Tạp chí Sông Hương -
Những trang đời, trang văn
16:26 | 21/02/2023

LÊ XUÂN VIỆT

(Nhân đọc hồi ký "Âm vang thời chưa xa" của Xuân Hoàng. Nxb Văn học và Hội Văn nghệ Quảng Bình 1996)

Những trang đời, trang văn
Ảnh: tư liệu

Cầm cuốn sách in đẹp khá dày dặn trên tay, đọc với tâm trạng hào hứng từ những trang đời, trang văn của nhà thơ Xuân Hoàng, dù yêu thích nhưng tôi vẫn chưa dám viết những dòng nhận xét về tác phẩm này, nếu chỉ là độc giả chưa một lần hoặc ít nhất mới gặp gỡ nhà thơ qua đôi lúc bất chợt, tình cờ nào đó. May mà tôi đã có một khoảng thời gian sống cạnh nhà thơ từ sau ngày đất nước thống nhất. Tôi đọc hồi ký của Xuân Hoàng và từ trong sâu thẳm tâm hồn chợt nhớ lại ký ức được gặp ông lần đầu ngay tại trụ sở Hội Văn nghệ tỉnh. Có lẽ nhờ những ký ức ấy, tôi mới mạnh dạn đặt bút viết về “Âm vang thời chưa xa" - một tập hồi ký công phu và đầy tâm huyết, lắm trang đời, trang văn hay và sâu sắc, những kỷ niệm riêng chung thời thanh xuân của nhà thơ. Một nguyên nhân xa xôi nào đó nữa mà Xuân Hoàng đã động viên tôi rất tế nhị khi tôi đến thăm ông ở khách sạn 02 Lê Lợi đầu tháng mười này. Ông tiếp tôi với nụ cười rộng mở, đầm ấm. Nhà thơ đọc những bài thơ vừa sáng tác ở thành phố Hồ Chí Minh, ở Huế như thuở nào. Khi tiễn tôi ra về, chiều tối, mưa Huế rơi rả rích, Xuân Hoàng lặng lẽ tâm sự thêm: ''Mình có đọc bài viết của cậu về anh Mai Văn Tấn trên tạp chí Nhật Lệ số vừa rồi. Cậu viết ngắn, chân thật và giàu tình cảm với anh Tấn - một nhà văn trọn đời lo lắng cho đời và trang sách. Thú thật, mình mừng và tin rằng cậu đọc chắc sẽ hiểu hơn cuộc đời và những trang văn trong thơ mà mình đã sống và viết trong suốt nửa thế kỷ này".

Không biết có phải lời tâm sự thân tình của nhà thơ ở lứa tuổi “thất thập", đầu bạc phơ mái tóc với nụ cười khó quên ấy hay chính những ngày được sống gần gũi và làm văn chương cùng ông mà tôi bỗng dấy lên cảm hứng muốn viết một vài điều gì đó về tập hồi ký của nhà thơ. Chắc là cả hai lý do đó thì phải, vừa là quá khứ vừa là hiện tại cứ đan xen, thao thức, thúc giục tôi cầm bút và hãy viết. Với tâm trạng ấy, tôi không muốn bạn đọc coi bài này như những nhận xét phê bình một tác phẩm văn học mà chỉ mong sao được chia sẻ những cảm nhận ban đầu của một bạn đọc thông thường đến với cuộc đời và những trang văn, trang thơ của thi sĩ Xuân Hoàng.

Dễ chừng gần hai chục năm đã trôi qua, kể từ khi tôi được trực tiếp gặp nhà thơ lúc ông vừa từ “miền đất lửa" Quảng Bình vào Huế để hội nhập Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên. Tôi nhớ những ngày còn ăn thứ mì hạt mà dân vẫn gọi là “bo bo", cơm độn sắn khoai, "bo bo" đó. Thế mà đời sống tinh thần vẫn sôi nổi, hào hứng, sôi nổi là âm vang của ngày đất nước toàn thắng. Xuân Hoàng khi đó mới ngoài ngũ tuần, một trí thức, một nhà thơ yêu đời, yêu nghề, ham chơi thể thao, tính tình sôi nổi, vô tư. Tâm hồn ông đa sầu, đa cảm, lãng mạn, lạc quan giữa cuộc sống đời thường đầy bươn chải lúc bấy giờ. Thật là kỳ lạ, Huế với những vỉa hè ngút ngàn màu xanh khoai sắn, thành nội rêu phong, lác đác vài nhóm người đến thăm viếng, dạo chơi thì Xuân Hoàng chiều chiều vẫn tạt qua cơ quan để rủ tôi chơi bóng bàn. Như những vận động viên không chuyên khác, ông chỉ cầm vợt ra về sau khi đã hòa hoặc thắng đối phương cuộc chơi mới đến hồi kết thúc. Tôi yêu mến ông bằng những biểu hiện tình cảm giản dị, “dễ thương" như vậy, dù Xuân Hoàng ở bậc tuổi cha chú của tôi trong quan hệ xã hội. Đôi khi để hiểu thêm về cuộc sống gia đình nhà thơ, tôi gợi chuyện xa xôi, ông cười ha hả, trả lời một câu ngắn gọn và dí dỏm đọc ứng khẩu câu thơ: "Một đàn con gái lau nhau. Như bom nổ chậm nằm sau hiên nhà".

Bây giờ qua lời tâm sự với ông tôi được biết “đàn con gái lau nhau" đã trưởng thành, cả bốn cô đều tốt nghiệp đại học, hai cô là bác sĩ y khoa, một cô theo nghề văn, cô bé út làm báo đều sống làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, hai ông bà chiều theo ý các con vào sống cùng thành phố và chẳng hề phải lo "như bom nổ chậm, nằm sau hiên nhà" nữa vì ba cô chị đã có gia thất sống êm đẹp với chồng con, chỉ cô út sớm tối còn có điều kiện trực tiếp chăm nom, quan tâm đến vật chất, tinh thần của ba mẹ.

Lan man về nhà thơ Xuân Hoàng như vậy, thế nào cũng có bạn đọc trách tôi sao không viết thẳng nhận xét về tập hồi ký cho gọn có hơn không? Tôi đành chịu trách thôi vì tôi quan niệm rằng đọc hồi ký của các bậc cha chú, đàn anh, trước hết phải hiểu họ sống hiện tại ra sao và mới hiểu được những chuyện đã qua mà người kể đã từng chiêm nghiệm. Với Xuân Hoàng trang đời là những trang văn. Ông chân thật kể chuyện mình như vốn đã diễn ra trong cả quãng đời có vui buồn, khổ đau, mất mát, đôi khi những chi tiết không lấy gì làm "đắt" lắm trong văn chương nhưng quả là tác giả tránh được lối viết “thi vị", "đánh bóng", làm hào nhoáng quá khứ của đôi người nào đó viết hồi ký cho riêng mình, vì mình mà chúng ta đã từng đọc. Với vốn hiểu biết ít ỏi và kinh nghiệm giảng văn ở bậc đại học, tôi đọc nhiều hồi ký của các nhà văn, những nghệ sĩ danh tiếng, những vị tướng lĩnh tài năng, những nhà ngoại giao thông minh sắc sảo nhưng thú thật tôi còn nhớ không lấy gì nhiều lắm về những trang hồi ký ấy. Có lẽ, do thời gian có sức "nhiệm màu" làm cho trí nhớ con người lắm nhớ, nhiều quên là lẽ thường tình. Khi đọc hồi ký của bất cứ ai, tôi thường yêu thích và có thói quen rất chú ý đến sự chân thực của trang văn, lời tự bạch của tác giả về số phận của một con người trong xã hội, trong thời đại mà họ đã sống hiện hữu như một người bình thường.

Đọc hồi ký của Xuân Hoàng, điều tôi quan tâm nhiều nhất là tâm sự của ông với bạn đọc ngay trang đầu: "... Với tư cách của một người làm thơ, tôi chỉ xin kể lại những điều tai nghe, mắt thấy, những cảm nhận và suy tưởng rút ra được trong thời đang sống có kiểm nghiệm và phê phán. Sự trung thực với chính mình cũng không phải dễ dàng. Đây là những cố gắng vượt lên của một tấm lòng muốn hướng về cái đẹp qua âm vang lắng đọng của "một thời chưa xa"."

Suy nghĩ từ hơn bảy trăm trang hồi ký, tôi rút ra một nhận xét nho nhỏ: tác giả đã nói là làm, là viết và trang viết như tấm lòng của ông đối với bạn đọc xa gần. Ở thời buổi cuộc sống đang cuốn theo cơn lốc kinh tế thị trường dù Huế một thành phố yên tĩnh, mơ màng như thời "sương khói mờ nhân ảnh" mà thi sĩ Hàn Mạc Tử cảm nhận thời xa xưa, để có được ngày giờ, phút giây lặng lẽ trầm lắng đọc hồi ký của nhà thơ thì tác phẩm ấy có sức hấp dẫn, cuốn hút nào đó. Sức sống những trang hồi ký của Xuân Hoàng do nhiều yếu tố tạo nên nhưng trước hết là sự trung thực trong sáng mà tác giả say mê, hào hứng, trầm buồn kể với bạn đọc. Nói cho khách quan đọc các tập hồi ký văn học của Nguyễn Công Hoan và Tô Hoài - hai nhà văn Việt Nam mà tôi yêu thích và mến mộ - "Đời viết văn của tôi", "Cát bụi chân ai", người đọc hiểu được nhiều, nhiều lắm về văn chương và cuộc sống. "Âm Vang thời chưa xa", Xuân Hoàng có cách thể hiện khác, không giống như hai nhà văn nổi tiếng, bậc đàn anh trên. Hồi ký chỉ tập trung viết về những số phận những mảnh đời ở một vùng đất, một thời gian hạn hẹp có sự dồn nén chọn lọc. Thời gian nghệ thuật và không gian nghệ thuật trong hồi ký tuy không dài, không rộng nhưng tác giả cũng khá ngợp trước những kỷ niệm, chi tiết bộn bề của hiện thực. Vì thế cũng dễ hiểu khi đọc tác phẩm, chúng ta thấy đôi chỗ bị dàn trải, lặp lại chi tiết, hình ảnh, sự kiện mà nhà thơ không làm chủ được lúc kể và viết trên trang giấy. Thời gian nghệ thuật của hồi ký bao quát từ những năm ba mươi đến kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngòi bút Xuân Hoàng biểu hiện thời gian nghệ thuật có sức thuyết phục, đa dạng xen kẽ quá khứ, hiện tại, dự cảm tương lai, dĩ nhiên quá khứ bao giờ cũng chiếm phần quan trọng hơn cả. Cũng xuất phát từ một điểm nhìn nhất định, nhà thơ thể hiện đặc điểm tư duy nghệ thuật của mình trước dung lượng lớn của hiện thực. Trong thế giới nghệ thuật, thời gian nghệ thuật bộc lộ qua những trang văn hay và tinh tế. Với số lượng trang viết khá dài, thời gian nghệ thuật trong “Âm vang thời chưa xa" thường nghiêng về xu hướng miêu tả chi tiết nên thời gian trôi chậm. Việc làm chủ tư liệu, chọn lọc, xử lý các sự kiện, con người, giải quyết mối quan hệ khăng khít, gắn bó giữa thời gian nghệ thuật với không gian nghệ thuật... là thử thách khá nghiệt ngã đối với tài năng của người nghệ sĩ viết hồi ký nói riêng, tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung. Cùng với thời gian nghệ thuật ấy, một không gian nghệ thuật khá sinh động khiến hồi ký có sức vang xa, thấm sâu trong tâm tưởng bạn đọc. Thật khó quên những trang Xuân Hoàng viết về Cố đô Huế cách đây hơn sáu chục năm, về thị xã Đồng Hới với những địa danh như xóm Câu, cầu Dài, ga Thuận Lý, ngọn hải đăng trên cửa biển Nhật Lệ, Bàu Tró đầy nước ngọt và cây xanh quanh bờ, tháp nước cùng tiếng chuông Tam Tòa ở giữa lòng thị xã. Không gian nghệ thuật vừa động vừa tĩnh qua bao biến đổi thăng trầm của lịch sử.

Hồi ký của Xuân Hoàng nổi bật thế giới nhân vật đông đảo, đa dạng. Thế giới nhân vật phải kể đến từ ông bà, họ nội, họ ngoại, thầy dạy học, bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp, những bậc tiền bối, những nhà yêu nước, những chiến sĩ cách mạng, những con người quen thân thuở thiếu thời đến khi trưởng thành, Xuân Hoàng đều kể lại, miêu tả với những trang thấm đẫm tình cảm nồng hậu. Phải chăng chính những con người gần gũi, thân quen gắn bó ấy là ngọn lửa, là chất men say trong những trang thơ của thi sĩ mấy chục năm qua.

Đọc hồi ký của Xuân Hoàng, tôi chợt nhớ lại câu thơ của đại thi hào dân tộc: “...Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài". Vâng! Chữ tâm trong cuộc đời và tác phẩm của nhà thơ như những sợi tơ lòng nối liền giữa cá tính sáng tạo của thi sĩ với đông đảo người đọc. Những cảnh đời, trang viết về mối quan hệ đồng loại, về tình yêu, tình bạn, nghĩa vợ chồng, anh em được tác giả kể lại bằng một bút pháp riêng vừa mộc mạc vừa mang nét khái quát, cụ thể của phong cách nghệ thuật hiện đại.

Dừng lại ở trang cuối cùng tập hồi ký, tôi cứ nhớ hoài lời cầu mong thành tâm của nhà thơ: "Mình chỉ mong sao còn khỏe mạnh để viết cho xong tập hai của “Âm vang thời chưa xa". Chắc cũng vài ba năm nữa đấy cậu ạ".

Tiễn ông đi trại sáng tác văn học ở Đà Lạt sắp tới, trong tôi xáo động niềm vui và nỗi buồn khôn tả, lẫn lộn giữa hy vọng, chờ mong và lo lắng. Hy vọng chờ mong ông sẽ có những trang hồi ký "hay hơn nữa" viết về thời kỳ hòa bình sau 1954, những năm kháng chiến chống Mỹ quyết liệt, anh hùng và cũng đáng quan tâm hơn là những yếu tố nào tạo nên chất thơ trong chặng đường nghệ thuật của thi sĩ. Lo lắng, bồn chồn vì sức khỏe của Xuân Hoàng đang phải chống chọi với bệnh tật và tuổi tác khiến ông đi đâu xa cũng phải kèm theo túi thuốc mà bà vợ luôn nhắc nhà thơ phải cẩn trọng, giữ gìn. Tính ông vẫn vậy, viết văn, làm thơ là dễ "quên hết lời em dặn dò". Âu đó cũng là nét riêng tạo cho tác phẩm của Xuân Hoàng có sức âm vang của thời chưa xa và đương đại mà nhà thơ gửi gắm cho Đời.

Huế, 10-1996
L.X.V.
(TCSH94/12-1996)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng