Tạp chí Sông Hương -
Nhà cổ Cự Đà: Di sản trăm năm - người dân tự sửa!
10:43 | 10/08/2009
Làng cổ Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) giàu tiềm năng văn hoá, du lịch và kinh tế. Nhưng có những yếu tố chưa được khai thác hoặc đặt ra mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn mà nhãn tiền là sự ảnh hưởng đến những ngôi nhà hàng trăm năm tuổi.
Nhà cổ Cự Đà: Di sản trăm năm - người dân tự sửa!
Đời sống trong những ngôi nhà cổ Cự Đà.

Giải quyết nguy cơ này, riêng người dân địa phương sẽ không thể làm nổi.

Trầm tích văn hoá

Khi làng cổ Đường Lâm ở Sơn Tây (Hà Nội) được công nhận di tích quốc gia vào năm 2006, nhiều ý kiến chuyên môn cho rằng, làng cổ Cự Đà cũng rất xứng đáng với những giá trị tiêu biểu cho làng quê Việt ở Đồng bằng Bắc Bộ.

Cho đến nay, ngoài di sản đồ sộ hơn 100 nhà cổ phần lớn xây dựng từ đầu thế kỷ XX, trong đó hơn 20 nhà có hơn 200 tuổi, làng sản xuất tương và miến danh tiếng này còn sở hữu hơn 30 nhà cũ có sự giao thoa truyền thống với kiến trúc Pháp.

Hiện nhiều thông tin thú vị về đời sống và quá trình phát triển làng vẫn được lưu truyền. Như làng Cự Đà đánh số nhà và có điện thắp sáng từ năm 1929. Trên bến sông giữa làng còn có hai cột đá, trên mỗi (cột) có con cóc, giữa lưng hõm một lỗ tròn để đặt cây đèn bão, giúp những chiếc thuyền chở thóc lúa trên sông Nhuệ, từ xa đã nhìn thấy "điểm tập kết". Rồi trong làng có cách đặt tên theo nhóm như về thuỷ sản thì có người tên là Chép, Trôi..., về âm thanh lại có gười là Đùng, Đoàng...

Thậm chí, mỗi người đều có tên đệm ngộ nghĩnh và rất hợp với tính cách như Út "gà đồng", Hiển "rắn nước", Trung "tếu"... Văn hiến làng Cự Đà thì đã ghi rất nhiều trong sách vở, nơi này cũng là "điểm đến" của nhiều văn nghệ sĩ và được các nhà nghiên cứu, sinh viên mỹ thuật thường ghé về khảo cứu, sáng tác.

Thách thức nhà cổ!

Tuy được nhiều người yêu mến, trân trọng là thế, nhưng đến nay, Cự Đà vẫn chưa nhận được sự đầu tư, hỗ trợ gì của các cơ quan chức năng cho việc bảo tồn những ngôi nhà và không gian quê Việt của mình. Sửa chữa, gia cố nhỏ những chỗ xuống cấp, những năm tháng qua, các thế hệ gia chủ vẫn hoàn toàn tự túc.

Tất nhiên không thể trùng tu, sửa chữa lớn hay phục hồi những chi tiết đã mất mát do chiến tranh và thời gian. Bởi đụng vào đâu là tốn tiền. Nhà ông Đinh Văn Trường (73 tuổi, ở xóm An Lạc) đã được 98 năm, một toà nhà hai tầng kiểu Pháp bề thế, nhưng nay đã xập xệ và tầng hai đang lở lói. Đây lại chính là nơi các chiến sĩ tự vệ Hà Nội từng chiến đấu anh dũng.

Ông Trường nói: Tôi muốn sửa lại lâu rồi, kiểu cách thì vẫn đẹp, vẫn tốt, tôi chỉ muốn chát chít, làm cái mái. Nhưng ông cũng bảo: Nếu có người mua được giá, tôi sẽ bán, chia cho các con mua đất chỗ khác...

Tâm sự như của ông Trường không phải là hiếm. Trong làng cổ Cự Đà thời gian qua đã mọc lên lênh khênh một số nhà cao tầng kiến trúc kiểu "đời mới". Và đã có đến hai chục nhà cổ biến mất do gia chủ cải tạo lấy chỗ sinh hoạt và sản xuất.

Người Cự Đà muốn làm thật nhiều để giữ những cơ ngơi của mình, nhưng xem ra lực chưa thể tòng tâm. Những băn khoăn này thật không nên để kéo dài hơn nữa! Nếu chỉ có người dân giữ nhà bằng điều kiện kinh tế tự thân thì sợ sẽ đến lúc các cơ quan chức năng muốn tự hào về một diện mạo mang đậm phong thái làng quê Việt thì đã muộn!

                                                                                               Theo LĐ

Các bài mới
Các bài đã đăng