NGUYỄN KHẮC PHÊ
Mấy năm trước, trong dịp cùng lên thăm vườn An Hiên của bà Nguyễn Đình Chi, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân đã giới thiệu cho tôi biết cụ Sa Giang Đào Thái Hanh (thân phụ của bà Nguyễn Đình Chi, tức bà Đào Thị Xuân Yến) có tập thơ "Ái Châu danh thắng" (trong "Mộng Châu thi tập") được các danh nho đương thời đánh giá rất cao.
“Đọc Mộng Châu thi tập lời lời châu ngọc..." (Đệ nhị giáp tiến sĩ Đào Nguyên Phổ). Tiếc là tập thơ bằng chữ Hán chưa được dịch xuất bản, nên còn ít người biết.
Cuối năm 1995, đúng 90 năm sau khi Đào Thái Hanh viết "Ái Châu danh thắng", tập thơ đã được Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành, với lời giới thiệu và bản dịch của giáo sư Phan Ngọc.
Đào Thái Hanh là một người giỏi chữ Hán và tinh thông Pháp ngữ, nhưng không theo nghiệp khoa cử. Dù vậy, trong 20 năm (từ 1894-1915), bằng sự uyên bác và thông minh, ông đã được thăng tiến từ một viên chức nhỏ lên đến tham tri Bộ Lại (tương đương Thứ trưởng) và cuối cùng là Tuần vũ (tỉnh trưởng) Quảng Trị. Ông bị bệnh và mất ở đây khi chỉ mới 45 tuổi.
Tác phẩm thơ văn ông để lại, ngoài "Mộng Châu thi tập", còn có nhiều bài viết bằng tiếng Pháp đăng trong những số đầu tiên của Tập san "Đô Thành Hiếu cổ" (B.A.V.H.), trong đó có 4 truyện kể lại sự tích các nữ thần Việt Nam. Ông viết các truyện này trong hai năm 1914-1915. Trước đó, năm 1913, khi đang giữ chức tham tri Bộ Lại, ông đã được các nhà nghiên cứu Huế mời làm sáng lập viên Hội Đô Thành Hiếu Cổ. Bốn truyện nữ thần Việt Nam (Sự tích Thiên Y A Na Thánh Mẫu - Thánh mẫu Liễu Hạnh - Sự tích Thánh mẫu Thái Dương Phu Nhơn - Sự tích Thánh mẫu Kỳ Thạch Phu Nhơn) qua bản dịch của Bửu Ý cũng đã được in trong tập sách kể trên. Đây là những truyện lịch sử, vừa có giá trị dân tộc học, vừa có giá trị văn học. Cũng có thể nói đây là những tác phẩm dân tộc học đầu tiên của giới nghiên cứu Việt Nam.
42 bài thơ trong tập "Ái Châu danh thắng" được Đào Thái Hanh viết trong lúc làm tri huyện Nga Sơn (Thanh Hóa), ông đã khăn gói ra đi khắp tỉnh Thanh, tìm hiểu lịch sử và các danh thắng trong vùng, mỗi nơi dừng bước ông đều có thơ. Như vậy, “Ái Châu danh thắng" gần như là những trang nhật ký. Giáo sư Phan Ngọc đã đặt vấn đề: Vì sao những trang nhật ký vịnh cảnh bình thường rất dễ tẻ nhạt này lại khiến các nhà nho lỗi lạc nhất thời đó thán phục? Và ông đã trả lời: Trước hết đó là sự đồng cảm với triết lý phương Đông. Khác với người phương Tây thường coi thiên nhiên là phương tiện, là mục đích để chiếm hữu, cải tạo; trong thơ Đào Thái Hanh, con người là một bộ phận hữu cơ của vũ trụ, tìm đến thiên nhiên là tìm về cội nguồn. "Do đó bài thơ nào cũng hòa quyện vào quá khứ. Quá khứ sống dậy với sức khêu gợi của nó. Cho nên “Ái Châu danh thắng" thực tế là lịch sử Ái Châu đượm sắc thái huyền thoại. Tôi, Sa Giang, có thể làm gì? Tôi nguyện góp phần giảm bớt những khổ đau của dân... Niềm vui của tôi? Một chén rượu, một sự hòa nhập với gió trăng, mây khói. Niềm an ủi đã không làm dân khổ. Có thế thôi. Tôi biết nói cùng ai? Tâm sự ấy, tâm sự Sa Giang, thế hệ sau cần phải hiểu... Tôi dịch thơ Sa Giang, vừa dịch vừa khóc... (Trích lời giới thiệu của Phan Ngọc)
Theo cách "giải mã" của giáo sư Phan Ngọc, mời bạn đọc cùng lần giở "Ái Châu danh thắng"... Sách in không nhiều, tiện đây, xin trích giới thiệu một bài:
XEM ĐỘNG BÍCH ĐÀO ĐỀ Ở VÁCH
Từ Thức đi rồi cảnh xót thay!
Hoa đào, nước chảy khác bao ngày
Mù chăng cửa động đường đi lại
Rêu phủ vách non thơ bấy nay
Thần tiên ẩn nấp đâu tìm thấy
Cây cỏ vô tình chẳng biết hay
Ca nhạc lâu đài đâu có nữa
Hang không ao vắng phủ bèo đầy!
Xin được nói thêm: Sa Giang Đào Thái Hanh đến Nga Sơn lúc 30 tuổi cùng lứa tuổi với quan tri huyện Nga Sơn cách đây vài trăm năm là Từ Thức. Từ Thức rời bỏ thế gian thành tiên, chẳng ai gặp được. Còn Sa Giang, dù có khi tự nhủ "Thẹn mình cốt tục...", hậu thế đã gặp được ông, chia sẻ tâm sự cùng ông qua tập sách này.
Huế, 8.3.1996
N.K.P
(TCSH86/04-1996)