Tạp chí Sông Hương -
Trò chuyện đầu xuân mới
15:41 | 21/04/2023


LÊ XUÂN VIỆT

Trò chuyện đầu xuân mới
Ảnh: internet

Nhân dịp đầu năm mới - 1997 Đinh Sửu - một năm đầy hứa hẹn nhưng cũng đầy thử thách gay go đối với tình hình kinh tế và xã hội của đất nước, trong đó có vấn đề văn hóa văn nghệ; chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với một số anh chị em văn nghệ sĩ TTH, trao đổi với nhau nhiều vấn đề về nghề nghiệp. Ghi lại đôi nét chủ yếu dưới đây, chúng tôi không có ý kết luận, khẳng định điều gì mà chỉ mong muốn góp thêm một số suy nghĩ, gợi ý, tham khảo...

Tôn trọng ý kiến riêng của từng người, chúng tôi xin ghi nguyên văn, giới thiệu cùng quý bạn đọc của Tạp chí.

                              -TCSH -

Tạp chí Sông Hương: - Là nhà văn, với chức vụ phó chủ tịch Hội VHNT Thừa Thiên Huế, xin anh cho bạn đọc Tạp chí biết thêm về phong trào sáng tác của hội viên trong năm qua và những định hướng chính của Hội trong năm nay?

Nguyễn Khắc Phê: - Việc đánh giá phong trào văn nghệ năm 1996 một cách đầy đủ thì còn phải chờ hội nghị tổng kết của Hội. Riêng tôi, xin dẫn ra hai sự việc diễn ra trong những tháng cuối năm mà theo tôi là rất có ý nghĩa: đó là phòng tranh của Ngô Lan Hương, một nữ họa sĩ trẻ lần đầu trình làng. Phòng tranh đẹp, có tính cách riêng, đến mức Tạp chí Sông Hương đã cho chụp ảnh lại toàn bộ, nhưng lại không bán được bức tranh nào. Việc đáng kể nữa là sự xuất hiện liên tục các bài ký của nhà văn Nguyễn Quang Hà, các bài phê bình của Lê Xuân Việt và tập thơ thứ hai được xuất bản trong năm của nhà thơ Hải Bằng. Họ là những tác giả dù gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống vẫn lao động sáng tạo không ngừng nghỉ: còn các phòng tranh do nhiều nguyên nhân, dù không bán được, các họa sĩ vẫn tiếp tục đăng ký được triển lãm. Lao động sáng tạo không chạy theo đồng tiền và làm việc hết sức mình. Có thể nói đó là nét đặc trưng diện mạo tinh thần của văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế. Nếu để kể thành tích thì tất nhiên phải dẫn ra nhiều sự việc, nhiều con số khác: 8 tập sách đã được xuất bản; tổ chức 11 cuộc triển lãm tranh và ảnh nghệ thuật; cuộc thi thơ thu hút đến hơn 3000 bài của hơn 700 tác giả trong cả nước; nhiều tác giả được giải thưởng văn học nghệ thuật trong và ngoài nước và rất nhiều cuộc giao lưu trao đổi với bè bạn quốc tế v.v...

Mặc dù vậy, những người làm công tác văn học nghệ thuật chưa thể tự bằng lòng nhất là khi nghĩ đến chỉ còn mấy tháng nữa là hết nhiệm kỳ đại hội và chỉ còn mấy năm nữa là nhân loại bước sang thế kỷ 21. Chúng ta vẫn chưa có được "tác phẩm lớn" như nhân dân trong tỉnh cùng bè bạn gần xa trông đợi. Lực lượng trẻ tuy vẫn tiếp tục xuất hiện nhưng chưa có những tên tuổi khiến dư luận trong nước chú ý, trong khi đó một số cây bút trẻ đã khá định hình trong những năm trước, do nhiều nguyên nhân, hình như đã buông bút. Quỹ sáng tác văn học nghệ thuật vẫn chưa được hình thành; mọi hoạt động văn nghệ chủ yếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước cấp tùy theo hảo tâm của cấp có thẩm quyền chứ không theo một quy chế nào nhất định. Cũng vì vậy hoạt động văn nghệ chưa được bảo đảm lâu dài và vững chắc, một số công việc trước mắt đã không thực hiện được như việc tổ chức trại sáng tác năm 96 vì thiếu kinh phí phải hủy bỏ, kế hoạch xuất bản tổng tập văn học dân gian TT. Huế chưa thể triển khai...

Nhân nói đến "quy chế" cho hoạt động văn nghệ, tôi cũng không hiểu vì sao các tổ chức như Hội đồng Nghệ thuật, kiến trúc sư trưởng đến nay vẫn chưa hình thành. Không có những tổ chức như thế, tình trạng tùy tiện, thậm chí dẫn đến sai lầm trong quản lý và hoạt động văn nghệ rất dễ xảy ra.

TCSH: - Là cán bộ phụ trách Hội bận nhiều việc, vậy việc sáng tác của anh ra sao, và có trở ngại khó khăn gì trong hoàn cảnh hiện nay?

N.K.P: - Trong năm 1996 tôi có 2 tác phẩm được xuất bản. Thực ra, đây là công sức của nhiều năm trước, năm 1996 chỉ là thời điểm nó xuất hiện. Tập "Những chặng đường từ Huế" (Nhà xuất bản Thuận Hóa) tuyển chọn 16 bài bút ký, phóng sự tôi đã viết trong 20 năm qua, trong đó đề tài tôi quan tâm là các công trình khoa học và văn hóa cùng cuộc sống của đội ngũ trí thức. Cuốn thứ hai là tiểu thuyết "Mười ngày và cả mười năm" (Nhà xuất bản Thanh Niên). Cuốn sách vừa được in xong vào những ngày cuối năm 96. Sự bình luận và đánh giá xin dành cho bạn đọc.

TCSH: - Xin cám ơn anh. Chị Mỹ Dạ. Người ta nói đến thời hiện đại, máy móc có thể thay thế được tất cả. Thơ ca lúc đó sẽ chẳng còn đất sống. Sẽ chẳng có ai cần thơ. Chị có tin điều đó không ?

Lâm Mỹ Dạ: - Theo tôi tâm linh con người là vô hình, chỉ nắm bắt được bằng kinh nghiệm trực giác. Thơ là tâm linh. Chừng nào con người còn trái tim thì nhân loại còn thơ. Chừng nào thế giới còn khổ đau và cái đẹp thì thơ vẫn còn. Tôi không tin thơ có ngày tận thế.

TCSH: - Người ta thường có cảm xúc thơ khi hạnh phúc hoặc lúc khổ đau. Là một nhà thơ đã sáng tác lâu năm, chị nghĩ thế nào về điều này?

L.M.D: - Hoàn toàn đúng, và xin nói thêm, kể cả những khi người ta cô đơn nữa. Thơ thường đến với tôi trong lúc cô đơn. Một bài thơ tôi mới viết gần đây cũng ở trong tâm trạng đó. Bài thơ "Ném thia lia", ở đới, người ta không bao giờ nghĩ đã có thể bay được; vậy mà nhờ sóng, đã có thể lướt đi nhẹ nhàng. Những cái tưởng như phi lý mà lại thật có lý. Tôi nhớ hai câu kết của bài thơ :

Ước gì cầm được cô đơn
Ném thia lia để hóa buồn thành vui

Người ta có thể cầm được hoa, được quả, được những vật hữu hình khác. Và chỉ có thơ mới có thể "cầm nắm" được cái vô hình của tâm linh. Ấy vậy mà người đọc vẫn chấp nhận được, vẫn thấy có lý. Phải chăng đó là sự kỳ diệu của thơ ca ?

TCSH: - Xin phép sẽ bàn tiếp với chị về chuyện này. Anh Hải Bằng, kính chào anh năm mới. Anh có thể cho biết quan niệm của anh với thơ ca và vai trò của người nghệ sĩ đối với xã hội đối với quê hương?

Hải Bằng: - Tôi đi theo thơ, cũng có thể nói thơ đi theo tôi đã gần hết tuổi sống của mình, mãi đến giờ vẫn còn xa lắc. Đi cho tới ngày đến đích, tôi phải cắm cọc từng chặng trên con đường dài để tự thấy mình qua từng thời gian đọng lại chất trữ tình và chất hùng tráng trong thơ. Đời làm thơ, tôi chia thành hai giai đoạn : - Phần chiến đấu trong quân đội thời chống Pháp cho đến thời chống Mỹ - Phần trữ tình từ ngày giải phóng đất nước cho đến hôm nay.

Tôi đi theo thơ như sợi tơ trời bay nhẹ nhàng êm ả giữa ngày nắng hạ, bỗng bị trận gió Lào bạt đến làm sợi tơ bị mắc trên cành. Chẳng bao lâu làn gió nồm thổi đến, sợi tơ được lá cành thả ra lại bay tiếp theo miền rừng, qua cánh đồng lúa còn con gái, bay dọc dòng sông. Lúc ấy sợi tơ trời đã thành sợi tình óng ả niềm hy vọng...

Tôi làm thơ như người cầm cày suốt ngày trên cánh ruộng - như người trồng hoa chăm lo cho hoa nở đúng mùa - như người chăn nuôi gà vịt mong cho sân nhà sớm chiều rộn rã, chẳng có gì hơn. Điều quan trọng là thơ phải có tiếng nói của mình như tất cả mọi ngành khác. Cũng như con chim ấp tổ, đợi đến ngày trứng nở ra những tiếng hót cho vườn.

Thơ đến với tôi như giấc chiêm bao, có những vui buồn đã hiện lên trong hư ảo. Khi mở mắt nhìn đời lại được thấy toàn sự thật.

Đi theo thơ, tôi không gặp may mắn như những bạn đồng hành, đồng lứa. Có người vừa bước chập chững trong thơ đã được tôn lên thành nhà thơ, thành thi sĩ... Có người được bao cấp in nhiều tập trong thời gian rất ngắn. Họ đều bước lên xe cùng dạo khắp các địa hình - gọi là đi thực tế để lấy đề tài sáng tác. Còn tôi, tôi hoàn toàn tự túc. Trong lúc không ai nhìn mình thì mình tập trung cao độ để tự nhìn. Điều ấy tôi cho rất bổ ích. Tôi nghĩ - khi mình tự nhìn được mình rất kỹ rất sâu rồi mới nhận được giá trị của con mắt chân thành hướng vào xã hội.

Ông bà đã phù hộ cho tôi điều may mắn nhất, đó là sức chịu đựng với bệnh tật. Nghị lực của tôi là thơ. Thơ đã thành liều thuốc làm giảm đau khi cơ thể tôi hoàn toàn nhức nhối. Vì thế cho nên tôi rất chung thủy với thơ như sự thủy chung của tình yêu vậy.

Nói đến đề tài sáng tác thơ, tôi xin trích một đoạn cuối của bài ký tôi mới viết đã được Đài Tiếng nói Việt Nam vừa đọc với đầu đề : "Tôi nhen sức sống theo từng bước đi của mình để làm thơ về Huế":

Gian khổ và vất vả nhiều, tôi đã tạm nhìn được phần nào nơi mình sống để viết. Tôi tự nghĩ mình nên viết tại chỗ mình đang đứng - nếu đứng thì đứng bằng chân đất. Viết về quê hương tôi phải hiểu thấu mọi nẻo đường đã đi qua vì khi đi xa quê hương hàng dặm thì tình nghĩa với quê hương càng cô đọng. Nhờ có những cuộc đi mới hiểu được quê hương qua nỗi đợi chờ và hy vọng để thể hiện trái tim chân thật của mình cho thơ.

Tôi phải giữ gìn những điều tốt đẹp của quê hương sẵn có. Chớ để mất đi những lời mẹ mắng bên tai thuở còn thơ ấu và cả lời ru của mẹ đã hóa thành đời.

TCSH: - Rất cám ơn anh. Mấy năm qua nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã cho in khá nhiều bài báo, vậy mà vẫn xuất bản được 2 tập thơ được dư luận đánh giá cao, đặc biệt tập Đồng dao cho người lớn là 1 trong 5 tập thơ được vào chung kết giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam mà nhiều người khá tiếc là nó không trúng giải; lại ra mắt một tuyển tập ca khúc và một album âm nhạc chất lượng cùng với hàng loạt bìa sách vẽ tặng bạn bè và minh họa cho tạp chí. Anh cho biết là anh đã sắp xếp lịch làm việc thế nào để sử dụng quỹ thời gian cho sáng tạo hiệu quả đến vậy?

Nguyễn Trọng Tạo: - Đơn giản tôi là người viết, tôi phải nghĩ tới tác phẩm. Nếu nhà văn mà không viết văn, tức là anh đã không làm cái thiên chức của mình. Nhưng viết văn làm thơ không giống như quảng cáo sữa cô gái Hà Lan "Khi ta cần là có, khi ta muốn là được", mà phải lao tâm khổ tứ, phải sống, phải nghĩ và phải biết chớp lấy những cảm hứng sáng tạo để làm nên tác phẩm. Sáng tạo là "trời cho", nhưng nghệ sĩ phải biết nhận, biết biến của "trời cho" thành của chính mình. Âu Dương Tu nói: "Vật quý chỉ đến với người thích nó". Văn chương cũng vậy thôi, nó sẽ tuột khỏi ta nếu ta không biết tôn trọng văn chương. Chính vì vậy mà lịch làm việc của tôi là niềm đam mê và chỉ có đam mê mà thôi.

TCSH: - Xin anh nói rõ hơn về những sáng tác của anh vài ba năm nay?

N.T.T: - Năm 1994 tôi in tập Đồng dao cho người lớn gồm 55 bài thơ chọn trong 5 năm. Năm 1995 tôi in tập Thư trên máy chữ và tản mạn thời tôi sống là do yêu cầu của nhà xuất bản Đà Nẵng, cũng là tập thơ tôi tâm đắc khi phát biểu quan điểm của mình về nghệ thuật và cuộc sống. Vừa đây Hội nhạc sĩ Việt Nam và nhà xuất bản Âm nhạc quốc gia xuất bản cho tôi tập Nguyễn Trọng Tạo ca khúc chọn lọc và băng nhạc Tình khúc bốn mùa hầu hết là những nhạc phẩm tôi viết trong 10 năm lại nay. Hiện nay tôi đang có trong tay 2 tập tiểu luận về thơ và những vấn đề văn học. Tôi vừa hoàn thành tập thơ mới gồm 50 bài. Một nhà xuất bản phía nam có nhã ý đề nghị tôi cho họ xuất bản tập 100 bài thơ tình. Thú thật, ngoài sáng tác, tôi cũng có "máu làm báo". Vì không giữ một chức tước gì, nên thời gian của tôi có "tung tẩy" hơn, tôi làm việc thêm cho một số tờ báo như Văn Nghệ, Quốc Tế để có thêm lương và viết báo để kiếm sống, nhưng chủ yếu tôi viết về những gì liên quan đến văn hóa, nó hợp với tư duy của người sáng tác.

TCSH: - Sức làm việc của anh quả là "khủng khiếp" !

N.T.T: - Nhiều lúc ngoảnh lại, tôi cũng thấy lạ cho mình, không hiểu mình đã "sắp xếp" để viết vào lúc nào. Vì tôi khá nhiều bạn "rủ rê" khề khà chuyện đời bên chén rượu, và còn giúp vợ con những việc lặt vặt ở nhà nữa.

TCSH: - Anh vừa nhắc đến bạn bè. Vậy anh nghĩ gì về bạn bè văn nghệ ở Huế?

N.T.T: - Lực lượng anh em làm văn nghệ ở Huế thật đông đảo. Chúng tôi giúp đỡ nhau chủ yếu là "đơn lẻ". Đặc biệt là những người viết trẻ rất cần được nâng đỡ, giới thiệu họ với văn dân cả nước. Nhưng những người trẻ cũng cần tự mình khẳng định mình bằng tác phẩm, bằng nhân cách sống và bằng những hoạt động thiết thực cho sáng tạo. Nếu ai coi văn chương như đồ trang sức, hẳn người đó chẳng bao giờ trở thành tác giả thực sự được. Ngoài sự giúp đỡ "đơn lẻ" bạn bè, chúng ta có cả một tổ chức Hội có sự bảo trợ ngân sách của nhà nước (dù là hạn chế), Hội phải thực sự là mái ấm của gia đình văn nghệ và mỗi người đều phải có trách nhiệm với "gia đình" đặc thù ấy của mình. Chúng ta cần có nhiều trại viết, trại vẽ và những câu lạc bộ cho các văn nghệ sĩ trẻ, ở đó, những văn nghệ sĩ đàn anh có thể trao đổi kinh nghiệm với họ. Có như thế Hội mới ĐÔNG và VUI, cùng TÂM ĐẮC với NGHIỆP đã chọn, sẽ có nhiều TÁC GIẢ hơn.

TCSH: - Anh có thể nói gì với bạn đọc về một năm mới đang đến?...

N.T.T: - Năm mới như một trang sách trắng đang mời gọi cây bút những nhà văn nghệ sĩ mà mực viết là dòng nhựa bất tận của cuộc sống. Tôi có thể nói gì trước trang sách trắng thời gian ấy? Đối với tôi, bạn đọc bao giờ cũng là những ông quan tòa nghiêm khắc nhất, đồng thời họ cũng là những người bạn chân tình nhất. Niềm háo hức cảm thông hay sự thờ ơ lãnh đạm của bạn đọc với tác phẩm đều phụ thuộc vào ngòi bút nhà văn. Điều đó luôn nhắc nhở văn nghệ sĩ chúng ta về trách nhiệm thiêng liêng trước con người và thời đại. Xã hội đang bước tới một nấc thang mới cao hơn, văn nghệ sĩ không có quyền tụt hậu, nếu không muốn nói rằng anh phải là những người nâng đỡ và vẫy gọi phần hồn của con người, của thời đại. Có như thế Văn nghệ mới thực sự có ích cho xã hội. Và tôi nghĩ, những văn nghệ sĩ chân chính sẽ không ngần ngại khi nói với bạn đọc rằng: "Xin chào bạn! Mời bạn hãy đọc tôi!"

TCSH: - Vâng, xin chào anh. Mời anh hãy đến với bạn đọc bằng những tác phẩm mới tuyệt vời hơn. Bây giờ là một cây bút trẻ đang được bạn đọc chú ý. Anh Dương Phước Thu, nhiều bút ký của anh gần đây đọc khá thú vị vì trong đó chứa đựng nhiều kiến thức lịch sử văn hóa của vùng đất Thuận Hóa xa xưa. Tại sao anh lại đẩy ngòi bút của mình về hướng khai phá những tầng văn hóa chìm khuất sau lớp bụi thời gian?

Dương Phước Thu: - Đối với tôi, trong từng bước chân lội khắp miền đất Châu Hóa xa xưa này, tôi cảm thấy (chỉ là sự cảm thấy trong từng bước chân tâm linh chứ không nhìn thấy) đâu đâu cũng đầy những sự kiện, những dấu ấn lịch sử văn hóa của các nhóm người tộc người đã chung sống qua các thời đại trên mảnh đất này. Họ đã cày xới, gieo hạt gặt hái để rồi lại hóa thân vào đất đai xứ sở. Năm tháng trôi qua như dòng chảy, chỉ còn bám lại đôi bờ của nó chút ít phù sa, mà nếu biết cách nuôi dưỡng tôi tin chắc rằng chút ít phù sa ấy cây cối sẽ xanh tươi hơn. Tôi vốn sống trong hoài vọng nên rất tâm đắc lời dạy của cụ Huỳnh Thúc Kháng rằng: "Học sử là sống với người đã chết. Học địa để sống với non sông đất nước mình". Phải thừa nhận là đôi khi ngẫm lại tôi vô cùng sửng sốt, bởi chính nơi tôi đang sống "đã qua nhiều tầng kiến trúc văn hóa nghệ thuật xếp chồng lên nhau" để có một tính cách, một bản sắc, hay hơn thế là một "vùng văn hóa Huế" rực rỡ ngày nay. Và như si mê lòng đầy tâm nguyện tôi xăm mình đi tới cùng theo hướng "lục cổ rêu mờ" này.

TCSH: Đối với những người viết trẻ, việc tiếp xúc với kiến thức văn hóa cổ hẳn không phải ai cũng làm được. Bằng cách nào anh đã "nuôi" cho mình nguồn vốn lịch sử văn hóa dồi dào như vậy?

D.P.T: - Tôi không nghĩ vậy, vì việc tiếp xúc với kiến thức văn hóa cổ bây giờ có nhiều cái thuận lợi hơn chục năm về trước nhiều, đó là tư liệu, điều kiện in ấn, phương tiện làm việc, ngay chủ trương chính sách cũng "cởi mở" hơn. Nhưng với ai tâm huyết chịu khó kia, bởi đấy là việc làm "không hợp với thời cơ chế thị trường" trong khi cần phải đầu tư chiều sâu cho vốn cổ, mà có khi lại không thu hái được gì.

Một thực tế hiện nay "người viết trẻ" không hẳn đã trẻ tuổi và cả người đọc nữa thường thích cái sự mới lạ, cái hiện đại nhập ngoại, hồn nhiên hội nhập như một nhu cầu cần thiết trang trí đồ đạc trong gia đình vậy. Tôi nghĩ điều này cũng phải thôi, cuộc sống loài người luôn vươn tới mà. Còn phần mình, tôi không hiểu từ lúc nào đã "say mê cái thứ gọi là kiến thức văn hóa cổ" ấy. Có lẽ từ sau cái lần về làng giỗ tổ cách đây gần 20 năm trước. Lúc ấy tôi cảm thấy như mình đã mất đi một cái gì đó thật vô giá trước mái đình rêu phong dột nát ! Và như một lý giải cần được trả lời cho chính mình, tôi say mê nó. Tôi phải đi, học, đọc, suy ngẫm, điền dã vạch tìm dưới lớp bụi nào cảm thấy "các giá trị của nó", tôi tự mình rút ra những ý tưởng của các vấn đề văn hóa làng xã, xã hội dân gian truyền thống, học hỏi những vị già làng trưởng họ, lắng nghe các bậc túc nho ngoài đời, đương nhiên rất cần phải có tư liệu chánh sử, các văn bia, các cuốn gia phả để tra cứu, và cũng rất cần sự dìu dắt kèm cặp của các nhà học giả trên con đường chập chững lần mò.

Nhưng có điều này tôi phải nói thật "công việc kiếm tìm say mê vốn kiến thức văn hóa cổ rất hao tài, mệt sức lại dễ bị vợ con ca thán, có lúc thấy mình như kẻ man man".

TCSH: - Anh quan niệm thế nào về ý tưởng văn học đã chọn ?

D.P.T: - Như sở thích cá tính vậy, ta có cái này đương nhiên không thể cùng lúc lại có cả cái kia, nhưng xã hội lại cần có tất cả. Tôi nghĩ rằng mình phải vươn lên trên chính bản thân mình và hãy viết những điều mình tâm đắc với một nhân cách đầy tính công dân trước lịch sử văn hóa. Nhưng với tôi phía trước chân trời văn học còn xa tít...

TCSH: - Cám ơn anh nhiều. Rất có cơ sở để tìm những kỳ vọng của anh sẽ sớm được đạt. Chào nhà giáo, phó tiến sĩ văn học dân gian Tôn Thất Bình. Xin anh vui lòng cho biết dự định năm mới của anh về những công trình sưu tầm nghiên cứu VHVN dân gian và cung đình?

Tôn Thất Bình: - Năm nay tôi dự định hoàn thành những công trình sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa, văn nghệ dân gian và cung đình để in ấn :

Về sưu tầm:

- Kể chuyện cố đô (truyền thuyết, giai thoại)

- Tuồng dân gian Huế (văn bản)

Về nghiên cứu:

- Dân ca Bình Trị Thiên

- Lễ hội dân gian Thừa Thiên - Huế.

- Những đặc trưng của hò Huế.

- Từ điển nghệ thuật hát bội Việt Nam (soạn chung)

Ngoài ra, cần phải hoàn tất đề tài nghiên cứu khoa học do cấp Bộ quản lý: Khảo cứu bản sắc văn hóa Huế - đề xuất phương hướng bảo tồn phát triển bản sắc ấy để phục vụ cho đời sống văn hóa xã hội hiện tại. Hy vọng sau khi nghiệm thu, sẽ có cơ hội và điều kiện để in ấn vào năm kế tiếp.

TCSH: - Là thư ký Chi hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế, anh cho biết những nét chính về hoạt động trong thời gian qua của Chi hội và ý kiến đề đạt của một cán bộ lãnh đạo Chi hội với Hội Văn nghệ tỉnh và các cấp lãnh đạo cao hơn?

T.T.B: - Từ ngày thành lập Hội văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế năm 1993 cho đến nay, chúng tôi chưa có điều kiện thuận lợi để thực hiện chương trình, kế hoạch như dự định. Cụ thể là công trình sưu tầm "Văn học dân gian Thừa Thiên Huế" cho đến nay vẫn chưa có tín hiệu đáng mừng để thực hiện.

Dù tỉnh chúng ta là một trong 3 trung tâm văn hóa của cả nước, lại được nhận là di sản văn hóa thế giới, nơi tập trung trí thức, nhưng sự ra đời các công trình văn hóa do tập thể thực hiện vẫn chưa cao đúng tầm vóc trong khi các tỉnh bạn, thiếu điều kiện hơn vẫn hỗ trợ để in ấn: Văn nghệ dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng xuất bản từ năm 1983 (tập I); 1984 (tập 2); Văn học dân gian Quảng Trị (1993); Văn nghệ dân gian Quảng Bình (1996) nói chi đến Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, nơi chính quyền ra sức hỗ trợ để in hàng chục tác phẩm văn học dân gian: mỗi tập dày từ 400 đến 600 trang...

Đó là điều buồn xót xa cho Chi hội chúng tôi khi so sánh. Do vậy, quyết tâm của Chi hội là dù điều kiện khó khăn, vẫn cố gắng hoàn thành bản thảo tập "Văn học dân gian Thừa Thiên - Huế", dày 400 trang in, tâm niệm : cứ cố gắng rồi "trời" sẽ giúp.

Nhưng "trời" bận trăm công ngàn việc nên "tạm gác" lại hoài. Công trình "Địa chí Thừa Thiên Huế" đã bàn cách đây mười năm vẫn còn trở ngại. Có lẽ thiếu sự quyết tâm nên chưa thực hiện được. Chi hội chúng tôi sẵn sàng đảm nhiệm phần "Văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế" trong tập địa chí lớn lao đó.

Năm đến Chi hội sẽ cho ra mắt ít nhất là 2 tập nghiên cứu văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế; có sự hỗ trợ, cộng tác với tạp chí Huế - Xưa và Nay.

Nếu đề cương "Kiểm kê di sản văn hóa dân gian Việt Nam" của Hội Văn nghệ dân gian VN được thông qua, chúng tôi sẽ đảm nhiệm phần "Kiểm kê di sản văn hóa dân gian tỉnh Thừa Thiên - Huế".

Đó là một số dự định trong năm đến; mong rằng sẽ có tín hiệu đáng mừng!

TCSH: Cám ơn tất cả các anh các chị. Chúng tôi nghĩ rằng những gì các anh các chị vừa trao đổi đều rất bổ ích. Chúc sức khỏe các anh các chị năm mới. Chúc Văn nghệ TT. Huế năm mới xanh tươi, rực rỡ.

LÊ XUÂN VIỆT thực hiện
(TCSH96/02-1997)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng