Tạp chí Sông Hương -
Phan Vũ: “Vẽ” như “thơ”!
10:39 | 10/08/2009
Triển lãm Giai điệu màu của Phan Vũ khai mạc lúc 10h sáng 15.8 và kéo dài đến 26.8; nhưng tác phẩm thì được trưng bày từ thứ hai 10.8 tại phòng tranh Tự Do (53 Hồ Tùng Mậu, Q.1, TP.HCM). Phan Vũ được biết tiếng như một nhà thơ, nhưng ông vốn là một đạo diễn, một người viết kịch bản... Đọc nhiều bài thơ của ông người ta nói có chất phim, kiểu thơ của tài tử điện ảnh người Pháp là Jacques Prévert; nay xem tranh của ông, tôi lại thấy đầy chất thơ.
Phan Vũ:  “Vẽ” như “thơ”!

Phan Vũ viết bài thơ đầu tiên vào năm 1956, cùng thời với những kịch bản phim và sân khấu của ông trình làng. Những bài thơ “kể chuyện” và tuyến tính, như Hà Nội phố chẳng hạn, đã được nhìn với con mắt của người quay phim, nhấn mạnh vào âm thanh và bố cục hình ảnh.

Khi bước sang hội hoạ, ông lại lấy thủ pháp điện ảnh đã được thi ca hoá để bố cục tranh vẽ, một kiểu hoà trộn rất khó nắm bắt, nhưng thơ mộng. Trong triển lãm Giai điệu màu lần này, ông cũng bày 26 tác phẩm sơn dầu, khổ trung bình 100 x 100cm, với những bố cục đầy chất thơ như Cao nguyên, Một thoáng Đà Lạt, Cào xé, Mặt trời đỏ, Nhà bên sông, Mùa đông, Hoa đào, Ngẫu hứng… Bởi tất cả được ông đặt vào trong bố cục đầy ngẫu hứng, không gian một chiều, như nhìn từ trên cao xuống; điểm nhìn này dễ được chấp nhận trong cấu trúc của thơ tự do, nhưng trong hội hoạ thì có vẻ như thiếu sự gắn kết hữu cơ. Tuy nhiên, khi xem tranh Phan Vũ, ít ai quên được tư cách nhà thơ của ông, nên sự hồn nhiên và phi lý này cũng dễ được chấp nhận, như là một phần của sự sinh động, tìm tòi sáng tạo. Đó là chưa nói, trong bối cảnh mỹ thuật ngày càng chuyên nghiệp hoá, nhiều tác phẩm đang vin vào sự kỹ thuật hoá đến khô khan về bố cục, thì một bộ phận người xem vẫn thích cái gì đó lỏng lẻo, tự do.

Cao nguyên, 100 x 80cm

Sự biểu hiện, ấn tượng hay trừu tượng, nếu có ở trong tác phẩm của Phan Vũ, cũng là do cái khát khao kể chuyện thơ bằng tranh, làm cho nó ngẫu nhiên chạm đến các kỹ thuật đó. Nhiều bức Phan Vũ vẽ diễn ý, nhưng bố cục lại hoàn toàn “lạc ý”, vẽ như không vẽ. Nhìn diện mạo bên ngoài của Phan Vũ, thấy ông gồ ghề, bặm trợn… nhưng có vẻ như trong tâm hồn ông chỉ có một chữ yêu, một chữ chơi miên viễn. Ông vẽ tranh cũng là để bày cuộc chơi, bày cuộc đi, không khởi thuỷ và chẳng chung cuộc. Phan Vũ, nếu có là một hoạ sĩ, thì cũng là hoạ sĩ “vô mưu”, “vô lợi” và “vô ý”.

Hoa đào, 115 x 115cm

Mặt trời đỏ, 100 x 100cm

Tranh của Phan Vũ, tuy rộn ràng và nhiều màu sắc hơn, nhưng vẫn gợi cho người xem nghĩ về một hoạ sĩ vẽ thơ trước đây: Trần Trung Tín (1933 – 2008). Một người làm thơ lận đận nên chuyển sang vẽ tranh để giải khuây, suốt một thời gian dài chẳng mấy người nghĩ ông biết vẽ, nhưng đến nay thì tranh của ông đang được thị trường quốc tế đánh giá rất cao. Không phải ai cũng được như Trần Trung Tín, nhưng hy vọng về một đời thơ như Phan Vũ sẽ thành tựu điều gì đó qua tranh vẽ, là thiện ý mà người xem nên rộng lòng.

                                                                                       Theo SGTT

Các bài mới
Các bài đã đăng