Tạp chí Sông Hương -
Khai mạc ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2022
15:32 | 20/04/2022

Sáng ngày 20/4, tại di tích Lầu Tàng Thơ, thành phố Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Lễ Khai mạc ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2022. Dự buổi lễ có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ; UVTV Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; UVTV Tỉnh ủy – Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định.

Khai mạc ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2022
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm

Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, là dịp tôn vinh người đọc và những người tham gia sáng tác, xuất bản, phát hành và sưu tầm, lưu giữ sách. Đồng thời, cũng là dịp đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc tại Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình tặng hoa chúc mừng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế


Nhân ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế trưng bày triển lãm với chủ đề: "Quốc Sử Quán triều Nguyễn với công việc biên soạn chính sử - kết nối dòng chảy nghiên cứu, Bảo tồn phát huy giá trị Di sản văn hóa Huế ", nhằm khơi dậy một địa chỉ rất quan trọng về việc biên soạn và lưu trữ tài liệu để ngày nay chúng ta mới có sử liệu để nghiên cứu các hoạt động của đất nước trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của Việt Nam từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại buổi lễ


Hưởng ứng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, nhằm tôn vinh vai trò của sách, người làm sách và phát động văn hóa đọc trong cộng đồng, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế giới thiệu chuỗi hoạt động: đọc sách online với chủ đề "Tìm hiểu lịch sử - nâng bước tương lai", giới thiệu tủ sách giáo dục di sản và văn hóa đọc trong thời kỳ chuyển đổi số, được phát sóng trên các đường link, lan tỏa trên mạng xã hội; triển lãm online về những thành tựu ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình chuyển đổi số, tiếp nhận sách từ các tổ chức và cá nhân, tri ân sách cho các độc giả.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm tặng sách cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố Đô Huế


Ngoài ra, sự kiện tôn vinh sách, văn hóa đọc tại di tích Lầu Tàng Thơ còn có các hoạt động di sản với học đường qua Hội thi: "Chia sẻ cuốn sách hay" của học sinh trường THPT Nguyễn Huệ. 

Dịp này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng tiếp nhận nhiều đầu sách quý do các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử trao tặng, bổ sung thêm nhiều tư liệu quý cho hệ thống tư liệu về Huế đang lưu trữ tại Tàng Thơ Lâu.

 

Với hàng chục văn bản giới thiệu về quá trình hình thành, biên soạn, xuất bản, lưu trữ về các hoạt động của Quốc Sứ Quán và hàng chục đầu sách viết về triều Nguyễn do Trung tâm xuất bản được trưng bày bằng hình thức trực tiếp và online. Đây là một hoạt động có ý nghĩa đặc biệt, kết nối dòng chảy quá khứ, góp phần tôn vinh các giá trị lịch sử và khẳng định vai trò vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đọc, giá trị của sách trong đời sống xã hội, ý thức và sự phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam là dịp để giới thiệu, quảng bá hình ảnh con người Huế và lịch sử văn hóa Huế, nhất là trong thời đại công nghệ số.

 

 

 

Phương Anh

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng