất"

Việc quy hoạch tượng đài đến năm 2020 theo tôi nên tách riêng ra, cái bây giờ là phải làm nhanh, tốt nhất là trong năm nay hoặc chậm lắm là đầu năm sau. Càng chậm muộn càng vướng nhiều khó khăn khi chúng ta cứ phải chạy theo quy hoạch đô thị. Tượng đài đã bị các công trình kiến trúc lấp dần rồi.

Quy hoạch tượng đài cần khoanh vùng: vùng 1 là tượng sự kiện lịch sử, vùng 2 là danh nhân và vùng 3 là tượng đài mỹ thuật. Cách làm cần gói gọn, cứ cầm các tượng đặt tại các vị trí đánh dấu trên bản đồ, không được đồng tình thì chuyển tiếp đến khi được nhất trí cao. Như thế việc làm tượng gì, đặt ở đâu sẽ dễ dàng hơn.


                                                                                          Theo VietNamNet
Các bài mới
Các bài đã đăng