Tạp chí Sông Hương -
Thời của nhà biên kịch?
09:17 | 12/08/2009
Sự ra đời của hàng chục nhà sản xuất phim tư nhân làm phim truyền hình đồng nghĩa với nhu cầu về kịch bản ngày càng lớn, trong khi số người viết được kịch bản hay không nhiều. "Cầu" cao nhưng "cung" thấp, bởi vậy các nhà làm phim phải… đốt đuốc đi tìm nhà biên kịch trước khi nghĩ tới một ê-kíp làm phim phù hợp.
Thời của nhà biên kịch?
4 thành viên nhóm biên kịch Song Thủy Lưỡng Hà.

Các nhà biên kịch được săn đón

Tính theo lượng phát sóng, mỗi năm các đài truyền hình "ngốn" khoảng 500 tập phim. Các hãng phim tư nhân đang phải đối mặt với bài toán thiếu kịch bản, đúng hơn là thiếu kịch bản hay. Với cơ chế đổi giờ phát sóng lấy quảng cáo của các đài truyền hình hiện nay, việc có được kịch bản "sạch sẽ" là yếu tố tiên quyết để nhà sản xuất tự tin hơn trong việc tìm các đối tác quảng cáo. Vì thế, chưa bao giờ các nhà biên kịch có tên tuổi được săn đón như bây giờ. Những người viết được kịch bản dài tập có thể kể đến Phạm Thùy Nhân, Nguyễn Mạnh Tuấn, Châu Thổ (Bích Thủy), Nguyễn Thu Phương… ở phía Nam; Đoàn Trúc Quỳnh, Trịnh Thanh Nhã, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Anh Dũng, Đỗ Trí Hùng, Hà Thủy Nguyên, Lê Tấn Hiển… các nhóm: Song Thủy Lưỡng Hà, SGR, Sói con… ở phía Bắc. Chưa kể đến một số đạo diễn viết kịch bản khá mát tay.
 
Theo giới chuyên môn, có được những kịch bản "dài hơi" không phải ai biết viết kịch bản đều có thể viết được và viết đều đặn, nhất là những người chỉ quen viết kịch bản điện ảnh. Có kịch bản rồi, "đầu ra" không khó. Năm ngoái, VTV điều chỉnh giá kịch bản từ 5 triệu đồng/tập lên 6 triệu đồng/tập. Với những đề tài "nóng" hay một vài cây bút có "thương hiệu" thì giá còn cao hơn. Các hãng phim tư nhân có thể trả 8-10 triệu đồng/tập hoặc hơn nữa tùy thuộc vào chất lượng kịch bản và cả tên tuổi người viết.
 
Không ai viết nổi 100 tập?

Có một thực tế là các nhà biên kịch có tên tuổi thường sa vào lối mòn, khô cằn, cũ kĩ, nhất là khi viết kịch bản về đời sống hiện đại. Một nhà biên kịch của VFC khẳng định, có đốt đuốc cũng… không thể tìm được người có khả năng viết trên 100 tập kịch bản hấp dẫn từ đầu đến cuối. Chia sẻ ý kiến này, nhà biên kịch trẻ Hà Thủy Nguyên, tác giả kịch bản Đi về phía mặt trời, Vòng nguyệt quế, Blog nàng dâu… nói: Cái yếu nhất của kịch bản trong nước nằm ở việc xây dựng cấu trúc.
 
Ngay cả những nhà biên kịch có "thương hiệu" thì vẫn có tình trạng kịch bản "đầu voi đuôi chuột", nghĩa là phần mở đầu… hoành tráng nhưng về sau thì "teo tóp" dần. Ý tưởng hay ho trút hết ở phần đầu, ở phần sau chỉ kéo dài thêm cho… đủ số tập!
 
"Kịch bản hay và dàn diễn viên diễn tròn vai đã được coi là ổn, còn thì… ai đạo diễn cũng được", một nhà sản xuất phim tư nhân thậm chí còn quả quyết như vậy. Không hề coi nhẹ vai trò của đạo diễn nhưng nhà sản xuất này cho rằng, đạo diễn như "bà đỡ" mát tay chứ không thể biến một kịch bản tồi và dàn diễn viên dở thành một bộ phim hay được. Không ai phủ nhận vai trò quan trọng của đạo diễn cũng như các thành phần khác cùng chung công sức làm nên một bộ phim hay. Tuy nhiên, kịch bản được coi là "bột" để "gột nên hồ", vì vậy, chất lượng của "bột" vẫn đang là yếu tố được đặt lên hàng đầu, điều đó cũng có nghĩa các nhà biên kịch chắc tay sẽ còn có "đất diễn" dài dài...
 
                                                                                                           Theo HNM

Các bài mới
Các bài đã đăng