Tạp chí Sông Hương -
Con số 13
14:50 | 22/06/2022

VIỆT HÙNG

Tosenli bước vào tiệm cho thuê đồ "Con Ngỗng Vàng". Người chủ tiệm thấy ông, theo thói quen, chẳng cần hỏi, đi thẳng đến nơi treo đồ.

Con số 13
Nhạc sư người Ý Enrico Toselli, tác giả của bản Serenata "Rimpianto" (Chiều tà) nổi tiếng- Ảnh: internet

Ô thứ 13. Chủ tiệm đem ra bộ đồ biểu diễn cho thuê với giá rẻ hơn những bộ khác rất nhiều. Trước đây, chẳng ai chịu thuê nó chỉ vì nó mang con số 13. Từ ngày Tosenli xuất hiện ở tiệm nầy, bộ đồ ấy được "cất" cho riêng ông.

* * *

Nhà hát trung tâm thành phố Bret. Một buổi tối thứ năm trong tuần. Tiết trời ấm áp. Buổi hòa nhạc dành cho những sáng tác mới của cả các nhạc sỹ đã nổi tiếng và chưa nổi tiếng. Khán giả bị thu hút ngay từ bản Conxecto mở màn của nhạc sỹ B...

Tosenli ít khi biểu diễn chung với giàn nhạc. Ông thường chỉ chơi một mình. Hôm ấy, tiết mục của ông được xếp sau những phút giải lao. Bước ra sân khấu, nâng cây vĩ cầm lên vai, ông nhắm mắt say sưa kéo. Không khí nhà hát im ắng. Bản nhạc của ông kết thúc bằng một cao trào khá đột ngột, gây hẫng hụt cho khán giả. Tiếng vỗ tay nổi lên không được mạnh mẽ lắm. Có lẽ nó mang màu sắc động viên hơn là hâm mộ. Chỉ lẻ tẻ vài ba bó hoa được trao đến tay ông. Ông cúi chào mọi người. Quay lưng chuẩn bị bước vào. Chợt, tiếng la ó nổi lên ầm ĩ. Ông sững đi mấy giây không hiểu gì cả. Tiếng la ó nổi lên to hơn. Ông vội vã đi về phía cánh gà. Người ta chỉ ra sau lưng áo ông. Ông quờ tay, phát hiện miếng kẽm mang con số 13 của tiệm thuê đồ treo lủng lẳng sau lưng mà ông quên tháo cất. Tosenli xấu hổ xách đàn ra về. Tại nhà hát dành cho giới thượng lưu này, đó là điều sỉ nhục. Chẳng có ai đến đó biểu diễn mà phải đi thuê quần áo.

 

Minh họa: Nguyên Minh

* * *

Một buổi chiều. Trong công viên. Tosenli thơ thẩn chẳng có mục đích. Từng cặp trai gái sát vai nhau, nhởn nha. Những em bé đùa vui nhộn. Ánh hoàng hôn lung linh thẫm đỏ. Tosenli tìm về một ghế đá trong góc vắng người. Ông trầm ngâm nghĩ lại sự việc đêm biểu diễn vừa rồi. Ông không lý giải nổi những khát khao đầy buồn tẻ. Sự kệch cỡm ư? Do mình hay do ai? Ông chợt bừng tỉnh. Nốt nhạc đầu tiên hiện lên trong óc, rồi kéo theo những nốt khác thành một chuỗi liên hoàn, xối xả. Ông lấy giấy chép vội. Những nốt nhạc mềm mại cứ vờn qua, múa lại. Ông chạy nhanh về nhà, lấy đàn ra dạo thử. Sửa lại chút ít ở đoạn giữa. Ông chơi lại lần nữa. Rồi lần nữa. Buông đàn, ông ôm mặt òa khóc nức nở. Bản nhạc đã mang trọn của ông nỗi buồn; lòng khát khao vô bờ tìm về với ngọn nguồn cuộc sống. Trong phút chốc ông quên đi bất hạnh của mình.

Nhà hát trung tâm thành phố Bret. Vẫn một buổi tối thứ năm trong tuần. Tiết mục của Tosenli được sắp xếp thứ ba. Ông bước ra sân khấu đầy tự tin. Khoan thai dâng tiếng đàn, đưa mọi người lạc về mộng tưởng. Tiếng nhạc dặt dìu, da diết, như muốn mở tung cõi lòng nhạc sỹ. Tiếng nhạc oán thán. Tiếng nhạc dạt dào êm trôi. Rồi thiết tha khẩn cầu. Để rồi cuộn lên như thác đổ. Đây, nỗi mong manh, gầy yếu của một kiếp người! Đây, nỗi khát khao yêu thương đồng loại! Đây, phút ái ân quằn quại bên lửa lạnh, tro tàn! Đây, sự tận cùng nghèo túng! Nhưng, chẳng sao đâu, ta vẫn cứ tồn tại. Trong phút chốc, tưởng rằng, người đời quên mình đang ở đâu...

Không khí im ắng. Thỉnh thoảng có tiếng nấc nổi lên. Giọng đàn bặt ngừng. Tosenli đứng yên nhắm mắt. Một phút. Hai phút. Rồi tất cả như òa vỡ trong âm thanh hỗn loạn. Người ta tung hoa về phía ông. Cả một rừng hoa. Hình như tất cả số hoa hôm đó, khán giả mang theo đều dành trọn cho ông. Khi trật tự được lập lại, ông cúi chào mọi người. Quay lưng, ở tư thế hơi nghiêng, ông lại đứng im. Một lần nữa cả nhà hát sững đi. Im bặt. Nhiều tiếng nấc nổi lên. Tiếng sụt sịt lau mũi. Tiếng khóc nghẹn ngào. Tosenli bình tĩnh bước vào. Sau lưng ông, miếng kẽm mang con số 13 vẫn đủng đỉnh, đung đưa! Hôm ấy là lần đầu tiên ông trình diễn bản Serenat của mình.

* * *

Sau đêm biểu diễn thành công ấy, Tosenli không bao giờ còn quay lại nhà hát trung tâm thành phố Bret. Bản Serenat của ông còn ngân mãi đến hôm nay. Qua mấy thế kỷ nó càng xanh tươi. Nó xứng đáng là một trong hai bản nhạc chiều hay nhất thế giới, bên cạnh bản Serenata của SuBe.

Huế, tháng 4 - năm 1994
V.H.
(TCSH66/08-1994)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng