NGUYỄN KHẮC PHÊ
Nghị quyết IV của Trung ương vừa ban hành, giới văn nghệ đã có trong tay bản chỉ thị của Chính phủ quy định những chế độ, biện pháp nhằm hỗ trợ những hoạt động văn học nghệ thuật. Cũng với tinh thần khẩn trương đưa nghị quyết vào cuộc sống, trong phiên họp đầu năm 1993, Ban Chấp hành Hội Văn nghệ TT - Huế đã đề ra một số chương trình hành động, trong đó có kế hoạch "Đầu tư trọng điểm những tác phẩm công trình có giá trị cao nhưng không có hoặc ít có khả năng đem lại doanh thu". (Trích NQ. 04). Chỉ sau phiên họp một thời gian ngắn, nhiều tác giả đã báo cáo về Hội những tác phẩm, công trình cần được đầu tư để hoàn thành hoặc có điều kiện giới thiệu với công chúng.
Tuy vậy, để thực hiện được những yêu cầu đó, tôi thấy vẫn còn không ít khó khăn, cần có những quy định, những cơ chế cụ thể hơn nữa.
Trước hết, đó là việc thẩm định giá trị tác phẩm (và cả "giá trị" tác giả nữa - trong trường hợp tác giả chưa viết một dòng nào, chỉ mỗi trình bày dự kiến). Làm sao để đánh giá đúng là "tác phẩm có giá trị cao", từ đó mới có căn cứ đầu tư xác đáng. Nếu không, tiền bạc của nhân dân sẽ bị lãng phí một cách vô ích. (Gần đây, trong dịp kỷ niệm 40 năm thành lập ngành điện ảnh, chúng ta được biết Nhà nước từng đầu tư hàng trăm triệu để làm một số phim, nhưng rút cục đã không tạo ra được "tác phẩm có giá trị cao") Tất nhiên, chúng ta không đòi hỏi tuyệt đối, vượt quá khả năng hiện có, nhưng để đánh giá đúng, cần phải thật sự dựa vào các hội đồng nghệ thuật - một tổ chức mà theo chỉ thị, nghị quyết của cấp trên thì lẽ ra chúng ta phải thành lập từ lâu. Một vấn đề liên quan cần phải chú trọng là việc thành lập hội đồng cũng như phương thức hoạt động của hội đồng cần có quy chế chặt chẽ, khoa học và công khai; như thế, quyết định của hội đồng mới có sức thuyết phục cao. Chúng ta đều biết việc đánh giá tác phẩm văn học nghệ thuật thường là không đồng nhất, thậm chí có khi trái ngược nhau, nên đạt được một quyết định có sức thuyết phục cao là không dễ dàng. Và cũng lắm công phu nữa. Chỉ xin kể một tác phẩm của một tác giả trẻ đang cần được hỗ trợ để xuất bản: cuốn tiểu thuyết "Người lính đào hoa" của anh Nguyễn Việt, dày khoảng 600 trang với đề tài là cuộc chiến đấu trên chiến trường Trị Thiên. Hoặc như của anh Dương Thành Vũ: một tập truyện ngắn, ba cuốn truyện dài, một truyện phim... đã hoàn thành đang chờ được xuất bản. Muốn biết tác phẩm nào "có giá trị cao" thì phải đọc hàng chồng bản thảo dày, chứ không thể căn cứ vào tên tác giả và tác phẩm mà phán quyết.
Một việc quả là tốn nhiều công sức và phức tạp nữa. Nhưng xin cứ giả định là chúng ta đã lập được một "danh mục" các công trình, tác phẩm "có giá trị cao", vấn đề đặt ra là mức đầu tư cho mỗi tác phẩm bao nhiêu thì xứng đáng và ai là người thật sự có quyền hạn ký lệnh cấp tiền cho văn nghệ sĩ, hỗ trợ họ hoàn thành hoặc công bố tác phẩm? Thú thật, tôi chưa tìm thấy câu trả lời rõ ràng và chắc chắn, về lý lẽ thì khoản đầu tư ấy chủ yếu lấy từ ngân sách Nhà nước, nhưng có người bảo: rút cục thì cũng tùy sự quan tâm và lòng tốt của người phụ trách ngành tài chính và chính quyền địa phương; có người lại bảo: còn tùy ở uy tín và tài thuyết phục của người đứng đầu tổ chức văn nghệ. Chuyện nghe như đùa vậy, nhưng hình như cũng có một phần sự thật. Chứng cớ là đã có việc, ông B. đi "xin" không được, nhưng ông A. "ra tay" là xong ngay! (Mà sao lại gọi là đi "xin", khi mà "Văn học nghệ thuật là bộ phận trọng yếu của nền văn hóa dân tộc" như NQ. 04 đã chỉ rõ?) Đã đành ở đời lòng tốt là rất quý, vai trò cá nhân là không thể xem thường, nhưng thực hiện một chính sách, một nghị quyết mà nếu chỉ dựa vào hảo tâm và uy tín của ông A, hay bà B. thì quả là... phấp phỏng và không bền. Nghị quyết 04 cũng đã yêu cầu "Thể chế hóa kịp thời những chủ trương, biện pháp nêu trong nghị quyết Trung ương", nên đề nghị hàng năm, trong các kỳ họp quyết định việc phân phối ngân sách cho các ngành, căn cứ vào thực lực và yêu cầu của đội ngũ văn nghệ sĩ, Hội đồng nhân dân sẽ quyết định dành cho hoạt động văn nghệ bao nhiêu phần trăm của tổng ngân sách. Trên cơ sở đó và căn cứ vào kết luận của Hội đồng nghệ thuật, việc đầu tư cho hoạt động văn nghệ mới có thể tiến hành thường xuyên, đúng đắn và có hiệu quả.
Thực ra, trong lĩnh vực văn nghệ, tất cả những cơ chế và chính sách dù hoàn chỉnh và đúng đắn đến đâu cũng không thể tạo ra tác phẩm có giá trị cao, nếu thiếu sự nỗ lực vượt bậc của bản thân đội ngũ văn nghệ sĩ. Nhưng trong tình hình mà cơ chế thị trường cùng nhiều khuynh hướng tiêu cực gây ra không ít khó khăn và nhiễu loạn trong hoạt động văn nghệ, thì một chính sách và cơ chế đúng đắn được ban hành kịp thời sẽ có ảnh hưởng rất quan trọng góp phần tạo ra nhiều tác phẩm "lành mạnh, phong phú, đa dạng, đáp ứng những nhu cầu thiết yếu về đời sống tinh thần của nhân dân" (NQ. 04).
N.K.P
(TCSH56/07&8-1993)