Tạp chí Sông Hương -
Triển lãm “Phiên bản Kim Ấn triều Nguyễn”
20:48 | 10/06/2022

Chiều ngày 10/6, tại Lầu Ngũ Phụng - Ngọ Môn (Đại Nội - Huế), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Nghệ nhân nhân dân Trần Độ tổ chức khai mạc triển lãm “Phiên bản Kim Ấn triều Nguyễn”.

 

Triển lãm “Phiên bản Kim Ấn triều Nguyễn”
Cắt băng khai mạc triển lãm

Triển lãm “Phiên bản Kim Ấn triều Nguyễn” trưng bày 32 chiếc ấn làm bằng gốm thếp vàng, được chế tác dựa trên từ các tiêu bản kim ấn triều Nguyễn lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, trong đó có ấn Hoàng đế tôn thân chi bảo, ấn Sắc mệnh chi bảo, Tề gia chi bảo, và ấn của các hoàng thái hậu, Hoàng thái phi, Hoàng thái tử …v..v…- góp phần tái hiện một phần lịch sử triều Nguyễn từ câu chuyện của những nhân vật, những sự kiện gắn với Hoàng cung Huế một thời.

Án Hoàng đế tôn thân chi bảo


Các kim ấn đều là sản phẩm từ đôi bàn tay tài hoa của Nghệ nhân Nhân dân Trần Độ đến từ làng gốm Bát Tràng - Hà Nội – người đã có nhiều đóng góp trong việc khôi phục  và gìn giữ, phát huy những tinh hoa gốm Bát Tràng nổi danh ở Việt Nam, đặc biệt là trong việc đưa sản phẩm gốm Bát Tràng góp mặt trong các kỳ Festival Huế, tạo dựng mối liên kết ý nghĩa giữa các dòng sản phẩm gốm cổ với sự sáng tạo để làm ra những sản phẩm chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc.

Đại biểu tham dự triển lãm


Sự hiện diện của những phiên bản kim ấn triều Nguyễn bằng chất liệu gốm là một sự trải nghiệm mới trong nghệ thuật tạo hình và chế tác gốm Bát Tràng của Nghệ nhân Nhân dân Trần độ, góp phần giúp du khách tham quan cố đô Huế có thêm cơ hội để hiểu thêm về một loại cổ vật đặc biệt, gắn liền với quá trình điều hành và quản lý nhà nước dưới thời Nguyễn.

 

Kim bảo, ngọc tỷ là những báu vật của quốc gia. Trong 143 năm tồn tại, triều Nguyễn đã cho làm hơn 100 chiếc ấn, thường đúc bằng vàng, bạc (kim bảo) hoặc chế tác từ ngọc quý (ngọc tỷ): thời Gia Long (1802-1820) có 12 chiếc, thời Minh Mạng (1820-1840) có 15 chiếc, thời Thiệu Trị (1841-1847) có 10 chiếc, thời Tự Đức (1848-1883) có 15 chiếc, thời Kiến Phúc (1884) và Hàm Nghi (1885) đều có 1 chiếc, thời Đồng Khánh (1885-1888) có 5 chiếc, thời Thành Thái (1889-1907) có 10 chiếc, thời Khải Định (1916-1924) có 12 chiếc và thời Bảo Đại (1925-1945) có 8 chiếc. Điều đáng tiếc là một số chiếc ấn đã bị đánh cắp hoặc tiêu hủy; số còn lại gồm 85 chiếc ấn (với các chất liệu vàng, ngọc, bạc), nay đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

 

 

 

 

 

 

Phương Anh

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng