Tạp chí Sông Hương -
Gập ghềnh lối cũ
10:19 | 14/06/2022

VIỆT HÙNG

Đêm tháng 6 của Hà Nội. Căn phòng 24 mét vuông như chật thêm. Giáo sư Sơn ngồi mơ màng nhả khói thuốc.

Gập ghềnh lối cũ

Ông suy tưởng. Chiếc quạt trần cũ kỹ, kêu cót két, đã mở đến tốc độ tối đa mà căn phòng vẫn ngột ngạt. Trên bàn làm việc của ông, một lớp bụi mỏng. Dụi mẩu tàn thuốc, ông đứng dậy, đến bên cửa sổ giơ tay đẩy cánh cửa. Nhưng nó đã mở hết cỡ. Ông đứng im cố hít thở một chút khí trời...

Giáo sư sống một mình. Bà vợ của ông qua đời từ năm năm về trước. Ba năm sau thì cô con gái độc nhất đi lấy chồng. Kỳ thực chỉ một năm sau ngày về hưu, ông bắt đầu buồn chán và luyến tiếc quá khứ...

"...Khoan hãy nghĩ rằng mình sẽ làm được việc gì to tát cho đời. Đầu tiên, hãy nghĩ về một tấm lòng lớn: tấm lòng bao dung và vị tha..." - ông lẩm bẩm thầm như nói với chính mình cái câu mà khi còn đứng trên bục trước các sinh viên của mình, ông thường bắt đầu mỗi khi vào một chuyên đề khoa học mới.

- Cốc - cốc - cốc.

Ba tiếng gõ cửa. Giáo sư Sơn giật mình đánh rơi điếu thuốc. Ông thoáng nghĩ - có lẽ khách của nhà bên cạnh.

- Cốc - cốc - cốc.

Lại ba tiếng gõ cửa. Lần này thì ông chắc mình không nghe nhầm. Ai tìm mình vào lúc này nhỉ? Ông lại nghĩ - có lẽ họ nhầm chăng?

Giáo sư cẩn thận đến sát cửa nói với ra ngoài:

- Ai thế? Ai hỏi tôi thế?

- Thầy hở thầy? Em đây! Vinh đây thầy ơi!

Ông vội mở cửa. Đứng trước cửa là người đàn ông cao to mang kính trắng, có nước da rất hồng hào. Từ người anh ta, thoảng một mùi nước hoa sang trọng.

- Trời, Vinh à?! Ông nhảy đến ôm chầm người học trò. - May mà cậu xưng tên, không thì mình chẳng thể nhận được. - Ông buông người học trò ra. - đứng im cho mình ngắm tí nào... Chà, chà! Có khác gì ông Tây gốc Việt đâu nào! Trẻ ra. Đẹp trai hơn. Tuổi trẻ thật vĩ đại. - Ông lại ôm chặt người học trò cũ. - Thế nào, 2 năm qua đi đâu? Làm được những gì?... Sau phút giây cảm động, ông đưa người học trò đến ngồi bên cái bàn nước cũ kỹ. Quên cả rót nước mời khách, ông cứ tíu tít hỏi Vinh đủ thứ chuyện. Khoảng 5 phút trôi qua. Vinh giật mình:

- Ấy chết! Ông cũng giật mình.

Thưa thầy... Cho em dắt cái xe máy vào phòng. Để ngoài em sợ...

- Dắt vào ngay đi. Thời buổi trộm cắp như rươi. Già như tôi mà nó còn chẳng tha nữa là...

Giáo sư thoáng rùng mình. Ông ân hận vì đã nói lỡ lời. Nhưng, Vinh đã nhanh nhẹn mở cửa bước ra hành lang.

***

Một buổi sáng của nhiều năm trước. Sau khi kết thúc 3 tiết giảng, giáo sư Sơn xách cặp lững thững vừa đi, vừa suy nghĩ về một đề tài khoa học khác. Ông đi về dãy nhà giữ xe đạp của trường. Bước vào nhà để xe, theo thói quen, ông thò tay vào túi quần mân mê chiếc chìa khóa. Đi về đúng cái vị trí mà ông vẫn để xe hàng ngày. Lạ quá, không có xe! Có lẽ người ta đã dắt đến vị trí khác. Ông cẩn thận đi về cuối dãy, vừa đi vừa nhìn từng chiếc xe đạp, miệng lẩm nhẩm. Rồi lại đi ngược về đầu dãy. Nhà để xe quá dài. Một lần nữa, ông trở lại cuối dãy, miệng vẫn lẩm nhẩm. Cho đến vị trí của chiếc xe cuối cùng, ông thực sự hoảng hốt chạy ra gọi người giữ xe:

- Này, bác ơi! Chiếc xe của tôi đâu nhỉ?

- Giáo sư Sơn hả? Xe của ông vẫn ở trong ấy thôi!

Bà giữ xe vội vã vào tìm xe hộ ông. Nhưng tình hình vẫn chẳng khá hơn. Đến lúc ấy thì bà cũng hoảng hốt. Sau vài phút trấn tĩnh bà mới sực nhớ:

- Sáng nay ông có gởi xe cho tôi đâu!

- Chẳng gửi thì tôi đi bằng gì đến đây? Bác thật buồn cười.

- Ông cứ nhớ lại đi! Chắc chắn là sáng nay ông không gửi.

Ông lẩm nhẩm tính. Lẩm nhẩm lục trí nhớ của mình. Lúc bấy giờ ông mới sực tỉnh.

Buổi sáng, khi bước ra khỏi nhà, ông đi đến hành lang nơi mình vẫn dựa chiếc xe đạp ở đó. Ông thò tay vào túi quần rút chìa khóa. Ơ kìa, xe đâu? Cách đây một tiếng, mình dắt nó ra khỏi phòng và đã khóa cẩn thận cơ mà? Thời gian chẳng cho ông kịp suy tính, ông xách cặp chạy thẳng ra đường lộ với hy vọng sẽ gặp một người quen nào đó để đi nhờ. Bỗng một chiếc xích lô phóng lên từ sau lưng ông:

- Bác có đi không?

Chẳng cần nói, ông nhảy luôn lên xe:

- Bác đạp nhanh cho tôi kẻo muộn mất.

- Ông vội vã chỉ đường.

Thế là lần đầu tiên trong đời, giáo sư Sơn đi đến trường bằng xích lô. Đến cổng trường, ông xách cặp nhảy xuống chạy một mạch.

- Ơ kìa, bác! Bác! Cho em xin tiền! Người xích lô gọi lớn.

- Chết thật, xin lỗi bác, tôi đãng trí quá! Ông đập một cái lên trán mình. - Hết bao nhiêu tiền nhỉ? Giáo sư vội moi túi áo, rồi túi quần mà chẳng có một đồng nào.

- Gay quá, bác đợi tôi một tý.

Ông chạy về hướng văn phòng Khoa. Đến cầu thang, ông giơ tay lên xem đồng hồ - ồ, còn những 10 phút nữa. Người đầu tiên ông gặp là chị đánh máy. Mượn tạm chị này ít tiền, ông ra thanh toán tiền xích lô. Cho đến lúc ông quay lưng đi, người đạp xích lô vẫn ngồi yên trên xe tủm tỉm cười. Buổi sáng ấy, khi bước vào giảng đường, ông thực sự quên hết những việc xảy ra chỉ cách đó chưa đầy nửa giờ.

- Xin lỗi bác, tôi thật đãng trí và vô tình. - Ông nói với người giữ xe, và lại giơ tay gõ lên trán mình. - Sáng nay xe hỏng, tôi phải đi bằng xích lô.

Trưa hôm ấy, khi về đến nhà, ông vẫn mơ hồ nhìn về cái vị trí mà mình hay dựa xe ở hành lang, với hy vọng chiếc xe lại đứng yên ở chỗ của nó. Mấy buổi sáng tiếp theo, khi mở cửa nhà, ông vẫn cầu mong một phép nhiệm màu nào đó làm cho chiếc xe đạp của ông lại trở về. Phải đến buổi sáng thứ năm, ông mới dám khẳng định rằng chiếc xe của mình đã mất.

Vinh dắt vào phòng chiếc xe "Dream II” màu huyết dụ còn mới tinh. Giáo sư Sơn cúi xuống lẩm nhẩm đọc:

- Dream. Giấc mơ. Quả đúng là giấc mơ. - Ông xuýt xoa.

- Dream đời K, đời mới nhất hiện nay đấy thầy ạ!

Ông nhìn về chiếc xe đạp cũ kỹ của mình dựng ở góc phòng, bất giác thở dài...

Hồi ấy, sau khi bị mất chiếc xe, giáo sư Sơn phải lóc cóc đi chung một chiếc xe đạp tàng với vợ. Như vậy, hàng ngày ông phải chở bà đến cơ quan rồi mới được tự do sử dụng chiếc xe.

Một buổi chiều, sau hơn một tháng kể từ ngày mất xe, giáo sư đi bộ chơi một mình trên hè phố. Hình như ông chẳng hề bận tâm về chuyện mình đã mất chiếc xe ấy. Ông đang mải mê nghĩ về một chuyện khác. Như có linh tính báo hiệu, ông thôi không suy nghĩ gì nữa và để ý đến mọi vật xung quanh. Ông giật thót người khi thấy chiếc xe đạp của mình đang lù lù đứng trên vỉa hè. Ông rú lên mừng rỡ. Mò tay vào túi quần lấy chìa khóa ra. "Cạch"; khóa đã được mở. Ông định dắt thẳng xe về nhà. Nhưng sực tỉnh, ông vội khóa lại, rồi chạy như bay về hướng ngã tư:

- Hai đồng chí công an ơi! Hai đồng chí công an... Giúp tôi một tay. - Ông vừa nói vừa thở.

- Có chuyện gì thế bác? Hai người cảnh sát đang làm nhiệm vụ cũng phải hối hả theo ông.

- Mời các đồng chí về hiện trường.

Vừa đi ông vừa trình bày:

- Báo cáo hai đồng chí, chiếc xe đạp của tôi mất đã hơn một tháng, nay nó lại xuất hiện. - Ông dẫn họ đến chỉ chiếc xe đạp. - Nhờ hai đồng chí can thiệp hộ tôi.

- Nhưng lấy gì chứng minh xe này của bác?

- Đây, khóa của nó đây. - Ông moi chìa khóa ra đưa cho họ.

- Thôi, thế này nhé! Bác khẩn trương sang bên kia đường nấp vào chỗ nào đó. Chứ bác đứng đây là hỏng việc. Để bọn tôi rình xem ai sẽ ra nhận chiếc xe này.

Giáo sư răm rắp làm theo, ông sang đường, chui vào một quán nước được che bằng những tấm bạt thủng lỗ chổ. Khoảng 5 phút trôi qua. Chợt từ trong cửa hàng rau quả, một thanh niên mang kính trắng rất thư sinh bước ra. Trên tay xách một túi lưới, trong đó đựng nửa cái bắp cải, cùng mấy củ khoai tây, vừa đi anh ta có vẻ vừa đăm chiêu nghĩ ngợi. Hình như anh ta chẳng để ý gì xung quanh. Ơ kìa, cậu Vinh. - Giáo sư thốt ra. Vinh là chàng sinh viên thông minh, hiền từ, luôn được ông nâng đỡ. Năm ấy, Vinh còn là người được ông hướng dẫn làm luận văn tốt nghiệp. Ông suy nghĩ, không hiểu vì sao gần đây cậu ta cứ tránh mình. Ông định đứng dậy gọi Vinh, nhưng, chợt nhớ lại nhiệm vụ của mình mà hai người cảnh sát đã giao. Trong lúc đó, Vinh thản nhiên đi về phía chiếc xe. Quàng túi lưới lên ghi đông, anh ta chậm chạp moi túi quần lấy chìa khóa. "Cạch", khóa vừa mở thì cùng lúc hai người cảnh sát ập đến:

- Đứng yên! Cho hỏi, anh đang đi chiếc xe của ai?

- Ơ... ơ... xe của tôi.

- Trước khi của anh, nó là của ai?.

- Ơ... nó vẫn là của tôi. - Vinh trả lời tưng tửng.

- Trả lời thế đấy à! Chúng tôi còn có một chìa khóa của nó nữa kia. - Người cảnh sát giơ chiếc chìa khóa trước mặt Vinh.

- Tôi không cần biết!

Ngay lập tức, Vinh bị một người cảnh sát túm ngực áo:

- Đi ngay về đồn giải quyết. Sẽ có người chứng minh rằng đây không phải xe của anh.

Ngồi trong quán nước, giáo sư Sơn nhìn thấy tất cả. Ông hộc tốc chạy sang đường. Đứng trước mặt hai người cảnh sát, ông vòng tay trước bụng:

- Báo cáo hai đồng chí... tôi nhầm. Đây là cậu sinh viên của tôi. Chính chiếc xe này tôi cho cậu ta mượn mà tôi quên mất. Trí nhớ tôi quá là tệ hại. - Ông đập tay lên trán.

Vẻ mặt ông đầy căng thẳng, nhẫn nại. Giọng nói ông tuy run rẩy nhưng vẫn mang nặng sức thuyết phục. Sau một hồi hai cảnh sát thấy giáo sư có lý. Cuối cùng thì cả bọn người cùng bắt tay nhau vui vẻ. Ông luôn miệng xin lỗi hai cảnh sát. Khi hai người cảnh sát đã quay lưng đi, giáo sư ra lệnh cho Vinh:

- Cậu dắt chiếc xe, theo tôi về nhà.

Trên đường đi không ai nói với ai một lời. Về đến nhà, ông cẩn thận khóa trái cửa rồi hỏi Vinh:

- Bằng cách nào mà cậu có chìa khóa để lấy chiếc xe của tôi?

- Dạ... Dạ... Vì em hay mượn xe thầy. Một hôm... em đã bí mật rèn thêm một chìa khóa.

- Cậu hãy tường trình lại sự việc vào tờ giấy này!

Sau khi Vinh viết xong, ông đọc lại một lần rồi mở tủ cất vào.

- Thế chiếc xe đạp của cậu đâu?

- Em đã bán vì túng tiền. Một phần để mua sách; một phần để chi tiêu; hơn nữa... thời gian gần đây em có bạn gái nên lại có thêm một khoản chi tiêu khác.

- Cậu cần xe đạp lắm à?

- Vâng... vì ngày nào em cũng phải lên thư viện quốc gia đọc tài liệu.

- Vậy cậu cứ lấy xe tôi mà dùng cho đến cuối khóa học.

- Làm sao em có thể làm như thế được nữa! Vinh cúi đầu.

- Thôi được, cậu hãy ra về và chuẩn bị cho tốt bài luận văn. Không được sơ sài. Có gì khúc mắc phải đề đạt tôi ngay. Cậu cần tiền tiêu cứ đến đây tôi cho mượn. Và phải nhớ một điều, không được tránh mặt tôi, đó là vấn đề danh dự.

Vinh lặng lẽ ra về. Ra khỏi nhà một đoạn, anh lại quay trở vào:

- Thưa thầy, em không dám yêu cầu ở thầy thêm một điều gì nữa. Kể cả trong chuyên môn, em hiểu rằng sắp tới mình sẽ phải tự làm những gì.

Liên tiếp 3 ngày, Vinh biến đi đâu không trở về cư xá sinh viên. Trong khoảng thời gian đó, giáo sư Sơn hai lần đến tìm anh ta. Trong thâm tâm ông rất lo có gì không hay xảy ra cho Vinh. Sang ngày thứ tư, anh ta lấm lét trở về cư xá. Bước vào cổng, anh không dám nhìn ai. Anh cúi đầu đi về phòng mình. Điều bất ngờ là mọi người chào đón anh niềm nở như mọi ngày:

- Này, cậu đi đâu biền biệt thế?! Thầy Sơn đi tìm đấy!

- Đừng có ỷ vào khả năng nhé! Thầy Sơn nổi tiếng nghiêm khắc, chắc cậu thừa biết rồi chứ!

Vinh thở phào nhẹ nhõm - Vậy mà chẳng ai hay biết gì. Vào buổi chiều hôm sau, chọn đúng lúc chỉ có mình giáo sư ở nhà, Vinh lại mò đến. Giáo sư đón anh vồn vã như không có gì xảy ra. Anh ngồi im lặng rất lâu. Giáo sư buộc phải lên tiếng:

- Thế nào, bài vở tiến triển vẫn tốt đấy chứ!

- Thưa thầy... Em chẳng còn tâm trí nào mà học hành. Em cảm thấy mình quá nhỏ bé và ti tiện. Em sợ...

- Không có gì phải sợ. Coi như giữa chúng ta chẳng có gì khúc mắc. - Như để minh chứng cho điều ấy, giáo sư mở tủ lôi ra bản tường trình hôm trước của Vinh, ông châm lửa đốt ngay trên bàn. - Thế đã yên tâm chưa? Hãy trở về trạng thái bình thường. Tôi hy vọng ở cậu rất nhiều. Tài năng chẳng dễ gì đến được trong ngày một ngày hai.

Hôm đó, Vinh còn ngồi lại khá lâu, mặc dù anh chẳng nói thêm được gì. Cho đến lúc ra về, anh vẫn bị đeo đẳng bởi nỗi ám ảnh nặng nề.

Mặc dù câu chuyện về Vinh, giáo sư Sơn không hề kể cho ai, kể cả vợ con, vậy mà vẫn có một tin đồn loang trong tập thể giáo viên, rồi sinh viên của khoa. Người ta nói Vinh lừa thầy. Người ta bảo giáo sư Sơn bưng bít cho hành động tội lỗi của học trò v.v...

Ông Hải, phụ trách giáo vụ khoa, một con người khá cay nghiệt và hay định kiến, bất thần đến tìm giáo sư. Mấy tuần về trước, con trai ông, một thằng bé lêu lổng cũng đi ăn trộm xe đạp, bị người ta bắt được, đánh cho một trận thừa sống thiếu chết. Khi ông đi nhận cậu quý tử từ đồn công an trở về, việc đầu tiên ông dọa sẽ treo cổ nó lên xà nhà. Gặp giáo sư Sơn, ông Hải độp luôn:

- Sao anh lại bao che cho cái thằng mất dạy lừa thầy phản bạn?

- Không... Làm gì có ai lừa thầy, ai phản bạn?

- Anh... còn dấu tôi? Nó sẽ là cái thằng vô tích sự. Mái trường chủ nghĩa xã hội không thể đào tạo những con người như thế. Rồi, nó sẽ chỉ là một con mọt của xã hội...

- Đó là những tin đồn thất thiệt không có chứng cớ. Tôi xin được nói một lần cuối cùng: giữa tôi và cậu Vinh không hề có một vướng mắc.

Giáo sư Sơn vội vã bỏ đi xuống cầu thang.

***

Vinh lôi trong túi xách ra một chai rượu giônny - oaccơ nhãn đen, cùng một ít đồ mồi anh mua sẵn ngoài phố. Họ rót rượu. Rồi chạm ly. Chạm liên tục. Cùng với độ nồng của rượu, không khí càng thân ái. Vinh liên tục gợi ý về thời sinh viên. Giáo sư nói chuyện càng rôm rả. Tuy nhiên ông cố tránh thật xa chuyện chiếc xe đạp năm nào. Vào một lúc, ông bất ngờ hỏi:

- Cậu có xe hơi riêng rồi chứ?

- Dạ rồi.

- Màu huyết dụ?

Sao thầy biết? - Vinh ngạc nhiên.

- À... Đó là mình nghĩ thế! Giấc mơ mà lại.

Vinh cảm thấy nhói đau trong lồng ngực...

- Uống nữa đi chứ, sao lại trầm ngâm thế?

Vinh giật mình khi nghe giáo sư giục.

- Cậu vẫn hay buồn bất chợt như xưa nhỉ? Lấy vợ đi thôi, gần bốn mươi rồi còn gì.

Vinh thở dài:

- Em luôn thấy mình cô độc và mặc cảm với mọi người. Cứ nghĩ đến chuyện ngày ấy, em lại thấy mình nhỏ bé, và chưa làm được cái gì xứng đáng cho đời.

- Không, cậu làm được nhiều rồi đấy! Mình vẫn theo dõi tin tức về cậu. Cậu còn làm được những cái mà khi xưa với mình chỉ là mơ ước. Tuổi trẻ thật tuyệt vời.

***

Lại nói về chuyện ngày ấy. Một buổi sáng vào thời điểm gần cuối khóa học của Vinh. Tại giảng đường C1 của trường, người ta trang trọng chuẩn bị cho buổi bảo vệ luận văn của sinh viên Lê Quang Vinh, người dám chọn một đề tài khá mới và rộng do giáo sư Võ Sơn hướng dẫn. Đúng giờ, Vinh bước lên phía trước. Anh lần lượt treo lên bảng những sơ đồ, những minh họa, những bản chú dẫn cùng các số liệu trong quá trình nghiên cứu của mình. Anh bắt đầu trình bày phần lý thuyết bằng lời lẽ gãy gọn. Rồi qua phần thí nghiệm. Vừa nói, anh vừa viết lên bảng những công thức của các phản ứng chính, phản ứng phụ xảy ra; những giả thiết tạm thời; những kết luận chắc chắn cho quá trình 1, quá trình 2... bằng những con số đã qua nhiều lần tính toán và kiểm tra của những thí nghiệm... Cả giảng đường im phăng phắc. Cho đến khi kết thúc 2 giờ căng thẳng của buổi bảo vệ mà cũng chỉ có vài ba ý kiến phản biện, nhưng, đều được Vinh lý giải rất rành mạch. Điều đặc biệt, giáo sư Sơn không lần nào phải đứng dậy trả lời thay Vinh. Buổi bảo vệ kết thúc trong tiếng vỗ tay của nhiều thầy và trò có mặt hôm ấy. Cuối cùng là cho điểm. Bỏ phiếu kín. Có một phút nào đó, cả hội đồng chấm điểm như sững lại, chung một ý nghĩ. Giáo sư Hữu, chủ nhiệm khoa, người đầu tiên mở các lá phiếu ra xem. Ông giật mình. Tất cả các lá phiếu lúc đầu đều được ghi số 10. Nhưng sau đó một số cái sửa lại; có cái là 9, hoặc 8, thậm chí là 7. Ông tuyên bố giải lao. Sau đó chỉ có hội đồng chấm điểm cùng giáo sư Sơn được ngồi lại thảo luận. Giáo sư Hữu đọc số điểm của các lá phiếu. Trong lúc giáo sư Sơn người vã đầy mồ hôi. Có lẽ ông thực sự cảm thấy bất lực. Ông đứng dậy xin ra ngoài.

- Thưa các đồng chí. - Giáo sư Hữu nói. - Chúng ta phải thực sự bỏ qua những ấn tượng, những định kiến hẹp hòi vô căn cứ. Trong khoa học, đó là điều mơ hồ không nói lên được cái gì. Hãy trân trọng tài năng. Theo tôi, đây là bài luận văn không có một điểm hở...

Cuộc thảo luận dẫn đến cho điểm công khai. Tất cả 9/9 người của hội đồng đều giơ tay cho điểm tối đa; mặc dù có vài người còn miễn cưỡng, nhưng họ không còn một lý do nào khác. Năm ấy, Vinh là sinh viên duy nhất tốt nghiệp đạt loại ưu. Giáo sư Hữu cùng một số giáo viên của tổ bộ môn giáo sư Sơn nhất trí giữ Vinh ở lại làm giảng viên.

Vào những ngày cuối tháng 7 của năm ấy, khi mà mọi sinh viên ra trường hối hả nhận quyết định công tác thì Vinh vẫn thơ thẩn một mình vì chưa tìm được con đường chắc chắn cho mình. Một buổi chiều, hai thầy trò cùng nhau thả bộ. Đến đúng cái điểm dựng xe đạp hôm trước của cửa hàng rau quả, Vinh chợt hỏi:

- Thưa thầy, theo thầy em có nên ở lại trường?

- Không. Không nên. Cậu sẽ không tránh khỏi những định kiến hẹp hòi, cùng mặc cảm của chính bản thân. Cậu vào thành phố Hồ Chí Minh đi! Tôi sẽ giúp đỡ. Đó mới chính là bầu trời cho những chú đại bàng xám được tung cánh.

Chỉ sau 10 ngày, Vinh lên đường vào thành phố Hồ Chí Minh với quyết định điều động của Bộ Đại học, cùng tấm bằng đỏ, kèm theo 2 lá thư giới thiệu của giáo sư Hữu và giáo sư Sơn gửi cho giáo sư Thanh, hiệu trưởng một trường đại học lớn trong đó. Hành trang vào đời của Vinh thật nhẹ nhõm. Vào đến nơi Vinh được mọi người nồng nhiệt đón tiếp. Bằng sự khiêm tốn, nhẫn nại; cùng đức tính thích học hỏi, cầu tiến của mình, Vinh mau chóng chiếm được cảm tình, mến mộ của nhiều người. Mấy năm đầu, anh liên tục đi công tác Hà Nội và được gặp thầy. Ngoài ra mỗi thành công nho nhỏ của anh, giáo sư Sơn đều được biết qua thư từ. Sau 3 năm giảng dạy, Vinh được cử đi làm luận án phó tiến sỹ ở nước ngoài. Rồi luận án tiến sỹ. Về nước anh trở thành một giảng viên mà tên tuổi được nhiều trường đại học biết đến. Anh lại đứng vào vị trí mà ngày xưa thầy của anh đã đứng. Và, vào một giờ giảng mới, câu mở đầu của anh vẫn là: "...Đầu tiên, hãy nghĩ về một tấm lòng lớn: tấm lòng bao dung và vị tha."

Vào thời kinh tế mở cửa, thành phố Hồ Chí Minh quyết định thành lập "công ty chuyển giao công nghệ sinh học", công ty được sự tài trợ của một tổ chức tư nhân Nhật Bản. Nhiệm vụ của công ty phải là cầu nối giữa các trung tâm nghiên cứu khoa học của nhiều trường đại học với các tổ chức công nghiệp trong và ngoài quốc doanh. Chủ tịch thành phố đích thân xin Vinh về làm giám đốc. Anh có nhiều dịp ra nước ngoài công tác. Anh tiếp tục làm những cái mà khi xưa thầy mình còn dang dở. Anh còn làm được những điều mà trước đây với thầy anh chỉ là mơ ước.

***

Đêm đã khuya. Hai thầy trò đều đã thấm men. Vinh thấy cũng đến lúc nên xin phép ra về.

- Thưa thầy, hai năm gần đây em không có dịp ra Hà Nội vì phải liên tục đi xa.

- Mình cũng đoán biết như thế. Đất nước cần phải có những người như cậu: tuổi trẻ, tài năng, và sự quyết đoán.

- Thưa thầy... thú thật em ra đây đã 3 ngày. - Vinh gãi đầu, mắt chớp chớp, rồi anh móc túi lấy ra mấy tờ giấy. - Em mua chiếc xe này tặng thầy, và mấy ngày nay em đã làm xong thủ tục giấy tờ đứng tên thầy...

- Sao cơ?... Giáo sư cắt ngang - Xe này cho tôi?... Không! Đừng làm thế! Nó to tát quá!!!

- Vâng! To thì to thật. - Vinh giụi mắt. - Nhưng, so với tấm lòng của thầy thì nó chả là cái gì. Thầy hãy coi đây như một vật kỷ niệm của đứa học trò hư hỏng năm xưa.

Vinh đứng dậy vội vã ra khỏi nhà. Chỉ còn mình giáo sư, ông ngắm nhìn chiếc xe. - Ôi, một giấc mơ, nhưng, nó đến với ta quá muộn màng. Những 100 phân khối. Sức vóc đâu mà cưỡi nữa... Ông vùng chạy ra khỏi nhà. Lúc này Vinh đã đi được một đoạn khá xa trên hè phố. Tiết trời dịu xuống. Đêm Hà Nội lại mờ ảo. Vinh sải bước nghe lòng mình thanh thản.

- Vinh ơi Vinh! Đứng lại tí đã.

Vinh quay đầu thấy giáo sư Sơn đang đuổi theo mình. Chạy đến nơi, ông ôm chặt lấy anh:

- Vinh ơi, xe cộ, nhà cửa... mà làm cái gì, khi ở tuổi 70, người ta suốt ngày phải lủi thủi một mình. Khi nào cậu lại ra? Mình sợ sự cô đơn lắm rồi.

- Thưa thầy... phải 6 tháng nữa em mới ra được, mặc dù em vẫn muốn sớm hơn.

Vinh dìu thầy trở lại nhà. Đến ngang cửa, anh ôm vai thầy:

- Con sẽ cố ra sớm hơn. Dù ở xa nhưng lúc nào con cũng nghĩ đến căn phòng này. Ở đây con có một người cha nhân hậu, một tấm lòng lớn, thưa thầy...

Huế tháng 12 - 1993
V.H.
(TCSH63/05-1994)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng